Trước sự việc bé gái 8 tuổi nghi bị "mẹ kế" bạo hành tử vong, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam bày tỏ, cá nhân ông thấy xót thương, phẫn nộ, lên án hành vi này. Ông cho rằng trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn bạo hành trẻ nhỏ.
Người dân cần lên tiếng tố cáo
Những ngày qua, dư luận dậy sóng vụ việc bé gái T.T.V.A. (8 tuổi, TPHCM) bị "dì ghẻ" đánh đập, bạo hành đến chết.
Liên quan đến vụ việc, ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, vợ sắp cưới của bố bé gái, trú tỉnh Gia Lai) về tội hành hạ người khác.
Di ảnh bé gái 8 tuổi tử vong nghi bị bạo hành được đặt trước sảnh tòa nhà Topaz 2 nơi sinh thời bé đã sinh sống để mọi người cùng cầu nguyện, tưởng nhớ bé. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Sáng 29/12, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, sự việc quá đau lòng và yêu cầu nghiêm trị.
Theo ông Nam, đây lại là một vụ việc xâm hại trẻ em bằng hành vi bạo lực rất nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Bất kỳ hành vi bạo lực trẻ em nào khi được các phương tiện thông tin phản ánh, đặc biệt những vụ gây thương vong nặng nề cho con trẻ đều làm dậy sóng dư luận.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: NVCC
"Xã hội xót thương, phẫn nộ, lên án và yêu cầu nghiêm trị người gây tội ác. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để những chuyện quá đau lòng như này không lặp lại và chấm dứt các trường hợp trẻ em bị hành hạ dã man bởi chính cha, mẹ và những người có trách nhiệm pháp lý và đạo lý là phải yêu thương, che chở, bảo vệ đứa con của mình.
Tôi càng thấy xót xa hơn khi vụ việc lại xảy ra ở một khu chung cư thuộc hạng cao cấp, sang trọng tại một thành phố đông đúc, đầy đủ các thiết chế, tổ chức, dịch vụ bảo vệ trẻ em, ở mức cao nhất cả nước chứ không phải ở vùng sâu vùng xa mà hành vi không bị tố giác để ngăn chặn kịp thời", ông Nam nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng, qua sự việc này, người dân cần lên tiếng tố cáo. Trong bối cảnh thời đại số không thể "đánh đồng" cơ quan chức năng không tuyên truyền, truyền thông, rất nhiều thông tin trên mạng được đăng tải. Bất cứ vụ việc bạo lực trẻ em nào cũng phải gọi ngay tổng đài 111.
"Tôi cũng thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm khi mà đã có rất nhiều thông tin, sản phẩm truyền thông trên các kênh báo chí và mạng xã hội hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, tố cáo những hành vi xâm hại trẻ em nhưng vẫn tiếp tục có những sự việc xót thương như vậy, rồi vẫn tiếp tục có những bình luận "giá như" muộn mằn thốt ra sau những vụ việc như vụ bé N.T.V.A đang gây phẫn nộ xã hội những ngày này", ông Nam nhấn mạnh.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em nhận gần 500.000 cuộc gọi phản ánh mỗi năm
Người đứng đầu Cục trẻ em cho hay, nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra nhưng người nhà cũng không có kiến thức. Nhiều bậc cha mẹ sau khi ly hôn hàng tháng bị ngăn cấm, không được gặp con cũng không nghĩ gì đến. Trong bối cảnh đó, nếu không được gặp phải đặt ra nghi vấn, nhờ cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.
"Khi xảy ra việc cháu bé bị đánh tử vong, cộng đồng dân cư thắp nến cầu nguyện. Tại sao cộng đồng sống ngay cạnh căn hộ này nghe thấy tiếng đánh đập cháu bé suốt như vậy không lên tiếng tố cáo.
Tôi nhấn mạnh trước hết, mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò. Đây cũng là trách nhiệm người dân, trách nhiệm cộng đồng. Mỗi người dân thay cho lời thắp nến cầu nguyện hãy lên tiếng tố cáo nếu phát hiện cháu bé có dấu hiệu bị bạo hành", ông Nam phân tích.
Ông Nam cũng cho biết, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã được thiết lập, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng đài này tiếp nhận thông tin phản ánh 24/24h kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. Trong một năm, tổng đài tiếp nhận gần 500.000 cuộc gọi phản ánh, giải quyết hàng nghìn vụ việc.
"Luật pháp quy định rất rõ nên khi người dân gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh, chúng tôi phải xử lý ngay, cơ quan nào không vào cuộc phải chịu trách nhiệm. Vấn đề nhiều người dân không tra cứu thông tin, không tố cáo vì lo sợ bị ảnh hưởng tình cảm hai bên sứt mẻ. Đáng tiếc vụ việc nghiêm trọng vừa qua, chúng tôi không nhận được thông tin phản ánh nào gọi điện đến tổng đài. Nếu gọi điện Cục Trẻ em sẽ ngay lập tức báo công an, chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời", ông Nam xót xa.