Giữ vùng sinh dục sạch sẽ, khô ráo, tránh sử dụng xà phòng, dùng nước sạch để rửa,…là những tuyệt chiêu đơn giản chị em cần làm để khử mùi hôi “vùng kín”.
Mất ngủ khi “cô bé” có mùi hôi
Từ lúc dậy thì đến khi mãn kinh, phụ nữ có khí hư âm đạo là chuyện bình thường. Khi đó, nó có thể tồn tại dưới dạng màu trắng, nhầy hoặc màu vàng, đặc và dính. Khí hư chỉ bất thường nếu có những triệu chứng thay đổi về màu sắc và lượng như: bột trắng bị nhiễm nấm, xuất hiện màu vàng hoặc xanh; có bọt khi bị nhiễm trùng roi - một nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
Chị Thùy (23 tuổi- TP.HCM) cho biết, chị rất lo lắng khi “cô bé” có mùi hôi, thậm chí mất ăn mất ngủ. Trước kia, “nơi ấy” của chị Thùy xuất hiện khí hư sau chu kỳ kinh nguyệt. Gần đây, nó ra nhiều bột màu xanh, kèm theo mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, chị luôn có cảm giác bứt rứt và ngứa ngáy.
“Do chủ quan, mình không đi khám ngay từ những ngày đầu xuất hiện triệu chứng lạ. Khi “vùng kín” ngứa và khó chịu không thể chịu nổi mình mới tới phòng khám phụ khoa. Kiểm tra xong, bác sĩ đã kết luận mình vị viêm âm đạo, cần phải vệ sinh, đặt thuốc hàng ngày. Mình không ngờ rằng, ranh giới giữa mùi hôi khí hư đến hậu quả viêm âm đạo lại mong manh đến như vậy”, chị Thùy tâm sự.
1 tháng sau trị bệnh, “cô bé” của chị Thùy không còn ra khí hư bất thường như trước. Nó đã dần trở về quỹ đạo với trạng thái trắng, nhầy và hết mùi hôi khó chịu. Sau lần đó, chị luôn chú ý tới việc chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ vùng kín mỗi ngày.
Nhiều chị em phụ nữ đã mất ngủ, đau đầu khi "cô bé" có mùi hôi khó chịu (ảnh minh họa)
Vì đâu sinh ra mùi hôi “vùng kín”?
Bác sĩ Thân Trọng Thạch (GV bộ môn Sản, ĐH Y Dược Tp.HCM) cho biết: “Các tuyến ở cổ tử cung và thành âm đạo thường xuyên sản xuất ra một lượng ít dịch nhầy. Chất tiết này có thể chuyển sang màu vàng hoặc trắng đục khi tiếp xúc với không khí. Ngoài ra, lượng dịch sản xuất thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt cũng như tùy thuộc vào nồng độ hormone trong cơ thể. Các yếu tố có thể làm tăng lượng dịch tiết âm đạo nhiều hơn bình thường, bao gồm: sự rụng trứng, mang thai, hưng phấn tình dục,…”
Các dạng viêm nhiễm khác nhau có thể gây ngứa hoặc tiết dịch bất thường trong âm đạo. Tiết dịch bất thường được đặc trưng bởi màu sắc dịch thay đổi (nâu, xanh lá) và có mùi hôi. Bao gồm:
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục: Chlamidia, bệnh lậu, nhiễm Trichomonas.
- Nhiễm nấm âm đạo, thường gặp candida.
- Nhiễm khuẩn âm đạo (Bacterial Vaginosis): mất cân bằng hệ khuẩn âm đạo; một số vi khuẩn tăng sinh; làm dịch tiết ra có màu xám và mùi tanh. BV không lây qua đường tình dục.
Bên cạnh đó, tiết dịch bất thường và ngứa có thể do:
- Mãn kinh và nồng độ estrogen thấp dẫn đến khô âm đạo và kèm theo các triệu chứng khác của teo âm đạo.
- Thụt rửa âm đạo làm mất cân bằng pH và hệ khuẩn âm đạo.
- Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như ung thư cổ tử cung, âm đạo, ống dẫn trứng…
Khử mùi hôi “vùng kín”
Theo bác sĩ Thân Trọng Thạch, chị em phụ nữ cần phải khử mùi hôi “vùng kín” bằng cách:
- Giữ vùng sinh dục sạch sẽ, khô ráo, tránh sử dụng xà phòng và chỉ dùng nước sạch để rửa, sau đó lau khô vùng kín.
- Tránh thụt rửa. “Nhiều chị em cảm thấy sạch hơn khi thụt rửa. Thực tế, việc này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng vì đã vô tình tiêu diệt các vi khuẩn lành mạnh trong hệ khuẩn âm đạo. Chúng là những vi khuẩn giúp chống nhiễm khuẩn”, bác sĩ Thạch cho hay.
- Sử dụng băng vệ sinh đệm, không dùng tampon khi có tình trạng nhiễm trùng trong những ngày hành kinh.
Chị em không nên dùng tampon khi có tình trạng nhiễm trùng trong những ngày hành kinh (ảnh minh họa)
- Nếu bị đái tháo đường, kiểm soát đường huyết tốt có thể giúp cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, một số cách khác để tránh tình trạng viêm nhiễm như:
- Không thụt rửa (rửa sâu vào âm đạo) khi vệ sinh vùng kín.
- Mặc quần rộng và không quá bó sát.
- Nên mặc đồ trong bằng cotton để làm tăng lưu lượng thông khí và giảm tích tụ hơi ẩm.
- Luôn đảm bảo vùng kín được sạch sau khi đi vệ sinh hoặc đi tắm. Lưu ý, khi lau, chị em luôn luôn lau từ trước ra sau.
- Thực hiện an toàn tình dục, sử dụng bao cao su để tránh nhiễm khuẩn lây sang cũng như nhiễm phải từ bạn tình.
Biến chứng của nhiễm trùng âm đạo
- Trong thời kì mang thai: có nhiều biến chứng trong thai kì liên quan đến nhiễm khuẩn âm đạo như sanh non, sẩy thai, nhiễm trùng ối, viêm nội mạc tử cung sau sanh…
- Gây viêm vùng chậu: viêm tử cung, phần phụ, buồng trứng.
- Nhiễm trùng tiết niệu: gây viêm đường tiểu gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản, thận… khiến bệnh nhân có tình trạng tiểu khó, tiểu gắt buốt, đau hông lưng…..
- Nếu đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, nhiễm trùng âm đạo sẽ làm giảm tỷ lệ thụ thai thành công.