Dù bận rộn với công việc nhưng những ngày cuối năm các gia đình luôn bố trí thời gian, công việc để đi tạ mộ, mời những người thân đã khuất về ăn Tết tại tư gia.
Ngày cuối tuần dù thời tiết rất lạnh giá nhưng nhiều gia đình vẫn bố trí thời gian, vượt hàng chục cây số tới nghĩa trang lớn tại Hòa Bình để tạ mộ, mời những người thân đã khuất về ăn Tết tại tư gia. Theo chia sẻ của những người đi tạ mộ, họ tới nghĩa trang sớm phần vì tranh thủ cuối tuần thu xếp được công việc, phần vì muốn đông đủ con cháu cùng đi tạ mộ, thắp nén hương thơm cho ông bà, người thân đã khuất để tỏ lòng thành kính.
Dù thời tiết lạnh giá nhưng nhiều gia đình vẫn cùng nhau đi tạ mộ cuối năm với những người thân đã khuất.
Trong số các gia đình đi tạ mộ dịp cuối tuần vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng Mai (66 tuổi) là đặc biệt hơn cả. Nếu như những gia đình khác đi tạ mộ thường rất đông thành viên trong gia đình, thì bà Mai chỉ một mình lẳng lặng đến thắp hương cho người chồng quá cố mới mất cách đây hơn 1 năm.
Trong suốt thời gian ở bên phần mộ chồng, bà Mai tỉ mỉ chăm chút từng nén hương, từng cánh hoa và không quên mang theo cành đào Tết đến viếng mộ chồng. Điều đặc biệt ở bà Mai là thay vì mang theo thật nhiều vàng mã, quần áo đốt cho người chồng đã mất, bà chỉ mang theo những trang nhật ký viết cho cho chồng trong suốt hơn một năm qua.
Bà Mai chăm chút từng cành đào và hóa vàng những trang nhật ký gửi cho chồng thay vì vàng mã.
Bà chia sẻ, hai vợ chồng đã có thời gian hơn 40 năm gắn bó, chồng bà là người tinh tế, rất yêu thương vợ. Đầu năm 2022, chồng bà bị u tụy phải nhập viện, sau đó hôn mê sâu không thể nói chuyện được nữa. Cũng bắt đầu từ đó bà viết những trang nhật ký, mục đích để khi chồng tỉnh dậy bà sẽ đọc cho chồng nghe. Thế nhưng chồng bà đã không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Được biết, hai vợ chồng bà Mai yêu nhau từ những năm tháng khó khăn, khi đó cả hai đi du học nước ngoài, không thể gọi điện cho nhau và chỉ kết nối qua những lá thư tay. Chính những lá thư ấy là thứ kết nối tình cảm khi còn sống và đến giờ khi 2 người dù âm dương cách biệt nhưng bà hy vọng những trang nhật ký sẽ giúp hai người “kết nối” được với nhau.
Bà Mai hy vọng ở thế giới bên kia chồng bà sẽ nghe được bà đọc, nhận được những trang nhật ký bà viết gửi cho chồng.
“Tôi đã viết tất cả 5 cuốn nhật ký, mỗi cuốn khoảng 120 trang và mỗi lần đi lên mộ chồng, tôi lại mang theo nhật ký, ngồi đọc cho chồng nghe và hóa ngay tại mộ. Tôi thấy rằng mỗi khi nhớ chồng, hay gặp vấn đề gì trong cuộc sống mình không biết tâm sự cùng ai thì viết những dòng nhật ký, sau đó đọc cho chồng nghe thay lời tâm sự. Điều này cũng khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, ấm lòng hơn vì anh ấy không chỉ là chồng mà còn là tri kỷ của tôi. Đặc biệt, tôi hóa những trang nhật ký cho chồng thay vì đốt vàng mã, vì tôi thấy rằng tập tục này không phù hợp với tôi nên tôi tự mình phải bỏ”, bà Mai tâm sự.
Cũng tại nghĩa trang này, ông Nguyễn Viết Nguyên dù năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng năm nào cũng vậy, dịp cuối năm hay ngày lễ, ngày giỗ ông vẫn đều đặn lên thắp hương cho người vợ quá cố đã mất cách đây 4 năm. Do vào dịp cuối tuần, dù trời lạnh nhưng ông vẫn động viên con cháu cùng đi. Bởi ông muốn qua đây để giáo dục con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng về những bậc bề trên, những đấng sinh thành.
Trẻ nhỏ cùng gia đình đi viếng mộ tại nghĩa trang, đây là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống uống nước, nhớ nguồn.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, phong tục tảo mộ đã có từ lâu là nét đẹp văn hóa uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam. Khi tảo mộ, gia đình về nơi phần mộ an táng của người thân, dòng tộc để dọn dẹp sửa sang lại mộ phần, quét dọn, sơn sửa lại. Đây cũng là việc làm để tạ ơn thổ thần và các vị thần cai quản che chở cho các chân linh yên nghỉ tại khu đất đó.
"Việc tảo mộ cũng là tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương, đây cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần đối với người thân đã khuất. Đây là nét đẹp truyền thống, uống nước nhớ nguồn của chúng ta", Đại đức Thích Trí Thịnh nói.