Chị Phương Ngô – tình nguyện viên trong đội cấp cứu thiện nguyện ở Sài Gòn đã chia sẻ câu chuyện buồn đầu năm mới 2022 khiến bao người không khỏi xúc động.
Còn nhớ ngày Sài Gòn bùng dịch mạnh, câu chuyện người đàn ông vô gia cư mắc COVID-19 tử vong trên xe lăn đã gây xúc động, chạm tới trái tim của bao người trên cả nước. Họ đớn đau cho một kiếp người cả đời lang bạt, không chốn ở rồi khi về già ra đi chẳng nơi đặt linh cữu, phải nhờ đến đội tình nguyện viên giúp đỡ. Họ rơi nước mắt xót thương và thầm mong đừng có ai phải lâm cảnh “màn trời chiếu đất” khi về già như thế! Nhưng Sài Gòn càng hoa lệ bao nhiêu càng có nhiều mảnh đời khốn khổ!
Mới đây, chị Phương Ngô – tình nguyện viên trong đội cấp cứu thiện nguyện ở Sài Gòn đã chia sẻ câu chuyện buồn đầu năm mới 2022 khiến bao người không khỏi xúc động. Theo đó, nhóm của chị nhận được cuộc gọi vội vàng lúc đêm lạnh – thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới. Sau đó chị lặng người khi phải đến nhận xác của một cụ ông nghèo.
“Cuộc gọi đầu tiên của ngày 01/01/2022 không phải là hẹn hò ăn chơi mà là một ca tặng quan tài, khâm liệm rồi đi hỏa táng, cùng hai cuộc gọi cấp cứu, cả hai đều có SpO2 dưới 80.
Người vợ bị tai biến, không đi đứng và không nói được, chỉ ngồi ngay đó nhìn xa xăm.
Ông mất không có áo để mặc, không có chiếc chiếu lót để nằm, khung cảnh buồn lạnh lẽo đến nao lòng. Bà 65 tuổi bị tai biến, không đi đứng và không nói được, vẫn ngồi ngay đó với đôi mắt nhìn xa xăm và hình như không còn biết khóc nữa”, chị Phương Ngô chia sẻ.
Cũng theo người phụ nữ này, ông cụ bị bệnh hơn 30 ngày qua nhưng vì không có tiền khám chữa nên qua đời. Đặc biệt vợ chồng ông cụ không có con lẫn người thân, sống cùng nhau trong căn phòng trọ vỏn vẹn 10m2 tại phường Bình Trị Đông (quận Tân Bình). Nơi ấy không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ dựng ngay cửa sổ. Chị lo ngại ông đi rồi không biết bà sẽ ra sao?
Đội cấp cứu thiện nguyện của chị Phương Ngô đã đưa cụ ông đi mai táng.
“Chúng tôi đến và vội ra đi cùng cỗ quan tài mà lòng buồn khôn tả. Có những thứ không phải có tiền là giải quyết được sự cô quạnh của tuổi già. Không người thân và con cái chính xác là một nỗi bi ai. Tha hương cầu thực, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để rồi khi chết không mảnh chiếu lót thân. Tôi thầm nghĩ sẽ còn bao nhiêu mảnh đời như thế?
Chị em chúng tôi rời khỏi Tháp Long Thọ sau khi hoàn tất thủ tục hỏa táng thì cũng đã hơn 22 giờ. Sài Gòn buồn quá”, chị Phương Ngô đau đáu nỗi buồn.
Cuối cùng cụ ông đã có thể an nghỉ "trọn vẹn".
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện về người đàn ông nghèo tử vong không áo mặc, không có chiếc chiếu lót nằm đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Ai nấy đều xót thương cho hoàn cảnh bi ai của cặp vợ chồng già neo đơn, đồng thời hi vọng có mạnh thường quân nào đó giúp đỡ người vợ bệnh tật.
Thành viên Nguyễn Quang Huy xót xa: “Người đi kẻ ở là điều hiển nhiên trong cuộc đời. Nhưng chua xót khi có những hoàn cảnh, họ biết trước được cái ngày đó sắp tới để rồi khi ấy nước mắt chỉ biết nuốt ngược vào trong để người nhắm mắt được yên lòng mà ra đi”.
Cộng đồng mạng xót xa. (Ảnh chụp màn hình)
“Sài Gòn đau lòng quá! Dẫu biết dịch COVID-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng nhưng mình không bao giờ nghĩ đến cảnh người ta ra đi không có lấy chiếc áo để mặc như thế này. Thương cụ ông bao nhiêu thì xót cho cụ bà bấy nhiêu. Họ sống với nhau mấy chục năm trời không con cái, giờ cụ ông ra đi thì lấy ai để cụ bà làm chỗ dựa chứ. Mong cụ bà sớm vượt qua nỗi đau mất mát này và có ai đó hãy giúp đỡ cụ đi ạ”, nickname Thành Vũ chia sẻ.
Bạn Chu Ngọc Hoa bình luận: “Cảnh bà ngồi thẫn thờ nhìn nhóm thiện nguyện quấn ông rồi đem đi mà xót xa quá. Bà không nói gì, không khóc thành tiếng không có nghĩa là bà không đớn đau. Bà đang khóc ròng trong lòng đó mọi người ơi! Còn nỗi đau nào đau hơn nỗi đau người chồng bao nằm rời xa mình chứ”.