Không yên tâm cảnh bố vợ mù lòa ở quê một mình, vợ chồng ông quyết định bỏ việc ở thành phố để về quê. Vợ bận công việc, người chồng suốt 9 năm qua đã tận tình chăm sóc bố vợ như bố đẻ của mình.
Bố vợ không khỏe, con rể túc trực đưa đi khám chữa tận tình
Sáng ngày 17 tháng 11, tại nhà của cụ Tang Xin ở huyện Dương Tân, Hoàng Thạch, Hồ Bắc, Trung Quốc, những người lớn tuổi đang trò chuyện với nhau. Khi nhắc đến người con rể Zeng Guangsheng (62 tuổi), ai nấy đều không tiếc lời khen ngợi sự hiếu thảo.
Cụ Tang Zehan năm nay 84 tuổi, có 4 cô con gái và 1 người con trai. Hơn 20 năm trước, vợ cụ không may qua đời vì bạo bệnh. Thấy mình vẫn còn khỏe mạnh và không muốn làm phiền con cái, cụ chọn sống tiếp một mình.
Đến năm 2013, mắt của cụ Tang Zehan bắt đầu mờ dần. Thấy vậy, người con rể cả Zeng Guangsheng đã nhiều lần đến thăm và thuyết phục bố đi khám mắt. Tuy nhiên, lúc đó cụ chỉ nghĩ là hiện tượng lão hóa bình thường.
"Con trai tôi làm việc ở Chiết Giang hơn 30 năm rồi, gần như đã trở thành người Chiết Giang", cụ Tang Zehan chia sẻ.
Người con trai duy nhất muốn đón bố về Chiết Giang sống cùng nhưng vì đã quen với cuộc sống ở quê nên cụ không muốn rời đi. Các con gái cũng muốn được chăm sóc bố nhưng cụ không muốn tăng thêm gánh nặng cho con gái đã về nhà chồng.
Sau khi ăn cơm, ông Zeng Guangsheng đưa bố vợ đi dạo.
Sợ rằng bố vợ có thể xảy ra chuyện do thị lực suy giảm, người con rể cả Zeng Guangsheng cố gắng thuyết phục và cuối cùng cụ Tang Zehan cũng đồng ý đi khám mắt. Kết quả khám cho thấy cụ bị đục thủy tinh thể nặng và phải phẫu thuật. Nhưng sau 2 lần phẫu thuật thất bại, tình trạng mắt của ông càng trở nên nghiêm trọng hơn và cuối cùng cụ bị mù.
"Lúc đầu, khi không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì, tôi buồn lắm. Mỗi khi đi đâu, con rể đều cõng tôi đi, tìm cách chạy chữa khắp nơi", cụ Tang Zehan nhớ lại. Lúc này, ông càng không muốn đến Chiết Giang ở cùng con trai.
Không yên tâm để bố sống một mình, vợ chồng con gái chuyển về quê ở
"Vợ con là con cả trong nhà, con là con rể cũng như con ruột nên chăm sóc bố là bổn phận của chúng con", ông Zeng Guangsheng nhẹ nhàng khuyên bố vợ.
Ông nói thêm rằng nếu bố vợ tiếp tục sống một mình, con cái sẽ không yên tâm và nếu không may bị ngã sẽ khiến cả gia đình rất lo lắng. Dưới sự thuyết phục kiên nhẫn của con rể, cụ Tang Zehan cuối cùng cũng đồng ý đến nhà con gái cả, bà Tang Chunmei để sống từ năm 2015.
Vợ chồng ông Zeng Guangsheng và bà Tang Chunmei vốn làm việc ở Thượng Hải. Để chăm sóc bố vợ, cả hai đã từ bỏ công việc ở thành phố để trở về quê. Ông Zeng Guangsheng vừa làm thợ sơn sửa nhà, vừa chăm sóc bố vợ Tang Zehan. Còn bà Tang Chunmei làm công việc nấu ăn, mỗi ngày phải đi từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.
"Bố mẹ tôi qua đời đã nhiều năm trước. Trong số những người lớn tuổi, tôi chỉ còn mỗi bố vợ nên việc chăm sóc cụ là điều đương nhiên", ông nói.
Ông Zeng Guangsheng cũng cho biết do em trai vợ của ông ở xa, bố lại không quen tiếng và cuộc sống ở đó. Các em gái khác của bà Tang Chunmei cũng đi làm ăn xa, chỉ có mình ông là thuận tiện để chăm sóc. Ngoài ra, còn có một lý do quan trọng khác là khi bố mẹ ông còn sống, bà Tang Chunmei đã hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cho đến khi họ qua đời.
"Khi mới cưới, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn. Bố vợ lúc đó đã thường xuyên giúp đỡ chúng tôi. Làm người không thể vô ơn, nhất là với người thân", ông Zeng Guangsheng nói.
Ông Zeng Guangsheng cùng bố vợ ăn trưa.
“Theo phong tục nông thôn, bố mẹ thường do con trai chăm sóc nhưng chồng tôi đối xử với bố vợ như bố mình”, bà Tang Chunmei có chút áy náy nói.
Vì bà Tang Chunmei bận rộn với công việc nấu ăn ở thị trấn nên mọi việc chăm sóc bố đều đặt lên vai ông Zeng Guangsheng. Không chỉ chăm sóc bố vợ ở nhà, ông còn thường xuyên đưa cụ đi cắt tóc ở thị trấn, đi xem hát ở làng, gội đầu, cắt móng tay cho bố...
“Đứa trẻ này thật thà, hôm nay nấu món này, ngày mai nấu món khác, thường xuyên đổi món cho tôi ăn ngon miệng”, cụ Tang Zehan nói với khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc.
Gia phong tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác. Hai con trai và con dâu của ông Zeng Guangsheng dưới sự giáo dục của bố mẹ cũng rất hiếu thảo với ông ngoại. Mỗi khi về quê, các cháu đều mang về những món ăn và trái cây mà ông ngoại yêu thích, biếu tiền tiêu vặt. Nếu ở lại chơi lâu ngày, họ chăm sóc ông ngoại rất chu đáo, gắp thức ăn, rót nước, tối đến còn rửa chân cho ông.
Đã hơn 9 năm trôi qua, việc ông Zeng Guangsheng hết lòng chăm sóc bố vợ đã trở thành câu chuyện được người dân trong làng truyền tai nhau. Ông đã dùng sự tử tế, tình cảm chân thành và tấm lòng yêu thương để viết nên một bản nhạc về lòng hiếu thảo cảm động.