Cơ quan điều tra xác định, việc Công sử dụng que tre đánh cháu Hà A. là ngoài ý muốn của người vợ. Bên cạnh đó khi thấy Công đánh cháu A. ở sập gỗ tại phòng khách, người vợ có lời can ngăn chồng không đánh con nữa.
Quá trình điều tra xác định, ngày 16/9/2021, trong quá trình Lê Thành Công dạy học và đánh cháu Lê Hà A. có nhờ vợ xuống tầng 1 lấy chiếc chổi. Người vợ đi xuống nhà nhưng không thấy chiếc chổi nên đã đưa cho Công 1 que tre kích thước 50x02 cm. Tuy nhiên khi lấy chổi, que tre người vợ chỉ nhận thức Công sẽ sử dụng để răn đe, dọa con gái để cháu tập trung học hơn, hoàn toàn không biết Công sử dụng để đánh cháu Hà A.
Việc Công sử dụng que tre đánh cháu Hà A. là ngoài ý muốn của người vợ. Bên cạnh đó khi thấy Công đánh cháu A. ở sập gỗ tại phòng khách, người vợ có lời can ngăn chồng không đánh cháu nữa. Do đó, chưa đủ căn cứ xác định người vợ có hành vi đồng phạm cùng với Lê Thành Công đánh, gây thương tích cho cháu Lê Hà A. Vì vậy, Công an Quận Bắc Từ Liêm không xử lý đối với người vợ là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Căn nhà nơi bé A. bị bố bạo hành dẫn tới tử vong. Ảnh:SH
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm- Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), dù Cơ quan điều tra không xử lý người vợ nhưng có thể thấy kỹ năng nuôi dạy con của người này là rất thiếu hiểu biết, đáng trách. Đáng lẽ ra cháu đã không bị tử vong nếu vợ chồng khi phát hiện ra cháu có biểu hiện mệt, đang nằm ngửa ở sàn nhà vệ sinh thì không nên cho cháu tắm, gội đầu, gián tiếp khiến tình trạng trầm trọng hơn.
Sau đó, thấy cháu sốt cao lại cho cháu uống thuốc hạ sốt Paralmax Extra liều cao 1 viên (thường trẻ nhỏ từ 7 đến 12 tuổi dùng 1/2 viên) rồi để cháu nằm nghỉ một mình. Vợ chồng đều không hiểu việc cháu sốt là do tâm lý hoảng sợ, cơ thể đang bị đau vì bị bố đánh trước đó. Đáng lẽ, khi thấy cháu bị mệt như vậy thì đưa đến ngay Bệnh viện thì có lẽ cháu đã không tử vong do trào ngược thức ăn vào khí quản dẫn tới bịt đường hô hấp.