Những bệnh nhân nữ tôi gặp tại khoa 6 – Bệnh viện tâm thần TW phần lớn nhập viện do áp lực về gia đình.
Những người phụ nữ bất đắc dĩ phải gia nhập vào "thế giới người điên" với những lý do chẳng ai giống ai. Đó là những phụ nữ đau khổ vì cuộc hôn nhân diễn ra chóng vánh, vì gánh nặng, áp lực nhà chồng, hay những nỗi đau đớn vì mất đi đứa con máu mủ...
19 ngày cả yêu lẫn cưới
Tiến sĩ Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW 1 cho biết: “Bệnh nhân khi mới vào viện điều trị sẽ rất khó khăn cho đội ngũ, y bác sĩ. Thời gian đầu tinh thần họ không ổn định thậm chí đánh chửi, cào cấu bác sĩ nhưng khoảng 3,4 tuần sức khỏe ổn hơn. Họ có thể nói chuyện tỉnh táo với moi người một cách bình thường. Đây là lúc họ muốn tâm sự nhiều nhất. Đa số bệnh nhân bị dồn nén cảm xúc, ức chế tâm lý từ gia đình mà phát bệnh. Mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai”
Nguyễn Bảo H là người dân tộc Thái Trắng, Hòa Bình. Hàng ngày, người đàn bà ấy cứ lặp lại dáng đi tập tễnh quanh hàng ghế dọc hành lang, gương mặt đờ đẫn, khắc khoải đến vô hồn. Mái tóc dài chớm vai bết thành từng mảng, vướng những vụn bánh vàng khè ôm lấy gương mặt đầy nỗi khắc khổ. Chị nhập viện do áp lực của người chồng.
Bệnh nhân H nhập viện vì ám ảnh những trận đòn roi của chồng
Chị lấy chồng năm 18 tuổi, do lời mai mối từ một người hàng xóm. Cả thời gian yêu và quyết định lập gia đình của chị vẹn vẹn 19 ngày. Bố mẹ ngăn cản, khuyên con gái đừng vội vàng mà dẫn đến sai lầm chẳng sửa chữa được nhưng chị khăng khăng gạt bỏ mọi lời cấm đoán rồi đến với anh với niềm tin và tình yêu đang rộn ràng, hoan hỉ. Ngày cưới, hai bên gia đình chẳng làm mâm cao cỗ đầy vì chị ở mãi tận miền ngược xa xôi, anh ở dưới xuôi, khoảng cách về địa lý đã đành, cộng thêm lời can ngăn, không đồng tình của cả 2 bên nội, ngoại. Anh đưa chị về nhà bằng lễ báo hỉ với dăm ba têm trầu, vài cái kẹo bánh.
Chị mở một sạp rau nhỏ bán ở chợ. Anh hàng ngày đi làm phu hồ cho đội thợ xây trong làng. Hạnh phúc với chị ngắn chẳng tày gang. 4 tuần sau ngày cưới, anh lao vào cờ bạc, lô đề và cá độ bóng đá với những cơn say rượu triền miên khi thua cuộc. Chị vỡ mộng bởi giấc mơ về một cuộc sống gia đình không đẹp và viên mãn như quãng thời gian 19 ngày yêu anh dành cho chị.
Những con số nguệch ngoạc chị cất giữ cẩn thận trong túi, thỉnh thoảng chị lấy ra đọc thuộc
Anh xả giận bằng những trận đòn roi thừa sống thiếu chết với vợ. 6 tháng cưới nhau, 3 tháng chị nhập viện vì chấn thương do chồng bạo hành. Trận gần đây nhất khiến chị phải nhập viện do anh túm tóc, lấy điếu cày đập liên tiếp vào lưng, vào đầu. Lưng chị vằn lên những vết đỏ - hậu quả của trận đánh. Trong câu chuyện về chồng, chị ngập ngừng, lắp bắp rồi đột ngột đứng phắt dậy rất nhanh rồi nhìn tứ phía sợ hãi. Cái cách chị phản xạ nhanh dường như đã hằn sâu vào thói quen mà bao lâu nay nhà chồng đã rèn rũa cho chị. Chị giơ hai tay lên không trung, khùa khoạng những nét vẽ nguệch ngoạc rồi bất giác nói lớn: “Về gội đầu cho sạch tóc”.
Hóa điên vì căng thẳng mẹ chồng nàng dâu
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Q ( Hà Nam) "hóa điên" do căng thẳng với mẹ chồng. Q mới 19 tuổi, gày gò, nước da ngăm đen màu bánh mật. Hỏi về lý do vào đây, Q ngập ngừng, cúi gằm mặt xuống rồi bật khóc. Cuộc hôn nhân của em cũng đổ bể, không thành để rồi Q cũng rơi vào bi kịch vỡ mộng, tuyệt vọng về tình yêu đến phát điên. 5 tháng yêu rồi vội vã cưới, Hạnh phúc của Q cũng được cảnh báo sớm bằng sự can ngăn của bố mẹ nhưng em bỏ ngoài tai, thậm chí ruồng rẫy tất cả để đến với người đàn ông em lựa chọn. Q bảo: “Người ta tốt thế, con kiếm ở đâu bây giờ?”.
Thế rồi về làm dâu, những xích mích giữa mẹ chồng và nàng dâu ngày càng căng thẳng. Q ở nhà thêu tay, quấn vàng và mò cua bắt ốc. Chồng làm thợ sơn. Cuộc sống khó khăn, mẹ chồng dè bỉu con dâu không làm ra tiền, “ở nhà ăn bám chồng”. Bà chê con dâu vụng về, khó bảo, nói cạnh khóe đủ điều. Mẹ chồng đã vậy, thêm chồng Q tối ngày đề đóm. Những vết nứt trong cuộc sống hôn nhân ngày càng lớn. Bạo lực gia đình ngày một tăng, Q biết bao lần cúi xuống lạy van người đàn ông em một lòng một dạ yêu thương “xin đừng đánh em nữa, tội nghiệp”. Trong đôi mắt trong veo của người đàn bà tuổi 19 ấy ẩn chứa nỗi buồn đầy trắc ẩn.
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khiến Q không chịu đựng nổi. Những ngày đầu nhập viện, Q chống cự y, bác sĩ rất nhiều
Bác sĩ Phương cũng cho biết: "Trường hợp của Q khi mới nhập viện rất khó khăn cho những người điều trị bởi Q chống cự mạnh. Q có thái độ sợ hãi, cảnh giác với tất cả những ai đến gần. Đến thời điểm này, tình trạng của Q ổn hơn, 2,3 tuần nữa có thể ra viện”.
Giường bệnh cuối cùng trong khoa có tiếng hát ru của người phụ nữ ngoài 40 tuổi. Tiếng hát ấy nỉ non, buốt ruột. Phía đầu giường bệnh chị nằm chi chít những tranh ảnh, do chị vẽ. Trong bức tranh ấy hiện lên một mái nhà. Trong mái nhà ấy có chị, có chồng chị và hình ảnh một đứa trẻ cầm quả bóng bay cười thật rạng rỡ. Chị bảo: “Thằng con trai tôi đấy”. Cú sốc trước cái chết của đứa con trai với chị quá lớn khiến chị nhập viện trong tình trạng mê man đến điên dại. 10 ngày sau khi sinh đứa con út cũng là lúc đứa con thứ 2 của chị ngã nước mà chết đuối. Chị vẫn khóc và gọi tên đứa con hàng đêm trong ảo ảnh.
Sau cơn mưa trời lại sáng, chị Q, H, L cũng như hàng trăm bệnh nhân nữ khác những ngày tới sẽ được ra viện và trở về với cuộc sống bình thường. Dãy hành lang chật chội nỗi buồn ấy sẽ bớt đi hình ảnh dật dờ của những cái bóng, giường bệnh sẽ chẳng còn nghe thấy tiếng hát ru não nề. Qua cơn sang chấn, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, bởi cuộc sống luôn có những phép nhiệm màu đẹp đẽ nhất cho người phụ nữ tìm lại được ánh sáng nơi con đường mà các chị ngỡ từng là ngõ cụt.