Bị xem là kẻ giết người hàng loạt, thậm chí sát hại cả trẻ em, mang tiếng là "Ông Kẹ" của Thái Lan nhưng nhiều người lại tin rằng người đàn ông này bị oan vì nhiều lý do.
Si Quey Sae-ung là kẻ giết người hàng loạt khét tiếng, được ví như Ông Kẹ chuyên sát hại trẻ em và kẻ ăn thịt ma cà rồng. Người nhập cư Trung Quốc này trở thành một phần của văn hóa dân gian địa phương tại Thái Lan. Ông ta đã trở nên bất tử trong những bộ phim và các cuốn sách, trở thành kẻ lừa đảo trong nhiều thế hệ trẻ em. Suốt nhiều thập kỷ, các bậc phụ huynh Thái Lan thường lấy Si Quey ra để dọa con cái của mình nếu không ngoan, đi chơi về muộn hay trốn học thì sẽ bị ăn thịt.
Tuy nhiên, khi nhìn thấy xác ướp của Si Quey trong một bảo tàng y tế nhỏ ở Siriraj, bệnh viện lâu đời nhất Bangkok, ông ta lại không có một chút dọa người nào. Thay vào đó, Si Quey lại là một nhân vật đáng thương. Hài cốt của Si Quey được trưng bày vĩnh viễn tại đây. Đó là xác khô nằm thẳng trong chiếc tủ kính vách cao, được thoa sáp parafin cứng, làn da sáng lấp lánh dưới ánh đèn huỳnh quang. Xác ướp đã biến những đặc điểm của Si Quey trở nên mềm mại hơn, với đôi má hóp và chiếc mũi nhỏ, nhọn. Nhìn vào bức ảnh trên tờ báo cũ được đóng khu cạnh xác ướp, người ta có thể thấy Si Quey khi sống là người đàn ông nhỏ bé. Tại phiên tòa vào tháng 3/1958, người ta chụp được cảnh Si Quey đang ngáp, khiến ông ta trông như một kẻ ác ôn đang gầm gừ.
Xác ướp Si Quey được giữ tại Bệnh viện Siriraj.
Ngoài ra, có thể thấy rõ trên ngực Si Quey là những lỗ đạn sau vụ hành quyết vào tháng 9/1959 ở tuổi 32. “Si Quey là điều thu hút rất lớn với người Thái Lan. Có nhiều du khách Trung Quốc cũng đến đây để nhìn thấy ông ta”, người hướng dẫn tại viện bảo tàng cho biết. Và điều thu hút đám đông nhất chính là tội ác kinh hoàng của Si Quey, người đàn ông sinh năm 1927, trong một gia đình nông dân tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, Si Quey, một người lính từng tham gia kháng Nhật đã di cư đến Thái Lan trên một con tàu chở hàng. Ông ta làm nhiều công việc nặng nhọc khác nhau và vào giữa những năm 1950 thì bắt đầu thực hiện những vụ giết người.
Từ năm 1954-1958, Si Quey đã liên tiếp thực hiện hàng loạt vụ giết người man rợ. Người ta nói hắn đã đâm chết 6 trẻ em tại một số tỉnh của Thái Lan. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là 5 tuổi, lớn nhất mới 11 tuổi, cả hai đều là người gốc Hoa. Tương truyền, Si Quey đã phân xác nạn nhân, thậm chí còn ăn thịt. Hắn làm như vậy với niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ cải lão hoàn đồng. Hắn dường như đã thú nhận với cảnh sát về tội ác của mình và nói rằng chọn trẻ em vì đây là đối tượng dễ bắt, giết.
Nhiều người muốn tận mắt nhìn thấy xác ướp "Ông Kẹ" Thái Lan.
Hồ sơ chính thức cũng tuyên bố Si Quey thích ăn thịt người. Hắn được nếm thịt người lần đầu trong cuộc vây hãm khốc liệt của Nhật Bản thời chiến. Do không có thức ăn, Si Quey chiến đấu với con đói bằng cách ăn thịt đồng đội đã hy sinh. Mặc dù những chi tiết khủng khiếp này tạo nên những cơn ác mộng nhưng người Thái ngày càng hoài nghi là liệu chúng có thật hay không.
“Thời đó, mọi người rất cả tin. Họ tin bất cứ điều gì dù không có bằng chứng”, Sakorn Khunain, 50 tuổi, một tài xế taxi ở Bangkok nói về trường hợp của Si Quey. “Mọi người Thái Lan đều biết câu chuyện này và tôi luôn muốn biết nó có thật hay không”, ông nói thêm.
Những "thám tử nghiệp dư" như Sakorn đã đọc về vụ án của Si Quey, khai quật các bài báo thời bấy giờ, cân nhắc những bằng chứng và nghiền ngẫm chúng trên mạng xã hội. Phần lớn, họ nghi ngờ về những tội ác của Si Quey. Người đàn ông này nói được rất ít tiếng Thái Lan và nhận tội dựa trên lời khai của cảnh sát và bản ghi chép của tòa án thời bấy giờ.
Bức ảnh hiếm hoi về Si Quey.
Nhưng có một điều ít gây nghi ngờ nhất đó là vào đầu năm 1958, Si Quey có thể đã gây ra cái chết của một bé trai 8 tuổi tên Somboon Boonyakan tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Rayong, miền đông Thái Lan. Somboon rời nhà vào buổi chiều để mua rau của Si Quey. Khi cậu bé không về nhà, bố mẹ bắt đầu đi tìm kiếm. Bố cậu bé bắt gặp Si Quey lúc anh ta chuẩn bị đốt một đống cành cây khô. Trong đống lá ấy, người bố kinh hoàng phát hiện ra xác con trai đã bị cắt xén.
Tuy nhiên, bất chấp những lời thú nhận được ghi lại của Si Quey, những tuyên bố nói ông ta ăn thịt người đã không được chứng minh một cách đáng tin. Ông ta cũng có thể bị truy trách nhiệm hồi tố về những vụ giết hại trẻ em chưa được giải quyết ở những nơi khác trước đó. Lời thú tội của Si Quey về các vụ án đó không phù hợp với bằng chứng và cảnh sát không cung cấp bằng chứng xác đáng để buộc tội ông.
Si Quey trong phiên tòa xét xử.
Giáo sư Wasana Wongsurawat, một nhà sử học tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok nói: “Tôi cho rằng hệ thống luật pháp đã làm hại anh ta. Si Quey đã bị xét xử không theo đúng quy trình”. Nhà sử học cho biết thêm trong một số vụ án (hoặc có thể là tất cả), Si Quey có lẽ là vật tế thần cho những tội ác của người khác.
6 thập kỷ trôi qua, nhiều người Thái Lan muốn phục hồi hình ảnh của Si Quey. Hàng chục nghìn người đã ủng hộ một bản kiến nghị trực tuyến hồi năm 2018 để đưa xác ướp của ông ta ra khỏi nơi trưng bày. Đáp lại, bệnh viện Siriraj đã gỡ xuống phần ghi chú nói ông ta là kẻ ăn thịt người. Bệnh viện cho biết họ sẽ cung cấp thông tin chi tiết mới về Si Quey cùng với bằng chứng đã được cập nhật.
Prasit Watanapa, trưởng khoa y của bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đối xử với ông ấy như một thành viên trong gia đình”. Ông Prasit nói thêm rằng các nhân viên thường thực hiện một buổi lễ tạ ơn cho linh hồn của Si Quey theo định kỳ. Tuy nhiên, điều này có thể không đủ đối với nhiều người Thái. Họ tin rằng việc bị trưng bày quá lâu như một đối tượng bị khinh miệt khiến Si Quey đã mắc kẹt linh hồn. Vì vậy, đã đến lúc phải giải thoát cho anh ta.
Nhiều người dân Thái Lan muốn Si Quey được thả ra để đem an táng.
“Linh hồn của ông ấy không yên nghỉ, vẫn đi tìm công lý. Tôi chắc chắn về điều đó. Khi tôi nhìn thấy ông ấy trong viện bảo tàng, tôi cảm thấy tiếc cho ông ấy. Đó là một lời nguyền khi ông ấy bị nhốt trong đó và bị mọi người chỉ trỏ”, Suttisa Rattanasri, một sinh viên đại học nói.
Tài xế Sakorn cũng đồng tình: “Ngay cả khi ông ta phạm những tội ác này thì cũng đã lâu rồi. Vậy nên chúng ta không nên nhốt anh ấy như vậy. Nếu anh ta không phạm tội thì còn tồi tệ hơn bởi ông ấy phải chịu sự kỳ thị, điều đó không công bằng”.