Liên quan đến sự việc nhà hàng bị “bom” 150 mâm cỗ ở tỉnh Điện Biên, chiều ngày 30/9 anh Vũ Thế Long - chủ nhà hàng Tâm Phúc cho biết đến nay toàn bộ số cỗ đã được người dân “giải cứu”.
Vụ nhà hàng bị “bom” 150 mâm cỗ cưới: Hôm qua cô dâu vẫn đến hỏi về cỗ bàn
Anh Long chia sẻ gần 20 năm làm cỗ cưới đây là lần đầu tiên anh bị khách hàng “bom” như thế này, đã vậy số lượng cỗ lại rất lớn. Để gỡ gạc lại vốn, anh Long chấp nhận bán lỗ với giá 500.000 đồng/mâm.
Kể lại sự việc, anh Long cho biết trưa ngày 24/9, một vị khách ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên trước từng nhiều lần đến nhà hàng của gia đình anh ăn uống ngỏ ý đặt 150 mâm cỗ cưới. Hai bên thống nhất ý kiến, chốt phương án 1,3 triệu đồng/mâm cỗ. Buổi tiệc dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 11h ngày 30/9.
“Do khách hàng quen biết và từng ăn nhiều tại nhà hàng nên chúng tôi vẫn tổ chức mọi thứ diễn ra bình thường như đã hẹn và không đòi tiền cọc", anh Long kể.
Chủ nhà hàng cho biết "do khách hàng quen biết và từng ăn nhiều tại nhà hàng nên chúng tôi vẫn tổ chức mọi thứ diễn ra bình thường như đã hẹn và không đòi tiền cọc"
Mong muốn của khách hàng ban đầu là tổ chức trong nhà hàng, tuy nhiên do số lượng cỗ quá lớn nên anh Long đã thuê người làm rạp kéo dài cả khu phố, chuẩn bị tất cả đầy đủ cho một đám cưới hoàn chỉnh. Trưa ngày hôm qua (29/9), cô dâu vẫn đến nhà hàng ăn cơm và hỏi về tình hình chuẩn bị cỗ bàn.
Theo lịch đã hẹn, 11h trưa ngày 30/9 hai bên gia đình sẽ đến để tổ chức đám cưới, nhưng đến giờ vẫn không thấy một ai. Gọi điện hỏi thì nhà trai bảo lùi lịch ăn cỗ sang chiều. Nghi có chuyện, gia đình anh tìm về tận xã nhà trai nhưng không gặp được ai. Đến chiều nay điện thoại gọi có chuông nhưng không ai nghe máy.
Biết mình bị khách "bom" 150 mâm cỗ, anh Long đã trình báo UBND, Công an phường Mường Thanh về vụ việc. Gia đình anh cũng kêu gọi mọi người "giải cứu" số mâm cỗ khách đã bom. "Sự việc xảy ra gia đình tôi cũng chỉ biết động viên nhau cố gắng chứ biết sao được", anh Long chia sẻ thêm.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ cho biết, chính quyền phường đã nắm được sự việc. Hiện chủ nhà hàng đã trình báo với cơ quan công an.
Lừa tặng quà xịn, trúng thưởng... để đánh cắp tài khoản ngân hàng
Eximbank vừa gửi thông tin cảnh báo đến khách hàng của mình về thủ đoạn lừa đảo liên quan đến dịch vụ ngân hàng điện tử (Mobile Banking, Internet Baning), thanh toán trực tuyến qua mạng và việc cấp lại mật khẩu đăng nhập.
Theo Eximbank, gần đây có một số đối tượng làm giả website bán hàng, fanpage của các ngân hàng rồi đăng quảng cáo tặng sản phẩm, dịch vụ trị có giá trị lên tới 10 triệu đồng, khách hàng chỉ mất phí giao hàng hoặc 10% giá trị món hàng là được sở hữu quà tặng. Các trang này còn đính kèm đường dẫn thanh toán trực tuyến để được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, khi người dùng truy cập theo đường dẫn sẽ bị đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và bị mất tiền oan.
Hình ảnh, thông tin giả mạo Agribank
"Khách hàng chỉ nhập thông tin thẻ trên website biết rõ nguồn gốc, website bán hàng có danh tiếng. Không nhập thông tin thẻ trên website lạ, không cung cấp OTP xác thực giao dịch qua thẻ" - Eximbank cảnh báo.
Trong khi đó, Agribank cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, lợi dụng việc các ngân hàng thường xuyên khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến nhằm tránh lây lan dịch bệnh, tội phạm mạng tăng cường tấn công, lừa đảo với nhiều chiêu thức tinh vi.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo phát tán mã độc thông qua thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh gửi tới khách hàng trên email, tin nhắn SMS, ứng dụng mạng xã hội hoặc lập số điện thoại gần giống số đường dây nóng của ngân hàng... để lừa người dùng cung cấp thông tin, sau đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng cũng gửi đường link, tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch Covid-19 đến người dùng. Khi truy cập theo đường dẫn hoặc đơn giản chỉ bấm chọn mở email, tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Đối tượng còn yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tiền trong tài khoản…
Việt Nam sắp thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng COVID-19 giai đoạn 2, 3
Tại hội thảo giới thiệu vắc-xin phòng chống COVID-19 tại Việt Nam diễn ngày 30/9, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin trên thế giới, hiện nay, Việt Nam cũng đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc-xin để có vắc-xin “made in Viet Nam” cho người Việt Nam.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc-xin COVID-19. Hiện thế giới có 38 vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
4 nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất.
Dự kiến, trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng COVID-19 giai đoạn 2, 3 tại Việt Nam.
Ngoài hai nguồn cung ứng vắc-xin có thể có (COVAX Facility) và nguồn vắc-xin sản xuất trong nước nêu trên, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vắc-xin khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài.
Song song với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc-xin, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc-xin COVID 19.
GS. TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam. (Ảnh: Thái Bình)
“Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ tất cả các quy trình hành chính, tuy nhiên quy trình về chuyên môn, khoa học thì phải tuân thủ tuyệt đối, để đạt được mục tiêu vừa sớm có vắc-xin, vừa đảm bảo được chất lượng, hiệu quả của vắc-xin”- GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Ngoài ra, để đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng vắc-xin, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc-xin COVID-19 trong đó Việt Nam mong muốn có thể sử dụng vắc-xin COVID-19 cho toàn bộ người dân Việt Nam.
Vắc-xin do Anh sản xuất đang trong quá trình hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và gần đến “vạch đích” đảm bảo cung ứng cho thị trường quốc tế.
Quyền Bộ trưởng hy vọng trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam và Vương Quốc Anh có thể trao đổi và đạt được thỏa thuận trong việc cung ứng vắc-xin.
Bộ Y tế cũng cho biết, thế giới đã ghi nhận hơn 32 triệu trường hợp mắc, gần 1 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân hồi phục là hơn 23 triệu và còn 7 triệu bệnh nhân đang điều trị, trong đó gần 65.000 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Tại Việt Nam, các ổ dịch trong nước đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương.
Đến nay, cả nước ta ghi nhận 1.094 ca mắc COVID-19, với 35 trường hợp tử vong. Việt Nam cũng đã bước vào ngày thứ 28 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.
Tôm hùm Alaska khan hàng dịp Trung thu, khách muốn mua cũng khó
Chị Thu Huyền (Hà Đông, Hà Nội) cho biết 1-2 tuần trở lại đây chị không thể mua được tôm hùm nặng trên 2kg. “Đợt này, tôi tìm mua tôm hùm nặng khoảng trên 2kg để đem biếu mà khó quá. Tôi có hỏi một số nơi bán nhưng họ đều báo không có hàng hoặc chỉ có loại tôm nhỏ khoảng 1kg/con”, chị chia sẻ.
Theo chị Huyền, tôm hùm loại to đã không có mà giá cả thấy cũng cao hơn thời điểm cách đây 1 tháng chị mua. Thế nên chị đành phải mua sản phẩm khác để làm quà biếu.
Tôm hùm Alaska loại to đang khan hàng, khách hàng mua trong dịp Tết Trung thu khá khó khăn.
Lý giải về tình trạng tôm hùm Alaska loại to khó mua trong đợt này, chị Ngọc Hà, một đầu mối bán tôm nhập khẩu ở Hà Nội, cho biết tôm hùm trong dịp này rất ít để nhập và giá cũng tăng mạnh. Vì Trung Quốc, Hàn Quốc gom mua để ăn Tết Trung thu nên các đầu mối nhập hàng trong nước lấy được rất ít, thậm chí có đầu mối không nhập được hàng về bán trong dịp Trung thu này.
“Có nhập được cũng chỉ những con bé (size 0,5-2kg/con) mà chất lượng lại không tốt. Hơn nữa, giá thành lại cao, đắt hơn trước từ 200 – 300 nghìn đồng/kg. Hiện tại, giá tôm hùm dao động từ 1,1 – 1,2 triệu đồng/kg, còn trước đây giá khoảng 900 nghìn đồng/kg. Còn những con tôm hùm to khoảng trên 2kg/con rất khó nhập được trong dịp này”, chị Hà nói.
Vì giá tôm cao, chất lượng tôm không được tốt nên chị Hà cũng không nhập về bán sợ ảnh hưởng tới uy tín. Theo chị, khách hàng mua tôm đều là những người sành ăn và chịu chi mà không được ưng ý thì họ sẽ không quay lại nữa.
Chị dự đoán sau dịp Trung thu này giá tôm hùm sẽ giảm và nguồn hàng cũng dễ nhập hơn. Vì vậy, chị khuyên người tiêu dùng nên mua sau dịp Trung thu để thưởng thức những con tôm hùm chất lượng và giá cả phải chăng.