Hóa điên chỉ vì... thất tình

Ngày 02/11/2014 00:00 AM (GMT+7)

Thất tình, bạo hành gia đình…áp lực tâm lý không giải tỏa được đã đẩy nhiều phụ nữ đến với “thế giới của những người điên”

Người mắc chứng tâm thần phát bệnh chủ yếu do 2 nguyên nhân: Một nhóm do không vượt qua nổi những cú sốc bất ngờ trong chuyện tình cảm, nhóm còn lại do áp lực tâm lý gia đình kéo dài quá lâu, đến một lúc nào đó không chịu đựng nổi cũng đành nhập viện.

Thất tình hóa điên

Nguyễn Hoàng H, nữ sinh viên trường Cao đẳng truyền hình chia tay người yêu sau 4 năm mặn nồng tình cảm. Bạn trai H tuyên bố lý do chia tay thẳng thừng, anh ta có người con gái khác. Do hụt hẫng và bất ngờ trước sự thay đổi đột ngột ấy, H bị trầm cảm nặng. Sau 2 tuần dài nghỉ học, sức khỏe H sa sút trầm trọng và mất ngủ kéo dài Theo dõi con có những biểu hiện bất thường, gia đình H cho con uống thuốc an thần nhẹ.Tuy nhiên, 3 tuần sau, mọi triệu chứng không hề thuyên giảm. Thậm chí, H còn có biểu hiện la hét, đập phá đồ đạc và cào cấu người thân khi họ đến gần. H nhập viện điều trị, sau 8 tháng tình hình sức khỏe mới ổn định hơn.

Không chịu cú sốc bất ngờ như H, trường hợp của chị Nguyễn Thị Th ( Văn Điển, Hà Nội) lại chịu áp  lực tâm lý kéo dài, âm ỉ. Chị đi buôn rau, thuê nhà ở Văn Điển. Chồng làm phu hồ. Cuộc sống đã khó khăn nhưng chồng không tu chí làm ăn mà vướng vào vòng xoáy cờ bạc, đề đóm. Suy nghĩ nhiều, căng thẳng đầu óc, chị Th đã phát bệnh.  Những ngày đầu, chị Th thường kích động với tất cả những người trong gia đình. Thậm chí bố mẹ đẻ, họ hàng đến chơi, nói gì chị cũng chửi bới lại, quần áo cởi hết ra, rồi lại dùng lửa đốt. Ai gọi, nói động chạm đến thì lại nổi khùng, hét lớn.

3 tuần triền miên, chị Th rơi vào trạng thái mất ngủ, có những hôm thức trắng cả đêm. Th hay nói nhảm và bảo với người thân trong gia đình bị nhiều người dưới "âm" theo dõi. Th sợ nước, sợ tắm. Mẹ đẻ chị đến chăm con, múc cho chậu nước đầy nhưng chị không tắm mà đổ ra sàn lênh láng, thậm chí hắt tung tóe vào chồng, vào các con.  Những lúc nặng nhất, chị Th đập phá mọi thứ trong nhà chống cự  lại người nào tới gần.

Các chuyên gia nói gì về chứng bệnh tâm thần?

Theo Thạc sĩ  La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: “Ngoài một số bệnh lý chưa rõ căn nguyên như tâm thần phân liệt, loạn trầm cảm..., các bệnh tâm thần xuất hiện chủ yếu do 2 nguyên nhân sau:- Tổn thương não và các tổ chức thần kinh trung ương do tai nạn, nhiễm trùng thần kinh, nhiễm các chất độc trong nước thải công nghiệp và thuốc trừ sâu, diệt cỏ...

- Sang chấn tâm lý: sự cạnh tranh gay gắt, việc phải xử lý một lượng thông tin lớn, không giải quyết được các mâu thuẫn trong cuộc sống... có thể gây ra sự căng thẳng về tâm lý và dẫn đến các bệnh tâm thần (như suy nhược thần kinh, trầm cảm, rối loạn hành vi). Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần loại này khá lớn.

Hóa điên chỉ vì... thất tình - 1

Những sang chấn tâm lý khiến nhiều phụ nữ không chịu đựng được mà phát bệnh (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW I cho biết: “Sống trong môi trường gia đình, đặc biệt là là môi trường gia đình nhà chồng nhiều áp lực khiến những người phụ nữ mắc các sang chấn mang tính trường diễn, kéo dài, âm ỉ. Người bệnh luôn sống trong trạng thái căng thẳng, che giấu nỗi buồn. Khi không giải tỏa, chia sẻ được với mọi người tâm lý sẽ bị dồn nén, ức chế không chiu đựng được nữa nên phát bệnh”.

Ngoài sang chấn mang tính trường diễn, một nhóm bệnh  nhân tâm thần khác có những biểu hiện cấp tính, nặng nhất của trạng thái này bệnh nhân có thể tự tử. Biểu hiện tâm thần cấp gặp ở bệnh nhân nữ hơn. Đặc biệt trong những hoàn cảnh như: khi người con gái rất tin tưởng người yêu, tin tưởng đến mức tuyệt đối nhiều khi thành thần tượng. nhưng cuối cùng bị ruồng rẫy, phụ bạc.

Hóa điên chỉ vì... thất tình - 2

Tiến sĩ Tô Thanh Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW I

Bác sĩ Phương cho biết thêm, triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng từ các triệu chứng nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh đến các triệu chứng loạn thần. Giai đoạn đầu thường biểu hiện các triệu chứng nhức đầu, mất ngủ, thức trắng đêm. Bệnh nhân hay bị kích động, khó tập trung, trễ nải trong học tập và công tác. Có nhiều trường hợp buồn chán làm mọi cách để thu mình lại và ngại tiếp xúc với mọi người.

Bệnh nhân rơi vào trạng thái hoang tưởng luôn có cảm giác có người khác theo dõi, đầu độc, ám hại mình. Có người cho là mình mắc bệnh hiểm nghèo mà thực ra không có, có người buồn chán nằm vùi đầu suốt ngày, có người vui vẻ quá mức múa hát làm huyên náo, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá, xung động tấn công mọi người xung quanh.

Người bệnh nếu được phát hiện sớm (khi có dấu hiệu trầm cảm) có sự động viên, giải tỏa, tháo nút thì sẽ ổn định tinh thần nhanh chóng. Gia đình, người thân và bạn bè làm tâm lý tốt sẽ giúp bệnh nhân quên đi những sang chấn mà vui vẻ dần.

Trong trường hợp người bệnh mất ngủ 2,3 đêm liên tiếp nên cho uống chút an thần nhẹ. Tình trạng kích động kéo dài khoảng 3,4 tuần cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời.

Chú ý thêm, trong trường hợp bệnh nhân sang chấn trong chuyện tình cảm yêu đương, các thầy thuốc nên tế nhị, khéo léo trong cách dùng liệu pháp tâm lý và biết cách động viên tâm tạo cảm xúc dương tính cho người bệnh.

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe phụ nữ