Câu chuyện tình cảm động của cặp đôi này khiến người đời phải có cách nhìn khác.
Chuyện tình của hai người điên, cưu mang, nương tựa nhau chúng tôi đã gặp nhiều. Nhưng tình yêu của người điên với một cô gái chưa chồng, khỏe mạnh, nết na thì quả là hiếm.
Trêu đùa thành thật
Chắc hẳn không ít người từng nghĩ, người điên làm sao biết yêu? Tình yêu của người điên làm gì có ý nghĩa?... Câu chuyện tình cảm động của bà Nguyễn Thị Hằng và ông Nguyễn Đức Đăng (Văn Hội, Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) khiến người đời phải có cách nhìn khác.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng và ông Nguyễn Đức Đăng. Ảnh: Ngọc Thi
Trong cái nắng oi ả của mùa hè, trong khi người dân nơi đây vội vã với công việc đồng áng thì ông Nguyễn Đức Đăng cởi trần, ngồi ngẩn ngơ ở góc nhà. Mặt ngơ ngác, chào hỏi ông đáp lại bằng những cái lắc đầu.
Bà Hằng bảo: “Từ ngày lấy nhau ông ấy không phụ tôi được việc gì. Đầu óc ông có vấn đề nên ngày chỉ đi lang thang trong làng, tối thì về thôi. Được cái ông không bao giờ hay chửi mắng mấy mẹ con bao giờ. Đầu óc ông ấy lúc tỉnh lúc dở, tỉnh táo ông thương, hay động viên tôi chăm bẵm, dạy các con khôn lớn nên người”.
Bệnh tật hành hạ nên nhìn ông Đăng già hơn so với tuổi thật của mình rất nhiều. Mái đầu đã điểm hai màu tóc. Dù vậy, chúng tôi vẫn có thể dễ dàng nhận ra đây là một người đàn ông bảnh bao, cao ráo. Mày đậm, mũi thẳng, đôi mắt u buồn nhưng chứa đựng sự ấm áp, đáng thương.
Bà Hằng vốn là người làng bên, từ bé đã mồ côi mẹ. Ngày mẹ còn sống, nhà nghèo nên tuổi thơ lang thang khắp các chợ lớn nhỏ để buôn bán. Ngày đó, mẹ bà là trụ cột gia đình, cũng là người yêu thương bà nhất. Không chịu nổi cảnh gà trống nuôi con, người cha đi thêm bước nữa. Không có tình yêu vô bờ bến như mẹ đẻ, người vợ thứ hai đày đọa, cuộc sống của bà chìm trong khổ cực.
Tuổi thơ không được như bạn bè trang lứa, bà không được học hành mà phải ở nhà đi mò cua bắt ốc. Sớm tối chỉ ở ngoài đồng, bà quen bẵng việc lập gia đình. Bà kể, thời đó bộ đội đến đóng quân tại làng, thấy bà hiền lành, chu đáo nên nhiều người để ý. Có người mang trầu cau đến hỏi nhưng bà đều từ chối. Lúc đó, bà nghĩ mình sẽ ở vậy đến hết đời.
Một lần đến Văn Hội gặt lúa cho cô em họ. Trong lúc nghỉ giải lao mọi người đùa vui, gán ghép chị với ông Đăng. Đáp lại những lời trêu đó chỉ là những tiếng cười trừ, chả bao giờ chị nghĩ mình lại nên duyên vợ chồng với một người đàn ông có đầu óc không bình thường.
Nói và lý trí thế nhưng trong một lần gặp tình cờ, bà thấy ông Đăng hiền khô, ngồi chơi tội nghiệp như một đứa trẻ bà đã yếu lòng. Bà thấy nhói lòng khi nhìn vào đôi mắt của người đàn ông chứa đựng những nỗi buồn không thể nói ra.
Bà Nguyễn Thị Hằng kẻ về đám cưới thời xưa với bức ảnh kỷ niệm trên tay. Ảnh: Ngọc Thi
Thương cảm hơn khi bà biết, ông Đăng bị tâm thần do di chứng của chiến tranh, khi tham gia chiến trường Campuchia không may ông bị mảnh đạn bắn vào đầu và ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên đầu óc mới vậy. Suy nghĩ muốn được chăm sóc người đàn ông tội nghiệp len lỏi trong thâm tâm chị.
Thấy người con gái nết na hay ghé qua nhà, quý mến cậu con trai nên mẹ ông Đăng mạnh dạn mang cau trầu sang thưa chuyện. Biết chuyện, cha thì một mực phản đối còn dì ghẻ thì ủng hộ vì muốn bà sớm đi khỏi nhà. Có người còn ác khẩu bảo bà hâm dở mới lấy một lão chồng như thế. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, ý nghĩ muốn chỉa sẻ nỗi đau, mong muốn được chăm sóc người lính tội nghiệp đã thôi thúc bà về làm vợ người điên.
Ông Đăng khi biết Hằng muốn làm vợ mình thì vui mừng lắm. Những lúc tỉnh táo, hai người trò chuyện với nhau, ông trải lòng: “Lấy tôi mình sẽ khổ, hầu như không làm được gì bởi tôi bệnh. Mình có thương tôi không?. Những lúc như vậy bà Hằng lại cười bảo: “Thương chứ sao không, không thương ông tôi lấy làm gì”. Đó, tình yêu của họ với những câu giao tiếp ngắn ngủi mỗi khi ông Đăng tỉnh táo.
Cuối năm 1999, đám cưới của người điên với cô vợ trẻ diễn ra. Chàng trai điên giờ đây bảnh bao, nổi bật trong bộ vest có cài hoa trước mặt. Cô dâu cũng rạng rỡ trong bộ áo dài tân bằng lụa mềm mại, duyên dáng đi mượn của cô bạn thân.
Chồng chìm đắm trong ký ức thời chiến
“Bố biết chuyện tôi yêu ông ấy đã phản đối dữ dội. Bố mẹ tôi nói đâu có thiếu người để ý mà tôi lại đi lấy người điên làm chồng. Rồi sau này tôi sẽ phải ân hận.Tôi phải tỉ tê với bố mãi, nói tôi không chỉ yêu mà còn thương ông ấy nữa, tôi muốn ở bên giúp ông chữa bệnh rồi dần dần bố tôi mới nguôi giận”, bà Hằng bồi hồi nhớ lại.
Ông Nguyễn Đức Đăng âu yếm, yêu thương cô con gái. Ảnh: Ngọc Thi
Lấy chồng, nhiều đêm bà mất ngủ theo. Có những lúc đang ngủ chồng bật dậy kể chuyện về chiến tranh, miệng kêu “bắn” liên hồi. Ông nhớ nhớ, quên quên, mọi cảm giác hầu như không còn. Những lúc như vậy bà lại hầu chuyện, cùng hồi tưởng với ông về quá khứ, thấy ông xuôi xuôi bà mới dám khuyên đi ngủ. Mỗi lần chứng kiến chồng như vậy, bà thương không tả xiết, chiến tranh đã rời xa, nhưng với gia đình bà “vết sẹo” chiến tranh để lại quá lớn.
Ngày bà sinh con đầu lòng, ông Đăng tỉnh táo. Ông rụt rè, rón rén lại gần giường vợ, rồi rón rén nhìn con đang ngủ, chỉ chỉ rồi cười hềnh hệch, hạnh phúc vô cùng.
Bà Hằng tâm sự: “Những lúc tỉnh táo ông thương vợ con tôi lắm. Thấy con gái đi chơi chưa về là đi tìm. Ông bảo các con phải nghe lời tôi vì biết mình bệnh nên không biết lúc nào ra đi. Nhiều lúc ông ấy cũng giúp tôi khiêng vác các vật nặng nhưng khi xong việc thì lại kêu đau, kêu mệt. Thấy ông yếu nên tôi chả bảolàm nữa”.
Trong cặn nhà cấp 4 tồi tàn, tường đầy mạng nhện, nhem nhuốc, đứa con gái đầu đang rửa bát. May mắn không đến với gia đình chị khi cả hai đứa con gái đều ảnh hưởng bởi di chứng của người chồng. Đang ngồi một mình, ông Đăng bỗng đến ngồi ôm, vuốt mái tóc của cô con con gái thứ hai năm nay vừa tròn 5 tuổi. Ánh mắt ông nhìn con, trong đó chứa đựng nỗi niềm, chứa đựng tình yêu không tỳ vết.
16 năm qua, bà vẫn tất bật với công việc đồng áng, làm thuê, làm mướn để nuôi người chồng điên và hai đứa con thơ. Suốt những năm lấy chồng, bà chưa một lần may cho mình một bộ quần áo mới. Có chăng chỉ là quần áo cho không của chị em trong làng chia sẻ.
Nhưng tình yêu của người đàn bà lam lũ khiến người dân trong thôn Văn Nội xuýt xoa:“Nhờ có cô Hằng mát tay chăm sóc mà anh Đăng đỡ bệnh hẳn, ai vợ chồng ấy đói rách mà chẳng bao giờ cãi nhau đâu, hiếm có đấy”.
Làm vợ người điên nhưng bà không hề than thân trách phận mà lúc nào cũng lo lắng hết mực cho gia đình. Chấp nhận lấy ông, bà đã chấp nhận cuộc sống khó khăn, vất vả sau này. Với bà, hạnh phúc đơn giản là được quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho những người thân yêu nhất của mình.