Những ông bố bà mẹ vì dịch bệnh mà không thể về nhà, dù nhớ con da diết nhưng vì sự an toàn, vì cộng đồng họ đành gác lại nỗi nhớ ấy.
Đêm nào con cũng khóc ngặt đòi mẹ
Là một điều dưỡng nhưng chị D (ở Đông Anh, Hà Nội) đang phải cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tính đến nay đã 17 ngày. Trong khu cách ly, hàng ngày chị D. vẫn tiếp tục làm công việc của mình, nhưng ánh mắt chị không giấu đi được sự lo lắng khi 2 con (cháu lớn 4 tuổi, cháu nhỏ 10 tháng) đang phải nhờ người thân trông giúp.
Chị D. kể, ngày 5/5, lúc đó chị đang làm thì nhận được lệnh phong tỏa toàn, không ai được rời khỏi bệnh viện. Khi ấy, chị D. lo lắng, chờ đợi hy vọng có sự thay đổi nào đó nhưng cuối cùng khi cánh cổng bệnh viện đã khóa lại cũng là lúc chị nhấc điện thoại nhờ ông bà nội trông giúp 2 đứa trẻ ở nhà.
Trong khu cách ly BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị vẫn phải làm công việc của mình nhưng không thể về bên con.
Gàn 20 ngày cách ly đã trôi qua, mỗi khi màn đêm buông xuống chị D. lại cảm thấy bồn chồn, pha chút sợ hãi. Hôm nào cũng vậy, cứ tối vào là con trai út 10 tháng tuổi của chị lại trằn trọc tìm mẹ, tìm ti mẹ rồi khóc ngặt trên tay bà. Biết vậy nhưng chị D. chẳng dám gọi về, chẳng dám gặp con vì nhìn thấy con như vậy chị lại bật khóc.
“Em ở nhà cháu đã khó ngủ rồi, giờ em đi cách ly đột ngột chưa kịp cai sữa nên cháu quấy lắm. Bà cứ phải bế vác trên vai hằng tiếng đồng hồ mà cháu chưa ngủ”, chị D. tâm sự.
Chị D. kể rằng,, mỗi đêm con trai chị thường thức dậy 3, 4 lần rúc ti mẹ rồi ngủ nên từ hôm vắng mẹ, đêm nào hai bà cháu cũng vật lộn với nhau. Không có ti mẹ, nó khóc, bà phải bế vác cháu lên có lúc cháu chịu, có lúc cháu không chịu, cứ khóc cả tiếng đồng hồ. Nghĩ đến những ngày đầu khi hai bầu sữa mẹ căng lên, mà con khóc ngặt vì nhớ ti mẹ chị D. không khỏi nghẹn ngào.
“Đang nuôi con nhỏ phải xa con đột ngột, ngoài nỗi nhớ con, những ngày đầu sữa về nhiều, em phải vắt bỏ đi nhưng bây giờ, càng ngày, sữa càng kiệt dần, tới đây khi hết cách ly về với con chắc cũng chẳng còn sữa cho con bú”, nữ điều dưỡng chia sẻ.
Bao giờ anh về, con quên mặt anh rồi
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, khi nhắc đến anh Đặng Đình Nguyên không ai là không biết, tại đây anh Nguyên còn được biết đến với biệt danh “người không ngủ”.
Anh Nguyên được mệnh danh là người không ngủ ở CDC Bắc Giang.
Theo chia sẻ của những đồng nghiệp, suốt 2 tuần qua khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, anh Nguyên gần như thức trắng đêm, nếu có chỉ chợp mắt được một, hai tiếng rồi lại làm việc. Công việc anh Nguyên như mọi người nói là không ai thay thế được. Hàng ngày, anh Nguyên chịu trách nhiệm phân chia mã hoá các mẫu bệnh phẩm trước khi đến khâu chạy xét nghiệm.
Làm việc với hơn 100% sức lực, lại thiếu ngủ khiến khuôn mặt anh Nguyên quắt lại, da sạm nhưng anh vẫn miệt mài làm việc vì mẫu xét nghiệm ùn lại, cũng có nghĩa kết quả xét nghiệm sẽ chậm hơn.
Các đồng nghiệp của anh Nguyên làm việc xuyên đêm vì quá nhiều mẫu bệnh phẩm chuyển về.
Câu chuyện của anh Nguyên khiến các đồng nghiệp nhớ nhất, đó là cách đây vài hôm trước khi sinh nhật con trai anh không thể về, dù nhà chỉ cách 2km.
Sau đó chị vợ gọi điện bằng hình ảnh qua mạng xã hội để anh dự sinh nhật cùng con. Vợ anh Nguyên có hỏi: “Bao giờ anh mới về nhà, em nhớ anh lắm rồi đấy, con sắp quên mặt anh rồi!”.
Nghe câu hỏi của vợ anh Nguyên chỉ biết cười, rồi chúc mừng sinh nhật con, động viên vợ nhưng vì công việc, vì cộng đồng anh không thể về nhà vào lúc này. Anh biết, rằng vợ anh hiểu điều đó và bản thân anh cũng chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để anh trở về đoàn tụ với gia đình.