Hiện tại các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ, tuy nhiên về mặt pháp lý dù chỉ đặt cỗ bằng miệng nhưng cô dâu, chú rể vẫn phải đền bù thiệt hại.
Lo ngại cô dâu bỏ trốn
Mới đây, sự việc một nhà hàng ở TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên bị khách bùng 150 mâm cỗ cưới đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo thông tin từ chủ nhà hàng, người đặt cỗ ở xã Pá Khoang – TP Điện Biên Phủ trước đó từng nhiều lần đến ăn uống tại nhà hàng, chính vì thế phía nhà hàng cũng không mấy nghi ngờ, kể cả khi phía gia đình khất lần việc đặt cọc tiền cỗ cưới.
Theo kế hoạch ban đầu, tiệc tổ chức đám cưới sẽ được tổ chức tại nhà hàng Tâm Phúc vào lúc 11 giờ trưa ngày 30/9, tuy nhiên khi đến giờ vẫn không có khách đến ăn, chủ nhà hàng gọi điện thì phía gia đình cho biết sẽ lùi lịch ăn tiệc đến 14-15 giờ chiều.
Buổi chiều ngày 30/9 vẫn không có khách đến, khi đó chủ nhà hàng gọi điện cho gia đình 2 bên thì đều không liên lạc được. Biết bị bùng cỗ cưới, nhà hàng đã đăng thông tin sự việc lên MXH và nhờ cộng đồng mạng giải cứu với giá rẻ.
Rạp cưới được nhà hàng chuẩn bị sẵn nhưng bị khách bùng.
Anh Long (chủ nhà hàng) cho biết mỗi mâm cỗ được thống nhất với giá 1,3 triệu đồng. Khi bị bùng, để gỡ gạc lại vốn, nhà hàng chấp nhận bán cho người dân với giá 500.000 đồng/mâm.
“Tính tới sáng nay tôi vẫn còn đang giải quyết một số việc liên quan đến việc bị khách bùng 150 mâm cỗ. Tôi đã báo chính quyền địa phương và công an vào cuộc để xử lý.
Phía gia đình 2 bên từ hôm qua đến giờ dù liên lạc nhiều lần nhưng đều không có tín hiệu. Tôi biết nhà cô dâu, dự định trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ đến tận nhà để hỏi rõ ngọn ngành. Thật sự là chúng tôi rất lo lắng vì khi sự việc chia sẻ trên mạng xã hội thì có thể họ đã trốn đi nơi khác chứ không ở địa phương nữa”, anh Long cho hay.
Cỗ cưới sau đó được người dân đến giải cứu với giá 500.000 đồng/mâm.
Theo nguồn tin của chúng tôi, tính đến trưa ngày 1/10, cô dâu liên quan đến sự việc bùng cỗ cưới không có mặt ở địa phương (xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ), hiện cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp cùng các bên để tiếp tục làm rõ.
Chủ nhà hàng Tâm Phúc chia sẻ đây là sự việc không ai mong muốn, và cũng là bài học nhớ đời. “Từ giờ tôi chẳng dám tin ai, kể cả người quen hay người trong gia đình”, chủ nhà hàng Tâm Phúc nói.
Trưa 1/10, thượng tá Vũ Xuân Dương, Trưởng công an TP. Điện Biên Phủ, cho biết đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của chủ nhà hàng. "Hiện chúng tôi đang vào cuộc xác minh. Bước đầu đã xác định được những người liên quan đến vụ việc này. Khi nào có thông tin cụ thể chúng tôi sẽ thông báo sau", thượng tá Vũ Xuân Dương nhấn mạnh.
Thỏa thuận miệng vẫn phải đền bù
Cũng liên quan đến sự việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đây là vụ việc hy hữu xảy ra trong giao dịch dân sự. Đây cũng là bài học cảnh báo trong việc giao kết hợp đồng dân sự phải tìm hiểu kỹ đối tác, lập văn bản và phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (đặt cọc) đối với giao dịch có giá trị lớn,…
Về phương diện pháp lý, luật sư Thơm cho biết Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quy định về thì hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do vậy, hợp đồng đặt cỗ cưới vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng.
Dù chỉ là thỏa thuận miệng, nhưng cô dâu chú rể vẫn phải đến bù theo quy định.
“Chúng ta có thể hiểu, việc bên bán hàng đã thảo thuận với bên mua hàng, hai bên đã thỏa thuận thành công nhưng khi khi thực hiện việc nhận hàng, giao hàng và thanh toán, thu tiền thi bên đặt hàng không thực hiện việc giao dịch đó.
Khi thực hiện việc giao dịch việc đặt hàng đó có nghĩa là hai bên đã thỏa thuận với nhau về hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản cụ thể.
Nếu bên đặt hàng đã đặt hàng nhưng không thực hiện việc thanh toán và nhận hàng đã đặt thì theo pháp luật dân sự người đặt hàng đó đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của hợp đồng. Theo quy định pháp luật hiện hành, bên đặt hàng sẽ phải buộc thực hiện việc nhận và thanh toán như đã thỏa thuận. Và phải chịu thêm chi phí bảo quản và vận chuyển phát sinh nếu có. Nếu chậm thực hiện việc nhận hàng mà hàng hóa có hư hỏng việc chậm nhận đó do lỗi của bên nhận hàng thì cũng phải chịu các chi phí phát sinh nếu có.
Do đó, nếu chủ nhà hàng và khách không thỏa thuận được về việc thanh toán tiền theo hợp đồng thì có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự và buộc bên vi phạm phải có trách nhiệm”, Luật sư Thơm nêu quan điểm.
Trách nhiệm chậm thanh toán tiền do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự. cụ thể như sau: Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền 1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này. |