Phụ nữ nhiều người không biết rằng, có nhiều bộ phận lão hóa theo thời gian, trong đó có cả vùng kín.
Phụ nữ chúng ta luôn lo lắng rằng thời gian sẽ làm cơ thể già đi, chúng ta sử dụng kem dưỡng da tay, da mặt, cổ và thậm chí cả vùng mắt để phần nào chống lại cái gọi là hiện tượng lão hóa ấy. Tuy nhiên, có một bộ phận cũng phải đối mặt với nguy cơ lão hóa theo thời gian mà không phải ai cũng để ý đến, đó chính là vùng kín. Vậy “cô bé” thay đổi như thế nào từ khi chúng ta còn trẻ cho đến lúc về già? Hãy thử tham khảo bài viết sau đây.
Theo Bác sĩ Carolyn DeLucia, một bác sĩ phụ khoa tại VSPOT Medi spa, khi bạn đang ở độ tuổi khoảng 20 cho đến 30, bạn chưa thể nhận ra rõ các dấu hiệu của việc vùng kín bị lão hóa. Điều này chỉ thế hiện rõ ràng nhất kể từ khi bạn sinh con. Nhiều phụ nữ cho rằng việc quan hệ nhiều lần có thể khiến cho đường vào âm đạo bị rộng hơn hay “cô bé” bị chảy xệ, tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng âm đạo là một bộ phận thần kì khi nó có khả năng tự đàn hồi sau mỗi lần quan hệ, thậm chí gần như không thay đổi gì so với lúc trước.
(Ảnh minh họa)
Nhưng, nếu phải trải qua một ca sinh nở với những em bé nặng hàng vài cân đi qua “cửa mình” thì câu chuyện lại khác. Sau khi sinh con, một vài nhóm cơ ở âm đạo và vùng xương chậu gần như bị thoái hóa, dẫn đến việc việc co thắt và đàn hồi của vùng kín có chút suy giảm so với thời bạn còn con gái. Hơn thế nữa, việc thay đổi nội tiết tố như estrogen và progesterone cũng khiến cho hoạt động bôi trơn ở cô bé suy giảm, chúng ta phải mất nhiều thời gian hơn để khởi động cũng như có cảm hứng cho một cuộc yêu với đối tác. Vấn đề này khiến cho nhiều chị em phải đau đầu, thậm chí lâu dần dẫn đến mất hứng thú trong chuyện chăn gối.
Về màu sắc, một số ý kiến cho rằng khi phụ nữ chưa quan hệ, môi lớn và môi nhỏ sẽ có màu sắc hồng hào, còn khi đã quan hệ nhiều lần hay sinh nở sẽ chuyển sang màu sắc tối hơn. Nhiều đấng mày râu thậm chí đã lấy yếu tố này làm tiêu chí để quy chụp một người phụ nữ còn trong trắng hay không. Tuy nhiên quan điểm trên là hoàn toàn không có căn cứ. Khoa học đã chứng minh rằng màu sắc của “cô bé” hay nhũ hoa phần lớn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, sắc tố da hay chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt của chị em phụ nữ, không thể chỉ liên hệ với việc còn trinh trắng hay không.
Khi bạn mang thai, vùng kín sẽ có cảm giác căng cứng hơn do máu dồn về bộ phận này nhiều hơn. Thời kì này chị em cũng dễ mắc phải căn bệnh nhiễm trùng nấm men nếu vệ sinh không tốt, nguyên nhân bởi sự thay đổi hormone trong giai đoạn này.
Thời kì cho con bú, âm đạo phụ nữ có thể trở nên khô và đau đớn do suy giảm nội tiết, bên cạnh đó, bạn có thể cảm thấy đau khi giao hợp trong vòng 4 đến 6 tuần sau khi sinh. Nhiều phụ nữ thậm chí còn mắc phải chứng tiểu không tự chủ trong thời gian đầu sau sinh. Nguyên nhân như đã nói ở trên là do một số nhóm cơ bị thoái hóa. Triệu chứng này thường biến mất sau khoảng 1 năm và có thể được cái thiện bởi các bài tập Kegel.
Đến thời kì mãn kinh, mật độ estrogen suy giảm sẽ dẫn đến hiện tượng “khô hạn” ở “vùng kín”, bên cạnh đó là hiện tượng các mô âm đạo trở nên mỏng hơn và dần mất đi tính đàn hồi. Giai đoạn này việc giao hợp có thể gây khó chịu, đau đớn, từ đó làm giảm ham muốn tình dục của các chị em.
Với hiện tượng ngứa, khô âm đạo, các chị em có thể sử dụng các sản phẩm bôi trơn hay thuốc đặt âm đạo để khắc phục. Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ thuật thu hẹp tầng sinh môn trong trường hợp vùng kín quá “xuống cấp” sau sinh cũng có thể là một gợi ý để mang lại sự tự tin cho phụ nữ trong những lần quan hệ. Tuy nhiên, lời khuyên hữu ích nhất đưa ra để hạn chế những ảnh hưởng của sự lão hóa của “vùng kín” là một chế độ dinh dưỡng hợp lí, tăng cường các thực phẩm bổ sung nội tiết tố cùng các bài tập thể dục thích hợp (ví dụ như Kegel) nhằm tăng sức dẻo dai cho nhóm cơ ở vùng kín và toàn cơ thể.