Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau vừa bắt giữ hàng loạt vụ bơm nước và thuốc an thần vào thịt lợn.
Thông tin này được công bố ngay sau vụ việc Bộ NN&PTNT bắt giữ hàng loạt vụ bơm nước vào lợn, gà, trâu, bò để ăn gian khối lượng mới đây. Thống kê lại từ nước đến nay, đã phát hiện vô vàn những cách người ta bơm nước, bơm tạp chất…vào các loại thịt, rau để ăn gian khối lượng. Đây không chỉ là một hành vi gian lận thương mại mà còn gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bơm thuốc an thần vào lợn
Thuốc an thần Prozil là loại thuốc truyền mê dùng trong phẫu thuật đã bị các lò mổ tiêm vào lợn trước khi xẻ thịt bán ra thị trường. Hàng loạt vụ việc vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau bắt quả tang.
Việc này không chỉ được phát hiện ở Cà Mau mà các lò mổ nhiều tỉnh, thành phố lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh…cũng đang nằm trong diện nghi vấn.
PGS TS. Nguyễn Duy Thịnh, Phòng Quản lý Chất lượng, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: Bơm thuốc an thần vào lợn, kể cả trâu, bò đều có thể bị bơm, chỉ cần lượng là vài ml nhằm làm cho con lợn, trâu, bò bị tê liệt trước khi giết.
Về nguyên tắc, khi giết trâu, bò, lợn, con vật thường kêu, giãy giụa rất nhiều và gây ảnh hưởng đến việc giết mổ nên khi sản xuất công nghiệp, người ta tận dụng hiện tượng chết giả, châm điện cho con vật chết ngất bằng roi điện điện áp cao, sau đó mới giết. Khi đó, con lợn, trâu… không giãy được nữa. Các nước tiên tiến họ thường dùng phương pháp kích điện, cắm vào con vật, làm nó bị giật và bị tê liệt trong thời gian ngắn để giết.
Còn ở nước ta, nhiều lò mổ không có đủ thiết bị để dùng phương pháp kích điện nên dùng thuốc an thần. “Do đó, đây không phải là hành động bơm nước nhưng nguy hiểm ở chỗ thuốc an thần vào trong thớ thịt làm nhiễm độc cho cơ thể con người khi ăn phải”, PGS TS Thịnh nói.
Về tác hại nếu người ăn phải các loại thịt có nhiễm thuốc an thần, PGS TS. Thịnh cho hay: “Thuốc an thần làm tê liệt thần kinh luôn đối với động vật. Khi nấu có khả năng nó bị phân giải một phần nhưng nhìn chung ít nhiều đều ảnh hưởng đến người ăn”.
Bơm nước muối vào tôm
Cách này tồn tại đã khá lâu và từng bị nhiều nước nhập khẩu tôm của Việt Nam cảnh báo. Con tôm xuất khẩu bị người ta bơm nước muối, sau này cải tiến bằng bơm glixerin là chất từ thủy phân chất béo.
Tuy nhiên, việc bơm glixerin bị “lộ mặt” nên cuối cùng, người ta thay bằng bơm nước muối sinh lý là chất có độ mặn tương tự độ mặn trong nước biển. Đây cũng là hành động gian lận, Bộ NN&PTNT đã từng coi đây là một “tệ nạn” với hàng thủy sản xuất khẩu và quản lý rất nghiêm ngặt.
Nhồi bánh đúc, bơm nước vào vịt, gà
Chiêu nhồi bánh đúc "kinh điển" cho gà (ảnh: TN)
Đây không phải còn là chuyện lạ và bất cứ chị em nào có thể cũng đã từng nghe qua. Người đi buôn vịt nhồi rất nhiều bánh đúc vào trong con vịt để cho con vịt tăng trọng lượng, có thể lên tới 5 lạng/con 1,5 kg – 2, 5kg hoặc hơn nữa. Đây cũng là một hành động gian lận bị người tiêu dùng rất cảnh giác.
Gần đây nhất, người đi buôn gà khi thấy con gà trông gày, hơi đanh dùng xi lanh bơm dưới da con gà chất lỏng, chủ yếu là nước. Giữa da và thịt gà có một lớp mỡ, nước được bơm vào đây làm da con gà căng lên, tăng khối lượng. Nước thường được bơm vào lườn và hai bên đùi con gà.
Ngâm rau bắp cải, chè tươi vào nước cho nặng
Không chỉ thịt mà còn rau cũng bị “bơm” nước ăn gian khối lượng như: bắp cải. Trước khi bán, người ta ngâm bắp cải vào nước, ngày xưa người nông dân hay ngâm bắp cải xuống ao, sáng sớm vớt lên đi bán. Nước chui vào bắp cải, cân nặng thêm.
Nhiều loại rau khác, người bán đi đến gần chợ cũng đem nhúng vào rãnh nước bẩn để rau bám vào đầy nước. Ngoài mục đích cho rau tươi, với nhiều loại rau, quả còn nhằm làm tăng trọng lượng khi cân.
Chè tươi trước khi bán cho nhà máy cũng bị xịt nước vào để tăng khối lượng chè nhằm thu được nhiều tiền.
Thịt, rau dễ nhiễm vi sinh từ nước bẩn PGS TS. Nguyễn Duy Thịnh cho hay, đa số, những nguồn nước được dùng là nguồn nước tiện lợi, tiện đâu lấy đấy, có khi là nước bẩn. Nếu là rau bị ngâm nước thì người tiêu dùng có thể nhận ra bằng mắt thường được. Còn đối với con vật, nếu nhìn mỡ màng, béo lạ hơn bình thường người tinh ý có thể nhận ra được. Có những trường hợp người bơm, tiêm nước lấy nước rất bẩn, nước này nhiễm vào bên trong con vật. Về nguyên tắc, trong cơ thể con vật rất ít nhiễm vi sinh nhưng bơm nước bẩn và vào thớ thịt sẽ nhiễm khuẩn nhanh hơn. |