VN sẽ là con hổ dũng mãnh của kinh tế châu Á

Ngày 23/03/2015 15:05 PM (GMT+7)

Việt nam sẽ là con hổ dũng mãnh của nền kinh tế châu Á - đây chính là nhận định nằm trong một bài viết được đăng tải ngày 23.3 trên tờ Bloombeg.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ

Bloombeg cho biết, nằm dọc theo một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, với tỷ lệ dân số trẻ cao và nền kinh tế đang trên đà phát triển, Việt Nam một lần nữa đã hồi sinh về kinh tế.

Nhiều nhà sản xuất lớn như: Samsung Electronics Co. và Intel Corp đang đổ tiền đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Họ cho rằng, nền kinh tế Việt nam sẽ trở thành một “con hổ” nên họ sẽ quyết định mở rộng thị trường tại đất nước hình chữ S này.

Thị trường Việt Nam được đổi mới và mở cửa trong những năm 1980, tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ này đã vượt quá 7%.

Theo PricewaterhouseCoopers LLP, Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.

 VN sẽ là con hổ dũng mãnh của kinh tế châu Á - 1

Ảnh: Bloomberg

Không chỉ là quốc gia Đông Nam Á có thị trường sản xuất lớn, Việt Nam còn là điểm đến lý tưởng với một hệ thống chính trị ổn định để các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư.

“Có thể nhận xét rằng Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Việt Nam có đủ mọi yếu tố để đạt tốc độ phát triển nếu như biết cách giải quyết những thách thức trong khu vực nhà nước”, chuyên gia Vikram Nehru của Quỹ Carnegie Endowment for International Peace nhận định.

Và đây là những bằng chứng chứng tỏ tốc độ phát triển của Việt Nam: Trong năm 2014, Việt Nam đã vượt qua nhiều nước trong khu vực để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ (thông tin từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), hay Asean.

Việt Nam cũng đã vươn mình vượt qua các đối thủ có tiềm năng như Thái Lan và Malaysia.

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã tăng mạnh trong 14 năm qua, đạt mức 12,35 tỷ USD trong năm 2014, tăng 7,4% so với năm 2013 và cao hơn nhiều so với mức 2,4 tỷ USD năm 2000.

Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cũng đang gia tăng mạnh và Chính phủ đã chấp thuận cho công ty này có một cảng vận chuyển hàng không riêng tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Các nhà sản xuất cũng đang quay hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhà sản xuất máy in của Nhật Bản Kyocera Document Solutions Inc., một đơn vị của Kyocera Corp, có kế hoạch tăng gấp 4 lần lượng sản xuất máy in hàng năm tại Việt Nam, lên tới 2 triệu chiếc vào tháng 3.2018. Còn một phần đầu tư của hãng này tại Trung Quốc sẽ được chuyển đến Hải Phòng. Điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đang trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng máy in Kyocera Document Solutions Inc, công ty này cho biết.

“Việt Nam đã thực sự chiến thắng trước Trung Quốc do Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh hiện nay vì vấn đề tăng lương và sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ. Bằng cách di chuyển rất sớm vào không gian bỏ trống của Trung Quốc, Việt Nam đang có lợi thế là đất nước tiên phong và đang dần khẳng định vị trí của mình”, chuyên gia Frederic Neumann của HSBC Holdings Plc tại Hồng Kông cho biết.

Việt Nam - Ngôi sao của khu vực sông Mê Kông

Theo số liệu của hãng tin Blooberg, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng 5,5% trong năm nay, cao hơn mức 4,1% của Indonesia và 2,4% của Malaysia hay 2,2% của Thái Lan.

Theo báo cáo của PwC, tăng trưởng GDP thực tế hàng năm của Việt Nam trong khoảng 2014-2050 dự kiến bình quân đạt 5,3%. Đây là mức tăng trưởng thứ 2 chỉ sau Nigeria. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm xuống dưới 4%.

Nhân khẩu học là một yếu tố quan trọng, có tác động đến nền kinh tế. Trong khi nhóm người từ 60 hoặc trên 60 tuổi chiếm khoảng 13% dân số của Trung Quốc trong năm 2012, thì ở Việt Nam, con số này chỉ chiếm 9%, theo Liên Hiệp Quốc.

Hơn 40% dân số Việt Nam vào năm 2013 là lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15-49.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết. mức lương lao động trung bình hàng tháng tại Việt Nam là 197 USD năm 2013, thấp hơn nhiều so với mức 391 USD/tháng tại Thái Lan hay 613 USD/tháng tại Trung Quốc.

Sự chênh lệch tiền lương này hiện vẫn đang tiếp tục được nới rộng. Theo ước tính của Economist Intelligence Unit, chi phí lao động sản xuất mỗi giờ của Trung Quốc năm 2019 sẽ cao hơn 177% so với Việt Nam. Con số này năm 2012 là 147%.

"Tôi nhớ khi tôi còn ở Trung Quốc một vài năm trước đây, tôi đã đi mua một đôi giày và thấy chúng có nguồn gốc tại Việt Nam”, John Hawksworth, một chuyên gia của PwC cho biết.

Tuy nhiên, Bloombeg cũng chỉ ra rào cản đối với Việt Nam hiện nay là phần lớn những công việc được chuyển sang Việt Nam là những công việc có giá trị thấp trong khi Trung Quốc đang nâng giá trị chuỗi sản xuất lên. Lao động sản xuất của Việt Nam tập trung chủ yếu trong ngành dệt may, đồ nội thất và thiết bị điện tử.

“Năng suất của các ngành sản xuất của Việt Nam là rất thấp, đây sẽ là một rào cản lớn cho viêc mở rộng ở thị trường này”, Giám đốc chi nhánh Thượng Hải Karel Eloot của McKinsey & Co nhận định.

Việt Nam đang nỗ lực để giải quyết những bất cập này. Việt Nam sẽ bán một số lượng cổ phiếu cao kỷ lục trong các công ty nhà nước trong năm nay, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3.2015.

Theo Moody’s Investors Service, kế hoạch chào bán cổ phần trong 280 doanh nghiệp nhà nước sẽ là một yếu tố tích cực trong tín dụng đối với ngành ngân hàng tại Việt Nam này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) và cũng tham gia Hiệp định Đối tác Chiến lược Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

"Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan để trở thành ngôi sao của khu vực sông Mê Kông”, Tim Condon, một nhà nghiên cứu hãng đầu tại châu Á ở ING Groep NV cho biết khi đề cập đến những nền kinh tế khu vực sông Mê Kông (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, tỉnh Vân Nam-Trung Quốc).

Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Thái Lan đã trở thành một con hổ trước cuộc khủng hoảng tài chính của Châu Á năm 1997-1998. Tuy nhiên, xuất khẩu của nước này trong 2 năm gần đây đã suy giảm. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài năm 2014 đã tăng 14%.

Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd (ANZ) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay và những năm tới của Việt Nam lên 6,5%. Nguyên nhân là theo đánh giá của ANZ, sự tăng trưởng trong doanh số bán lẻ, gia tăng sản xuất công nghiệp và sự cải thiện trong ngành xây dựng tại Việt Nam.

"Cơ cấu kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang sản xuất," Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết. "Bạn có thể nhìn thấy điều đó đang xảy ra tại đây”.

Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh tế