Người thân và bạn bè ở cả 3 miền chứng kiến giây phút trọng đại của đôi trẻ Sài Gòn thông qua ứng dụng Zoom. Trước ống kính, tuy ai cũng ngại ngùng nhưng thật khó để che giấu cảm xúc thật, đó là giây phút khó quên nhất của cả 2 khi tổ chức lễ cưới "khác n
Dịch bệnh ở Sài Gòn đang diễn biến phức tạp, nhưng lại không muốn lỡ ngày lành tháng tốt đã định sẵn, đôi trẻ Trần Văn Quan và Phạm Trương Khánh Thi đã tổ chức lễ cưới, lễ cúng gia tiên qua ứng dụng họp mặt Zoom, xin phép ông bà cho cả 2 nên duyên vợ chồng.
Mới đây, trên MXH chia sẻ rầm rộ bài viết về một đám cưới online được tổ chức vào ngày 17/7 vừa qua. Trong các hình ảnh được đăng tải, cô dâu và chú rể cười tươi tắn, hạnh phúc trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên qua ứng dụng Zoom.
Em gái của cô dâu là người đăng tải câu chuyện, kể lại cảm xúc thú vị trong ngày cưới có 1-0-2 của chị gái. Bài viết nhanh chóng nhận được nhiều lời khen, chúc mừng và động viên cho đôi vợ chồng son trong những ngày dịch dã.
Gặp cô dâu mới sau ngày ra mắt tổ tiên, Khánh Thi cho biết đây là ý tưởng của cả hai vợ chồng trước tình hình dịch bệnh phức tạp ở thành phố, đặc biệt khu vực hai người sinh sống là chung cư cũng đang thực hiện phong tỏa, cách ly vì có ca nhiễm COVID-19.
Khánh Thi kể: “Gia đình mình đã lên lịch làm lễ cưới từ tháng 4 nhưng vì xuất hiện các ca nhiễm, rồi tình hình dịch ngày càng căng, thành phố giãn cách nên mình tính lùi lại. Thế nhưng, bà nội chồng hơi yếu nên bọn mình cũng hơi lo lắng. Sau đó, mình nói chơi hay làm thử đám cưới online đi, nghe xong chồng mình hào hứng ủng hộ lắm dù hai đứa không biết sẽ làm như thế nào. Rồi khi nói ý tưởng này với gia đình, ba mẹ hai bên cũng không hình dung sẽ tổ chức ra sao, nhưng vẫn rất ủng hộ. Tụi mình thấy thú vị nên cùng bắt tay làm".
"Đám cưới là ngày khó quên nhất, nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời của mỗi người, nhưng với mình thì nó đặc biệt hơn cả, đúng là lễ cưới có 1-0-2 nữa”, cô dâu mới xúc động chia sẻ.
Hai bên gia đình bắt tay vào chuẩn bị mâm cỗ, riêng Khánh Thi, cô sửa soạn trang trí để có không khí của một lễ cưới đặc biệt. Khánh Thi cho biết, từ khi có ý tưởng làm lễ cưới online, hai người cũng mua sẵn áo dài, vest, riêng nhẫn cưới đã có từ hôm dạm ngõ. Đồ trang trí bàn thờ Khánh Thi đặt trên mạng, trái cây trong mâm cỗ Thi phải xếp hàng chờ cả tiếng để mua trong siêu thị, thiệp cưới tự thiết kế, cô dâu tự trang điểm, mâm cúng đơn giản với ít bánh quy, hoa quả… Với đôi trẻ, mọi thứ tuy sơ sài nhưng chung quy vẫn ổn đến trước giờ G.
Về hình thức mâm cúng gia tiên, Thi cho biết chú rể cũng có nghiên cứu về cách làm lễ truyền thống nhưng rồi không làm gì giống cả, cả 2 chỉ giữ phần thắp hương lên bàn thờ xin phép tổ tiên cho cưới. "Ở nhà ngoại, dì giúp tụi mình bày bàn gia tiên đầy đủ như mâm cỗ rồi thắp hương cùng lúc với tụi mình bên này, còn nhà nội và nhà chồng đã thắp hương xin ông bà trước đó”, Khánh Thi kể.
Đến giờ làm lễ, cả gia đình, người thân và một vài người bạn hai bên cùng tham gia họp mặt trực tuyến qua Zoom. Được biết, những vị khách mời đặc biệt này đến đủ từ ba miền Bắc Trung Nam… cùng tham gia lễ gia tiên của Thi và Quan.
Thi nhớ lại, khi bắt đầu cuộc gọi, các khách mời và họ hàng đều bỡ ngỡ vì nghĩ là gọi thường thôi nên không ai mặc đồ ăn cưới, Thi cũng không hình dung được gì vì chỉ nghĩ gọi để mọi người xem hai đứa làm lễ. Lễ cưới dự tính diễn ra trong vòng 15 phút, nhưng vì trục trặc đường truyền phải kéo dài mất gần 1 tiếng qua ứng dụng Zoom.
“Mình cũng tính gọi qua Zalo hoặc Facebook cho tiện vì ai cũng có nhưng sau đó nghĩ Zoom dễ thao tác hơn, mình có thể bật mute hoặc mở mic cho người mình muốn mời nói chuyện, có thể đổi tên người tham dự cho mọi người biết nhau và cũng có thể ghi âm lại nữa, chị Thi nói.
Vì thời gian chuẩn bị gấp gáp, mãi đến đêm trước lễ cưới, hai vợ chồng mới có thời gian chỉ cho mọi người cách dùng Zoom. Chị Thi kể thêm, trong quá trình diễn ra lễ gia tiên, ai cũng tỏ ra bối rối vì không ai biết phải làm gì, tuy có kịch bản nhưng cũng khá sơ sài, chú rể nói rồi cô dâu nói, xong chủ hôn là em trai Thi phát biểu, sau đó đại diện hai bên chúc phúc.
“Lúc họ hàng hai bên phát biểu mình xúc động lắm, mọi người ai cũng muốn nói điều gì đó, rồi ai nói cũng rưng rưng khóc. Mãi đến sáng ngày cưới, chồng mình mới gọi nhờ em trai làm chủ hôn, nhưng thật may không khí ngày hôm đó vẫn rất ấm cúng, tụi mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, Thi chia sẻ.
Những khó khăn khi tổ chức đám cưới online chắc cũng rất nhiều cặp đôi gặp phải. Chị Thi nói thêm: "Có khi đường truyền yếu vì dùng 3G, khi mẹ đang nói thì rớt mạng, ba đang chia sẻ thì tắt nhầm mic nữa, nhưng chung quy lại cũng không ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng hôm đó của hai đứa. Sau vụ này mình cũng lên mạng tìm thì thấy nhiều cặp tổ chức trực tuyến cũng dễ thương ghê.
Lúc tổ chức gia đình sợ hai đứa mình buồn, tủi thân vì không có ai bên cạnh. Nhưng chỉ cưới thôi mà, hai vợ chồng cũng đăng ký kết hôn rồi, không cần phải đợi gì cả, bên cạnh nhau lúc khó khăn này vậy mới quý”.
Trước ống kính, tuy ai cũng ngại ngùng nhưng thật khó để che giấu cảm xúc thật, đó là giây phút khó quên nhất của cả 2 tổ chức lễ cưới "khác người". Sau này, chị sẽ kể lại cho con cháu nghe về cảm xúc trong đám cưới đặc biệt này và cũng để gia đình hai bên an tâm hơn khi làm lễ đúng ngày đúng giờ.
“Buổi lễ diễn ra nhiều tình yêu thương, người thân mình chia sẻ rất nhiều và lo tụi mình buồn. Mình nghĩ đám cưới quan trọng nhất là tinh thần và tình cảm đôi bên, tình cảm hai gia đình đối với hai vợ chồng, còn mọi thứ chỉ là hình thức. Hôm đó mình đã cảm nhận đủ tinh thần ấy nên về cơ bản hai đứa đều thấy hạnh phúc”. Được biết, khi “cô Vy” cho phép, hai bên sẽ tổ chức tiệc cưới để có một hôn lễ trọn vẹn. “Làm lễ gia tiên theo ngày giờ ba mẹ chọn đã xong nên mình không còn áp lực thời gian nữa, khi nào thấy ổn thì cưới thôi”, Thi vui vẻ nói.