Sau một tai nạn điện giật, chồng chị Nguyễn Thị Hải Yến (Thái Nguyên) bị di chứng nặng nề phải nằm một chỗ, tổn thương đến 97% cơ thể. Vượt qua áp lực kinh tế, khó khăn nuôi 2 con, chị Yến sẵn sàng gác lại giấc mơ của mình để tiếp tục xây dựng gia đình tr
Ngày định mệnh ập tới khi cả gia đình đang hạnh phúc
Nhớ lại ngày định mệnh năm trước, chị Yến không khỏi xúc động kể về điềm báo của gia đình mình: “Hôm đó là một buổi chiều rất nắng khoảng tầm 3 giờ, khi tôi vừa thấy anh đăng bức ảnh cả gia đình kèm những câu từ hạnh phúc thì ngay sau đó anh bị điện giật”. Dù mọi người đã cố gắng sơ cứu nhưng khi lên đến bệnh viện thì đã ngừng tim, bác sĩ cũng cảnh báo chỉ cần ngưng tuần hoàn quá 5 phút thì bệnh nhân sẽ sống thực vật.
Chị kể thêm, ngay sau khi có nhịp tim trở lại, gia đình đã tìm cách đưa anh về Bệnh viện Bạch Mai để chữa trị. Sau 6 ngày ở phòng cấp cứu, bác sĩ từng khuyên cho anh đi về, nhưng vì thương anh, chị quyết tâm đưa anh xuống bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục điều trị. “Đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất trong đời tôi, lúc đấy tôi chẳng biết làm gì cả, tôi khóc, mẹ chồng cũng khóc rồi suy sụp mà đi viện. Lúc đó trong gia đình cứ tán loạn hết cả lên, ai cũng nói anh hỏng rồi, ai cũng bị đè nặng tâm lí vì tình trạng hiện tại của anh”, chị nói.
Sau 2 tháng chăm sóc, anh dần tỉnh lại, đó là tín hiệu mừng lớn nhất sau chuỗi ngày cả gia đình chị dần rơi vào tuyệt vọng. Tuy vậy, anh phải chọn sống thực vật suốt quãng đời còn lại. Chia sẻ về bệnh tình của anh, chị kể: “Anh phải thở nội khí quản qua bụng, mắt không nhìn thấy, liệt cứng tứ chi, không nhai nuốt hay tự vệ sinh được. Anh còn bị tăng trương cơ gồng cả ngày gồng cứng nên người nhà phải túc trực chăm 24/7. Khi tôi đi làm thì mẹ chồng sẽ chăm, đêm về tôi sẽ chăm anh cho đến sáng rồi đi làm lại”.
Cũng vì di chứng sau tai nạn, anh gặp khó khăn khi nói, chỉ có thể bập bẹ vài từ khi chị cố gắng gặng hỏi, ví dụ chị hỏi anh tên gì, hỏi rất nhiều lần anh mới trả lời đúng một chữ “Hiếu”, còn hỏi em tên gì thì anh bảo “Yến”, thậm chí khi con gọi anh vẫn khó nói một điều gì khác.
Chăm anh những ngày bệnh tật, chị Yến cũng tập thay đổi dần nếp sinh hoạt của mình để thích ứng với cuộc sống hiện tại. Chị cho biết vì anh không bao giờ ngủ đêm nên chị phải thức cùng anh đến 4 giờ sáng, rồi đi ngủ đến 7 giờ để đi làm tiếp. “Áp lực nói không có thì sai vì bây giờ anh ấy cứ như trẻ con vậy, nhưng mà thôi ngẫm lại mọi việc đến với cuộc đời mình là số phận nên là mình cố gắng hết sức với nó thôi”, chị bày tỏ.
Con trai ghi sổ nợ cho bố: "Bố nhanh khỏe để trả cho con nha"
Nhìn lại khoảng thời gian không ngắn cũng chẳng dài, chị Yến giữ cho mình một suy nghĩ đơn giản để sống nhẹ nhàng hơn rằng đó là cái nghiệp của chồng và của chính mình nên từ giờ mình phải cố gắng để trả hết nghiệp thì chồng và các con mình sẽ sống thanh thản hơn.
Từ người giữ tổ ấm cho gia đình, bây giờ chị cũng dần trở thành một phần trụ cột chính cho mái ấm nhỏ, chị chia sẻ: “Về kinh tế thì tôi và mẹ chồng tôi cùng lo, mẹ thì đi bán thịt lợn từ 3 giờ sáng, tôi thì làm giáo viên mầm non lương ba cọc ba đồng, lo tiền học cho hai con, thuốc men cho anh cũng chật vật. Giờ dịch bệnh nghỉ ở trường, tôi làm thêm bên bảo hiểm. Mẹ tôi mới là người gánh gồng nhiều thứ, nên tôi phận làm con, điều quan trọng nhất vẫn là giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để vượt lên mỗi ngày”.
Chị nói thêm, vì xuất phát từ vùng nông thôn, người nhà quê nên tất cả những việc đó không là cái gì khó khăn cả, chỉ cần anh khỏe lên từng ngày, chị sẵn sàng đương đầu với thử thách trong cuộc sống.
Từng ngày trôi qua, chị Yến chỉ nói với anh những chuyện vui, khen ngợi anh những việc nhỏ anh làm được để tinh thần cải thiện tốt lên. Ngoài chị Yến, hai con nhỏ cũng là động lực lớn cho anh Hiếu. Thời gian đầu biết bố bị tai nạn, hai con cứ khóc suốt. “Nhưng tôi cũng nói đó là điều không may, bây giờ càng khóc bố càng buồn nên các con phải chăm ngoan học giỏi, mỗi ngày khoe một điểm 10 với bố thì bố sẽ khỏe lên rất nhiều, các con còn nhỏ nên nghĩ điều đó là thật nên làm theo. Thời gian rảnh, con đọc sách, kể chuyện, hát cho bố nghe. Có hôm tôi còn thấy anh rơi nước mắt khi nghe con kể chuyện”, chị tâm sự.
Cũng may mắn là hai bé nhỏ rất ngoan, cháu trai trước đây nghịch ngợm nhưng từ khi biết bố cháu bệnh nên cháu thương bố và phụ mẹ chăm bố, cho bố ăn, thay bông băng, cho bố uống thuốc, còn bé gái thì thay ga, thay túi tiểu, lau mặt cho bố…
Chị Yến nghĩ rằng cách chữa bệnh tốt nhất chính là bằng tình yêu thương. Dù không biết kết quả như thế nào nhưng mình cứ nỗ lực dành sự yêu thương, chăm sóc tốt nhất thì anh sẽ khỏe lên từ điều đó. Theo chị, hai bé con cũng dần lớn hơn khi hiểu hoàn cảnh nhà mình và biết chia sẻ với mẹ. “Bé lớn thì luôn luôn giấu cô giáo, cho đến khi tôi đăng một video lên mạng. Bé về nhà khóc, tôi hỏi thì bé nói tại sao mẹ lại đăng lên để đến lớp cô giáo nói với các bạn là không được ai động vào điện, nếu động vào sẽ bị giật như bố của bạn Bảo Nam. Thế là tôi mới bảo cô giáo nói đúng vì bố là minh chứng để cho các bạn nhỏ nhìn vào sẽ không dám động vào điện nữa”, chị nhớ lại.
Để ghi nợ với bố, anh hai còn có một tờ giấy để ghi tiền nợ của bố mỗi ngày: "Cháu bảo hồi trước bố hứa khi con được điểm 10 bố sẽ thường 10.000 đồng, con nhổ một cái răng là bố thưởng 100.000 đồng. Thế là từ ngày bố bệnh cứ mỗi lần được điểm 10, bé lại ghi nợ bố Hiếu, tiếp tục như thế số nợ ngày càng tăng rồi bé thủ thỉ với bố, bố nợ con nhiều lắm, bố nhanh khỏe để trả cho con nha để con mua một cái xe tam mao”.
“Người đời ác ý nhưng tôi vẫn yêu anh ấy, không bao giờ nghĩ đến chuyện buông bỏ"
Từ khi anh sống thực vật, chị Yến cùng với mẹ chồng lo liệu mọi chuyện trong gia đình. Vốn có niềm đam mê với nghệ thuật, đặc biệt là diễn xuất kịch, chị đã tạo một tài khoản trên Tiktok để chia sẻ đam mê của mình cũng như câu chuyện của gia đình. Tuy không qua trường lớp nào, chị Yến vẫn rất mê kịch và thường xuyên đi diễn ở những show nhỏ do mình tự viết tự diễn. Dù không có cơ hội theo đuổi chuyên nghiệp, nhưng từ xưa cả gia đình vẫn luôn ủng hộ và theo dõi hành trình của chị, nền tảng mạng xã hội cũng là nơi để chị thỏa đam mê ấy.
“Khi tôi đăng video chăm sóc anh lên mạng sau nhiều video có nội dung khác, nhiều bạn cứ hỏi bao giờ tôi lấy chồng mới, có bồ chưa, rồi nói chắc nhà chồng tôi giàu lắm. Nghĩ cũng buồn nhưng thực tế tôi vẫn có gia đình hoàn hảo, có mẹ có con có chồng thì điều đó sẽ không xảy ra. Chồng tôi yêu thương tôi mới cưới tôi về thì khi anh ốm đau tôi sẽ là người bên cạnh, không bao giờ có chuyện đi đâu cả”, chị khẳng định.
Trên mạng xã hội tiktok, chị cho biết cũng từng có nhiều người thương và xin số tài khoản để cho anh tiền mua thuốc, nhưng chị chỉ nhận những lời hỏi thăm, còn tiền xin phép không nhận vì chị biết ngoài kia còn có rất nhiều người khổ hơn mình. Chị nói: “Tôi luôn nhìn vào những người khổ hơn mình để lấy động lực cố gắng chứ không ngước lên ganh đua với người sung sướng hơn và tôi biết cũng có rất nhiều hoàn cảnh vợ chăm chồng như thế này”.
Chị ngại ngùng kể, vì muốn cải thiện bệnh tình của anh, chị từng đi nhiều nơi thăm hỏi hay nghe ai mách gì cũng làm với mong muốn anh tốt lên dù chỉ một chút. “Tôi đi nhiều nơi lắm, có đợt người ta chỉ lên Cao Bằng, tôi cũng lên nhưng hôm đấy còn bị sạt đường, tưởng chừng như không về được. Nhưng tôi cứ đi thôi, vì nghĩ nhỡ đâu phép màu sẽ đến, biết đâu anh khỏe lại thì tôi quyết không nản lòng”, chị kể.
Những lời nói của người đời chỉ là động lực để chị cố gắng hơn, từ xưa cưới về, chị cũng từng chăm bố chồng bệnh, rồi cả nhà ai cũng quan tâm, yêu thương chị như con đẻ nên bây giờ gia đình có như thế nào thì nó vẫn là nơi duy nhất để mình quay về và cố gắng, chị chia sẻ thêm.
Trong căn phòng, với chị Yến giờ đây không còn buồn nữa, chị thường hát cho anh nghe, kể chuyện cho anh làm không khí trong phòng bớt tĩnh lặng để ngày mai, hi vọng gia đình nhỏ quây quần bên nhau như xưa sẽ trở về.