Người đàn ông dị dạng gương mặt và chuyện tình bất ngờ sau cuộc gọi nhầm số

Hữu Huy - Ngày 07/05/2021 14:40 PM (GMT+7)

Từ một cuộc gọi nhầm số, người đàn ông có gương mặt biến dạng vì bệnh u sợi thần kinh bỗng tìm được tình yêu đến từ một người phụ nữ chất phác ở phương xa.

Người đàn ông dị dạng gương mặt và chuyện tình bất ngờ sau cuộc gọi nhầm số - 1

Cuộc gọi nhầm số ghép nên mảnh tình cảm động

Sinh ra với dáng vẻ như bao người bình thường khác, năm lên 9 tuổi, anh Nguyễn Văn Tùng (ở quận 12, TP.HCM) bỗng dưng bị nổi mụn thịt khắp người và dần phát triển thành những khối u trên khắp cơ thể khiến gương mặt anh bị biến dạng. Sau khi đi khám ở bệnh viện, anh được chẩn đoán mắc bệnh u sợi thần kinh – một căn bệnh hiếm gặp.

Từ đó, mặc cảm bệnh tật và tướng mạo dị biệt khiến anh mặc cảm và sống lủi thủi một mình. Ước mơ về một mái ấm gia đình cho riêng mình dường như còn quá xa vời đối với anh.

Rồi một ngày của tháng 11/2013, anh Tùng (lúc đó đã 41 tuổi) bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ. Chính cuộc gọi này đã giúp anh tìm được tình yêu cho cuộc đời không mấy may mắn.

Người đàn ông dị dạng gương mặt và chuyện tình bất ngờ sau cuộc gọi nhầm số - 2

Hình ảnh lưu niệm của anh Tùng và vợ.

Chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi, chị Hồ Thị Mai Trinh (quê ở Cà Mau, vợ anh Tùng) cho biết vốn dĩ gia cảnh chị cũng không khấm khá, trước khi về với chồng, chị phải làm thuê, làm mướn ở thành phố Cà Mau.

“Sau khi đi làm thuê về, tôi có dùng điện thoại bấm số để gọi cho người thân. Nhưng lúc bấm số thì bấm nhầm 1 số và gọi đến điện thoại của anh ấy. Khi phát hiện mình nhầm số tôi có bấm tắt máy. Lát sau anh ấy gọi lại, qua chuyện trò thì thấy cũng hợp nhau nên hai bên có gọi điện qua lại nhiều ngày. Sau đó anh ấy còn cho gia đình nói chuyện qua điện thoại với tôi”, chị Trinh nhắc lại chuyện cũ.

Nghe vợ kể chuyện, anh Tùng mỉm cười và nhớ lại cuộc gọi của gần 8 năm trước. Anh kể, lúc đó khi nói chuyện qua điện thoại cảm thấy hợp ý nhau, sẵn có người em trai họ hàng có vợ ở Cà Mau, ngày Tết đầu năm 2014, người em này có về quê vợ nên anh đã xin đi theo thăm bà con,  cũng sẵn tiện để tìm hiểu về người phụ nữ quen trên điện thoại đó.

Và như vậy, hành trình hơn 300km từ TP.HCM về Cà Mau để tìm tình yêu của anh Tùng bắt đầu.

“Lúc đó cô vợ mình ở phường 4, còn mấy người em mình ở phường 8, thành phố Cà Mau. Mình có nhờ người em đưa qua rồi mình tự đi tìm. Mình cũng lo lắng trong lòng, không biết cô ấy sẽ nghĩ gì khi thấy diện mạo của mình, có chê mình gì hay không, có sợ mình hay không. Nói chuyện qua lại thì cô ấy không sợ mình, tiếp xúc với nhau thì có cảm tình nên cảm giác lo sợ lúc đầu cũng được xua tan”, anh Tùng tâm sự.

Người đàn ông dị dạng gương mặt và chuyện tình bất ngờ sau cuộc gọi nhầm số - 3

Từ cuộc gọi nhầm số, chị Trinh và anh Tùng đã nên duyên vợ chồng.

Sau gần 3 tháng quen biết và chỉ liên lạc qua điện thoại, ngày mùng 2 Tết của năm 2014, được người quen từ TP.HCM xuống tận Cà Mau để tìm gặp, chị Trinh cho biết đã không khỏi bất ngờ.

Chị Trinh thật thà kể: “Lúc đầu gặp nhau, mình thấy anh ấy là dân Sài Gòn gì mà nhìn khác với tưởng tượng của mình quá, quần áo cũng không biết ăn diện, nhìn là thấy quá ấn tượng luôn. Với lại dù được anh ấy nói trước về khối u trên mặt, nhưng mình cũng chưa từng gặp người nào có bệnh như anh nên mình cũng có phần bất ngờ. Dù vậy, mình không cảm giác sợ vì khối u của anh ấy mà vừa cảm thấy tội nghiệp và vừa thấy thương”.

Sau cuộc gặp đầu tiên đó, anh Tùng trở lại TP.HCM và thưa chuyện với gia đình về tình cảm của mình dành cho chị Trinh. Phía gia đình anh cũng đồng ý và mong anh, chị sớm về chung nhà với nhau.

“Lúc đó hoàn cảnh 2 bên đều rất khó khăn. Gần 3 tháng sau khi lần đầu gặp mặt, anh ấy xuống Cà Mau lần nữa và nói chuyện lập gia đình. Mình đồng ý về với anh ấy từ đó và trở thành vợ chồng. Lúc đó anh ấy nghèo, thân lại mang bệnh, nhưng vì mình thương, trời cho duyên nợ nên theo anh ấy”, chị Trinh mỉm cười nói về chuyện hôn nhân của mình.

Khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng cặp đôi vẫn lạc quan về tương lai

Những ngày đầu về chung một mái nhà, vợ chồng anh Tùng hầu như chỉ có bàn tay trắng khi công việc của anh là làm thợ phụ hồ thu nhập 180.000 đồng/ngày, ngày có việc, ngày lại không có việc.

“Khi anh ấy đón mình về, anh ấy đưa chiếc ví trong đó chỉ có hơn 3,2 triệu đồng rồi nói giao tiền cho vợ giữ. Đó là tài sản duy nhất của anh ấy có”, chị Trinh mỉm cười nhắc lại.

Có số vốn nhỏ mà chồng vừa đưa, chị Trinh mua khoai lang, khoai mì, rồi làm bánh, nấu xôi mang đi bán ở huyện Hóc Môn (TP. HCM). Khoảng thời gian này, việc buôn bán thuận lợi, mang về thu nhập ổn định cho gia đình nhỏ của anh chị.

Rồi tháng 6/2015, bé trai kháu khỉnh và bụ bẫm ra đời như là “quả ngọt” đến từ mối tình của anh chị. Đón con trai đầu lòng, anh chị tưởng chừng như hạnh phúc đang đến rất gần. Tuy nhiên, số phận lại một lần nữ trêu đùa với anh chị khi bé Nguyễn Hoài Ân (tên con trai của vợ chồng anh Tùng) chào đời được hơn 10 ngày thì có biểu hiện của bệnh u não, bác sĩ cho biết bé bị u não và u sợi thần kinh, chèn dây thần kinh thị giác gây cườm ở mắt. Tài chính gia đình dần kiệt quệ vì chạy chữa cho con.

Người đàn ông dị dạng gương mặt và chuyện tình bất ngờ sau cuộc gọi nhầm số - 4

Khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng anh Tùng, chị Trinh vẫn luôn lạc quan về ngày mai tươi sáng.

Bé Hoài Ân được 1 tháng rưỡi thì bị bệnh phổi, lúc đó gia đình không có tiền nhưng vì con bệnh, anh chị phải nhắm mắt đưa cháu vào bệnh viện. May mắn ở đây có nhiều người giàu lòng nhân ái đã biết đến hoàn cảnh của gia đình mà hỗ trợ viện phí cho cháu.

Sau khi bệnh viêm khỏi chữa xong, mắt của cháu Ân bắt đầu bị cườm nước và sưng to, phải đưa đến bệnh viện Mắt TP. HCM để chữa trị. Bác sĩ chỉ định phải mổ nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

“Lúc đó, mình mới nói với bác sĩ là gia đình không có tiền, bác sĩ nói là gia đình cứ cho cháu nhập viện và sẽ kêu gọi để hỗ trợ. Nhờ mấy cô chú hội bảo trợ trẻ em và các mạnh thường quân, bé được mổ mắt. Thời gian đó mình suy sụp vì không có tiền trong tay và cảm giác bất lực. Hai vợ chồng phải xin từng bữa cơm từ thiện để ăn. Nuôi đứa trẻ bình thường vốn đã không dễ. Nuôi con với nhiều bệnh tật và bệnh về não lại càng khó khăn hơn”, chị Trinh trầm ngâm.

Kể từ ngày con chào đời với bao bệnh tật, chị Trinh phải ở nhà chăm con và không còn đi buôn bán được như trước, gánh nặng kinh tế gia đình dồn về phía vai anh Tùng. Hàng ngày, anh phải lặn lội hàng chục km để đi bán vé số từ sáng sớm đến tối mịt mới về, chỉ mong đủ tiền lo cho cuộc sống gia đình và đưa con đi khám bệnh.

“Lúc lấy vợ mình nghĩ rằng bệnh u sợi thần kinh sẽ không lây sang con bởi vì ngày xưa khi mình lớn rồi mới bị bệnh. Nhưng không ngờ sinh con ra, thì con lại mang bệnh u sợi thần kinh còn thêm bị u não. Bây giờ mình phải cố gắng để lo cho con”, anh Tùng trâm ngâm tâm sự.

Về phần chị Trinh, khi biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn, có người đã cho chị một chiếc máy may gia đình để sửa quần áo tại nhà và để tiện chăm sóc, theo dõi bệnh tình của con.

Chị Trinh chia sẻ: “Mong là con sẽ mau hết bệnh và khỏe mạnh, mình sẽ cho con đi học rồi mình sẽ lại đi bán lại khoai, bán bánh, vì đó là thu nhập ổn định. Về lâu dài, mình cũng ao ước có một mái nhà riêng, không cần nhà lớn, chỉ cần có nơi trú thân thôi, mình sẽ bán tạp hóa”.

Người đàn ông dị dạng gương mặt và chuyện tình bất ngờ sau cuộc gọi nhầm số - 5

Gần 6 năm kể từ ngày bé Hoài Ân ra đời, chị Trinh luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc con. Trong ảnh, bé Hoài Ân đang cầm trên tay bức ảnh lúc nhỏ của mình.

Dù gia cảnh khó khăn nhưng khi tâm sự với chúng tôi, chị Trinh cũng không giấu được mơ ước về một ngày mai khi có gia đình có điều kiện khá giả, chị sẽ quan tâm san sẻ nhiều hơn với những người có hoàn cảnh khó khăn khác.

“Bản thân gia đình mình cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ trong lúc khó khăn. Mình chỉ hy vọng sau này cơn khó khăn qua đi, mình sẽ giúp đỡ lại những người khác”, chị Trinh cười mỉm cười lạc quan.

Chuyện chưa kể về người làm bánh mì bách thú ở Sài Gòn: Mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ
Không có khuôn sẵn, mỗi chiếc bánh mì mang hình dáng động vật đều được đôi bàn tay sáng tạo của anh Phước tạo hình thủ công. Anh từng mang bánh mì độc...
Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn