Vụ chìm tàu trên sông Hàn (Đà Nẵng) hay vụ 3 trẻ em chết đuối ở Huế gần đây cho thấy nhiều người Việt, nhất là trẻ em, có thể còn rất thiếu kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
Cách đây ít ngày, tàu Thảo Vân 2 gặp nạn chìm trên sông Hàn, TP Đà Nẵng đã khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em. Hàng chục người, trong đó có 9 trẻ em, được cứu trong tình trạng đuối nước hoặc hoảng loạn cao độ. Và tất cả các nạn nhân đều không mặc áo phao.
Hiện trường xảy ra vụ 3 trẻ chết đuối thương tâm ở thành phố Huế.
Hôm qua, ngày 6.6, năm em nhỏ đang câu cá ven sông ở thành phố Huế thì một em xảy chân rơi xuống nước. 4 em lao xuống sông cứu bạn thì 3 em chết đuối vì không biết bơi.
Ngoài vấn đề về quản lý, những vụ việc nêu trên gợi ra một vấn đề khác: Dường như người Việt, nhất là trẻ em, đang rất thiếu kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
Yamato Tanooka thực sự là một người hùng với câu chuyện sinh tồn khó tin của mình.
Cách đây hơn một tuần, một cậu bé Nhật Bản 7 tuổi bị cha mẹ phạt ở một mình trong rừng, đã đi lạc gần 1 tuần nhưng vẫn sống sót trong tình trạng sức khỏe tốt, không hoảng loạn. Câu chuyện này khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Ở Nhật Bản, một quốc gia khá gần gũi với Việt Nam, kĩ năng sinh tồn trong đó có bơi lội và tự thoát thân khi gặp tình huống khẩn được dạy cho các em ngay từ nhỏ.
Trẻ em được học cách nằm rạp ra đất khi động đất xảy ra. Nhật Bản là nước chịu nhiều thiên tai, một năm hơn 1.200 vụ động đất lớn bé, sóng thần rình rập, nên các kĩ năng sinh tồn bên cạnh kĩ năng sống được cha mẹ Nhật rèn giũa cho con từ khi lọt lòng.
Mấu chốt của sự sống còn chính là chuẩn bị. Ngay từ khi học tiểu học, ngoài giờ ngoại khóa, các em đã được thầy giáo hoặc các chuyên gia sinh tồn hướng dẫn kĩ năng cần thiết. Ví dụ tiêu biểu nhất là cách phòng tránh và phòng thân khi động đất.
Khám phá thiên nhiên kèm các bài học bổ ích về sinh tồn.
Khi có động đất xảy ra, điều quan trọng nhất là bảo vệ vùng đầu. Các học sinh sẽ được yêu cầu chui xuống gầm bàn hoặc di chuyển tới những địa điểm cao ráo, an toàn như khung cửa ra vào, khoảng sân trống… khi mặt đất rung chuyển dữ dội.
Thầy giáo sẽ dạy các em kĩ năng kiểm soát cảm xúc để tránh hoảng loạn, nằm rạp ra đất và thu gọn tiết diện nhằm tránh bị thương ở mức tối đa. Sau đó, học sinh được yêu cầu giúp đỡ người khác trong khả năng có thể.
Buổi dã ngoại vào rừng của học sinh Nhật.
Các bậc cha mẹ ở Nhật Bản cũng rất ý thức việc nuôi dạy trẻ em theo hướng tự lập. Khi tới các ga tàu điện ngầm, hình ảnh trẻ em lớp 1 tự đi học tới trường là điều rất bình thường ở đây.
Các em được học cách tự gọi điện thoại về nhà hoặc xem biển chỉ dẫn lên tàu. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là hệ thống giao thông, hỗ trợ trẻ em ở Nhật Bản rất tốt nên cơ hội để các em tự lập sẽ dễ dàng hơn các quốc gia khác.
Là nơi hứng chịu hơn 1.200 trận động đất lớn nhỏ mỗi năm, trẻ em Nhật rất ý thức việc phòng thân.
Trường hợp của cậu bé Yamato tự sống sót khi lạc trong rừng 6 ngày được nhiều người cho là có yếu tố may mắn khi cửa ra vào của trại quân đội em trú ngụ không khóa trái hay gần đó có vòi nước.
Tuy nhiên, cần biết rằng Yamato đã không hề di chuyển khỏi trại quân sự trong gần 1 tuần và ở lại chờ cứu nạn. Chỉ cần di chuyển liên tục trong 1 tuần, chắc chắn Yamato sẽ kiệt sức, mất nước và có thể nguy hiểm tính mạng vì rừng rậm tỉnh Hokkaido rất nhiều gấu.
Kĩ năng tìm tới một địa điểm an toàn chờ cứu nạn, khả năng giữ ấm trong đêm lạnh xuống 7 độ C, bài tập giữ bình tĩnh, không hoảng loạn trong đêm tối hay chỉ có một mình chắn hẳn đã được Yamato tập luyện thành thục từ nhỏ. Nếu không có những bài tập này, chắc chắn cậu bé sẽ khó toàn mạng sau 6 ngày lạc giữa chốn rừng xanh hoang vu, nhiều thú hoang như gấu.
Bé gái tự bắt tàu điện ngầm đi học không hề xa lạ ở Nhật Bản.
Dịp nghỉ hè, bên cạnh những bài tập khá nặng và kì nghỉ chỉ kéo dài trong 6 tuần, trẻ em Nhật được bố mẹ đăng kí tham gia các lớp kĩ năng sống. Ngoài các bài tập về giữ gìn vệ sinh cá nhân, cách ngủ nghỉ, ăn uống đúng cách, các em có thể tự chọn bài tập phòng vệ bản thân trước những hiểm họa như tấn công tình dục hay lạc trong rừng sâu.
Trẻ em Nhật sẽ được đưa vào rừng, dạy cách phân biệt những loại cây có độc, cách dựng lều, cách tìm nước uống, cách định hướng và cách tự cứu giúp bản thân.
Thầy giáo hướng dẫn trẻ em cách sinh tồn ngoài giờ học chính khóa.
Câu chuyện về Yamato chắc chắn là một tham khảo hữu ích về những điều cần thiết phải dạy cho trẻ em ở trường, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức sách vở mà quên đi những bài học thực tế và kĩ năng sinh tồn vô cùng quan trọng.