Dù bà ấy không thể sinh nở nhưng tôi chưa bao giờ có ý định rời xa để kiếm đứa con. Nếu tôi bỏ bà ấy, đó là lỗi lớn nhất của cuộc đời. Tôi sẽ mãi ở bên bà cho tới phút giây cuối đời”
Nằm chênh vênh trên sườn dốc trong con hẻm thuộc khu phố 1 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, Tp.HCM), căn nhà nhỏ của người đàn ông cụt chân bán vé số nuôi vợ mù lòa khá lụp xụp và tuềnh toàng. Thấy khách đến thăm, ông Nguyễn Văn Năng (68 tuổi - Long An) đon đả lết từng bước bằng khuỷu chân mời chúng tôi vào nhà.
“Tôi bất lực chấp nhận vợ mình trở thành người khiếm thị…”
Nhìn người vợ mù lòa - bà Phạm Thị Lan (66 tuổi) mần mò từng thìa cơm đưa lên miệng, ông Năng nghẹn ngào kể: “Trước kia, bữa cơm của chúng tôi có không khí gia đình lắm! Dù chỉ có 2 người già ăn với nhau nhưng đủ tiếng nói, tiếng cười. Từ ngày bà ấy không còn nhìn thấy ánh sáng, bữa cơm trưa chiều không còn sum vầy như trước. Tới bữa, tôi bới cơm cho bà ăn trước. Bà ấy ăn xong, tôi sẽ ăn nốt chỗ thừa còn lại”.
Nhắc chuyện quá khứ, ông Năng đau đáu một nỗi buồn. Năm 2013, bà Lan trải qua cuộc phẫu thuật lớn. Do tác động dao kéo đến dây thần kinh, đôi mắt bà trở lên mù lòa, tai không nghe rõ. Kể từ đó, bà sống trong bóng tối với âm thanh tĩnh lặng. Chứng kiến bà Lan đau đớn vì bệnh tật, ông Năng chạy vạy khắp nơi chữa trị cho bà nhưng bệnh viện nào cũng lắc đầu trả về.
Ông Nguyễn Văn Năng (68 tuổi- Long An) cụt 2 chân bán vé số nuôi vợ mù lòa
“Sau khi tháo băng, bà ấy đưa tay quờ quạng và nói: Sao tôi không nhìn thấy ông. Lúc đó, tôi bàng hoàng nhận ra bà ấy đã bị hỏng cả 2 mắt. Tháng ngày sau đó, tôi mượn rượu để quên đi sự thật vợ mình đã bị mù. Không ngờ rằng, người đàn bà suốt 40 năm cam chịu sống cạnh người chồng què lại trở thành người khiếm thị lúc về già”, ông Năng nhớ lại.
Hằng đêm, bà Lan rên từng tiếng khóc khiến trái tim ông Năng như khứa từng nhát dao. Ông đau khổ chấp nhận vợ rơi vào cảnh mắt không thấy, tai không nghe. Ông nguyện trở thành đôi mắt thứ 2 đưa bà Lan đến cuối cuộc đời.
Khi đôi mắt bị mù lòa, bà Lan dừng hẳn công việc bứt rau muống thuê. Ngày ngày, bà ở nhà trong căn phòng neo người đặc 1 màu đen tối. Nhưng, chính sự động viên của người chồng cụt chân đã giúp bà vơi đi nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Do tác động dao kéo đến dây thần kinh, đôi mắt bà Phạm Thị Lan (66 tuổi) trở lên mù lòa, tai không nghe rõ
Tình nghĩa phu thê kéo dài 4 thập kỉ
Khi chúng tôi nhắc tới chuyện tình cảm của 2 người, ông Năng khẽ nở nụ cười, gạt nước mắt hướng về phía bà Lan: “44 năm trước, tôi xuất ngũ trở về quê với đôi chân không lành lặn. 1 năm sau, tôi ra Đồng Nai bán báo dạo kiếm tiền nuôi thân. Tôi đã vô tình gặp bà Lan đang làm mướn ở Biên Hòa. Thấy tôi cụt 2 chân, ngồi trên chiếc xe lăn cũ, bà ấy đem lòng mến thương. Sau thời gian theo đuổi, bà đã đồng ý yêu và làm vợ tôi”.
Ông bà quyết định kết hôn, họ hàng 2 bên đều ủng hộ. Mặc dù vậy, gia đình bà Lan vẫn lo lắng cho tương lai của 2 người, liệu rằng người đàn ông tàn tật có đem lại cho con họ cuộc sống ấm no? Cuối cùng, sự chịu thương chịu khó của ông Năng đã minh chứng cho gia đình bà Lan biết: Ông tàn tật nhưng giàu nghị lực sống, có thể chở che cho bà suốt cuộc đời.
Sau kết hôn, bà Lan theo ông Năng vào Tây Ninh làm kinh tế mới. Vài năm khai hoang, mọi khó khăn nặng nhọc đều dồn lên vai người đàn bà “lành lặn” thương chồng. Thấy vợ vất vả, ông Năng quyết định trở về Sài Gòn mưu sinh, bắt đầu cuộc sống với vô vàn gian nan. “Năm 1977, vợ chồng tôi khăn gói đưa nhau về Sài Gòn sinh sống. Ngày ngày, tôi đi bán vé số quanh thành phố, bà ấy thu lượm ve chai hoặc hái rau muống thuê. Số tiền kiếm chẳng là bao, nhưng vợ chồng tôi cũng tích cóp được 1 khoản dựng ngôi nhà trú mưa trú nắng ở quận Thủ Đức”, ông Năng cho biết.
Tình yêu của vợ chồng ông Năng bà Lan kéo dài 4 thập kỉ
Yên bề chốn ở, vợ chồng ông Năng bắt đầu tính đến chuyện sinh con. Tuy nhiên, ông bà càng mong chờ con về bao nhiêu, càng thất vọng bấy nhiêu. Trong một lần kiểm tra, bà Lan được bác sĩ chẩn đoán u nang buồng trứng, khó có thể có con. Không đầu hàng số phận, ông Năng đã đưa vợ chạy chữa tứ phương nhưng không có kết quả.
40 năm chung sống không có mụn con, vợ chồng ông Năng đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh cãi. Dù vậy, ông chưa bao giờ khiến trái tim bà Lan tổn thương. Tình yêu của họ vẫn mãi mặn nồng như hồi son trẻ!
40 năm chung sống không có mụn con, vợ chồng ông Năng đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, tranh cãi. Dù vậy, ông chưa bao giờ khiến trái tim bà Lan tổn thương. Tình yêu của họ vẫn mãi mặn nồng như hồi son trẻ!
“Tôi sẽ mãi ở bên bà cho tới phút giây cuối đời…”
Từ ngày bà Lan bị mù, cuộc sống của ông bà khó khăn hơn nhiều lần. Mọi sinh hoạt trong gia đình, một tay người đàn ông tàn tật thu vén. Ngày ngày, ông dậy sớm đạp xe ra đường bán vé số nhờ đôi chân giả. Gần trưa, ông đạp xe về nhà cơm nước cho bà Lan. “Bà ấy xảy ra chuyện, tôi chỉ đi bán nửa ngày, không thể bỏ bà ở nhà 1 mình. Trung bình, tôi bán được 5 chục tờ, kiếm lời 60 nghìn đồng/ ngày. Những ngày mưa, tôi bán lời ít hơn, thậm chí không bán được tờ nào hết”, ông Năng cho hay.
Gia cảnh neo đơn, nhà nước đã trợ cấp cho vợ chồng ông Năng gần 2 triệu đồng/tháng. Số tiền đó chẳng là bao so với khó khăn, bệnh tật ông bà đang gánh chịu. Mỗi khi trái gió trở trời, đôi chân không còn nguyên vẹn của ông lại đau nhức, các khớp tay khớp chân trên cơ thể bà Lan nhức mỏi. Những lúc như vậy, ông nén nhịn cơn đau dành thời gian xoa bóp cho người vợ mù.
Ngày ngày, ông Năng dậy sớm đạp xe ra đường bán vé số nhờ đôi chân giả
“Trước đây, vợ chồng tôi không có đồ ăn, đi đến đâu người ta cũng hắt hủi. Giờ, nhà nước trợ cấp cho chút ít, họ quay ra ghen tị. Tôi cũng không hiểu vì sao, họ lại khinh miệt hoàn cảnh chồng què, vợ mù như vậy”, ông Năng xót xa chia sẻ.
Nhiều đêm, ông Năng thức trắng suy nghĩ về chuyện tương lai. Không may, sức khỏe ông yếu, có thể ra đi trước bà, ai sẽ là người chăm nom từng bữa cơm giấc ngủ. “Nếu bà ấy sớm về với chúa trời, tôi cũng chẳng thiết tha gì cuộc sống này. 40 năm qua, bà ấy là chỗ dựa tinh thần để tôi vượt qua mọi khó khăn. Dù bà ấy không thể sinh nở nhưng tôi chưa bao giờ có ý định rời xa để kiếm đứa con. Nếu tôi bỏ bà ấy, đó là lỗi lớn nhất của cuộc đời. Tôi sẽ mãi ở bên bà cho tới phút giây cuối đời”, ông Năng tâm sự.
Bà Lan đọc Kinh thánh xong, ông Năng nhẹ nhàng đỡ bà ngồi xuống sàn nhà. Từng cử chỉ, hành động của ông đều nhẹ nhàng và chứa chan bao tình nghĩa phu thê. Nguyện ước rằng, ông Năng sẽ mãi khỏe mạnh để chăm lo cho người vợ mù đã theo ông suốt 4 thập kỉ qua.