Tình yêu son sắt của người phụ nữ chờ người yêu hơn 40 năm

Ngày 28/11/2014 17:58 PM (GMT+7)

Hơn 40 năm qua, những người dân bên dòng sông Vực không còn xa lạ với hình ảnh một người phụ nữ chiều chiều vẫn ra đứng bên sông lặng nhìn xa xăm, mong ngóng người yêu trở về. Nhưng hơn hết là sự cảm phục của mọi người về người phụ nữnày khi bà một mình bươn chải chăm hai em bị bại liệt.

Lời hẹn ước bên bến đò

 

Chúng tôi tìm gặp bà Bùi Thị Bông (60 tuổi, trú tại tổ 14, phường Thủy Phương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) để cùng bà tìm về với những năm tháng chiến tranh ác liệt, đã cướp mất đi tất cả hạnh phúc, yêu thương của bà. Căn nhà đơn sơ nằm sâu hút cuối con đường nhỏ dọc theo dòng sông Vực, chan chứa kỷ niệm đối với bà. Năm tháng chờ đợi đằng đẵng trong vô vọng và những cơ cực của cuộc sống đã khiến mái tóc người phụ nữ 60 tuổi này đã gần như bạc trắng.

Ngược dòng thời gian, bà Bông đưa chúng tôi về với con sông Vực trong kháng chiến chống Mỹ. Thuở ấy, bà Bông mới mười tám đôi mươi, nhưng cũng như bố mẹ và mấy người em trai, bà tích cực tham gia phục vụ cách mạng. Nhà bà là nơi bộ đội trú quân. Các thành viên trong gia đình bà làm nhiệm vụ lo lương thực nuôi quân, làm liên lạc, còn bà chèo đò đưa bộ đội qua sông Vực. Những ngày kháng chiến gian khổ, giặc vây riết khiến bộ đội không thể hành quân nên phải tạm trú lại vùng núi phía trên sông.

Tình yêu son sắt của người phụ nữ chờ người yêu hơn 40 năm - 1

Bà Bùi Thị Bông.

Chính từ những ngày tháng chèo đò đưa cơm, gạo cho bộ đội ấy, bà quen chàng lính trẻ Nguyễn Văn Ty (quê Thanh Hóa). Tình yêu giữa anh lính trẻ với cô giao liên xứ Huế nảy nở. Nhớ về những năm tháng ấy bà xúc động: “Từ bom đạn mà quen nhau rồi thương nhau bất chấp gian khổ hy sinh”. Bên dòng sông nhỏ, đôi nam nữ thề nguyền đợi ngày đất nước thống nhất sẽ tìm về với nhau cùng xây hạnh phúc. Sự chân thành, son sắt của tình yêu giúp cho họ mạnh mẽ hơn để tin vào ngày mai tươi sáng.

Nhưng chiến tranh khiến con người ta không ngờ trước được bất cứ điều gì. Năm 1972, chàng trai lên đường vào miền Nam chiến đấu. Ngày bà tiễn ông đi trên con đò nhỏ, những giọt nước mắt, cái nắm tay vội vàng và lời thề hẹn cho một tình yêu. Cùng thời gian này, địch bắt đầu đánh phá ác liệt hơn, sau những trận mưa bom cày xé là chất độc hóa học để hủy diệt vùng rừng đất bộ đội ta bám trụ. Dòng sông Vực cũng như mảnh đất Thủy Phương ngày đêm gánh chịu tội ác của giặc.

Ngày ông đi cũng là ngày cuối cùng bà được nhìn thấy người yêu. Những kỷ vật ông để lại, bà Bông cho vào một lon sắt nhỏ rồi đem chôn ở một góc vườn. Những lúc nhớ người lính trẻ, hay những khi cô đơn, gục ngã bà lại đưa những kỷ vật này lên xem rồi vững tin chiến đấu đợi ông trở về. Chiến tranh đi qua, cuộc sống yên bình trở lại với người dân. Những mất mát đau thương không làm héo tàn con tim yêu thương của bà.

Đất nước thống nhất, những chàng trai trong vùng và những người lính từng bám trụ tại Thủy Phương trước khi vào miền Nam chiến đấu lần lượt về. Nhưng trong vô vọng, mỏi mòn, hình ảnh người lính trẻ năm nào vẫn chưa một lần tìm về với bà. Năm tháng qua đi làm úa màu những kỷ niệm mà người lính để lại, những mảnh giấy nhỏ nhắn gửi yêu thương cũ mục theo sương gió. Nhưng tình yêu son sắt trong lòng người phụ nữ này vẫn còn nguyên như thuở nào. Đến khi bà ngoảnh lại thì thấy mình đã già. Đợi người yêu mấy chục năm nhưng chưa một lần bà hối hận.

Gạt dòng nước mắt ngân ngấn trên má, bà chia sẻ: “Đến nay tui đã chờ đợi tròn 42 năm. Ai cũng nói người ấy đã chết rồi, nhưng tui không tin. Nhiều lần người thân, bạn bè khuyên bảo quên đi mà lấy chồng, nhưng tui không làm được điều đó. Mọi yêu thương tui đã trao hết cho ông ấy rồi”.

“Người mẹ” bất đắc dĩ

Sự bất hạnh, nghiệt ngã chưa dừng lại ở đó mà tiếp tục đổ xuống đôi vai gầy của người phụ nữ này. Lần lượt những người thân yêu trong gia đình rời bỏ bà Bông mà ra đi, chỉ còn lại hai người em khôi ngô, khỏe mạnh thì cũng đổ bệnh không đi lại được. Đó là quãng thời gian sau chiến tranh, mẹ bà bắt đầu mắc chứng bệnh lạ. Cả vùng không ai biết mẹ bà mắc bệnh gì, nhiều người nghĩ là do chất độc của chiến tranh. Chân tay mẹ bà bắt đầu lở loét, sưng tấy. Vật lộn với cơn bạo bệnh được ít lâu thì mẹ bà qua đời.

Kể từ đây, nỗi đau chồng nỗi đau ập xuống bà Bông. Khi mẹ qua đời, cũng là lúc người em út của bà tên là Bùi Dư bắt đầu ngã bệnh. Cũng như mẹ, đôi chân anh Dư ngày càng bị co quắp, đi lại hết sức khó khăn. Nhưng giữa đói khát của cuộc sống không cho phép anh nghỉ ngơi. Trong một lần lê lết đi bắt cá sau trận lũ, anh Dư bị nước cuốn vào cống nước. Cũng chính tại miệng cống oan nghiệt này, người cha đi tìm và phát hiện thấy anh Dư. Khi vào cứu con thì cả hai cha con bị chết ngạt trong cống.

Càng quặn lòng hơn, khi đau thương vẫn không chịu buông tha gia đình người phụ nữ này. Ba đứa em trai còn lại của bà cũng lần lượt mắc chứng bệnh lạ, hai chân co quắp, dính vào nhau, hoàn toàn mất cảm giác và không đi lại được. Người em tên Bùi Hộ vì không chống chọi nổi với sự hành hạ của bệnh tật cũng đã qua đời. Sau mấy chục năm chịu biết bao đau thương, chỉ còn lại hai người em ở với bà là Bùi Tới (58 tuổi) và Bùi Tu (56 tuổi), nhưng cả hai đều bị bại liệt không thể đi lại. Rồi chính bản thân bà cũng đổ bệnh, các khớp chân và tay liên tục đau nhức.

Tình yêu son sắt của người phụ nữ chờ người yêu hơn 40 năm - 2

Bà Bông cùng hai người em bại liệt Bùi Tới và Bùi Tu. 

Trong căn nhà nhỏ, nhìn hai người đàn ông đã ngoài 50 bé nhỏ như những đứa trẻ khiến ai trông thấy cũng không khỏi xót xa. Bà Bông phải chăm lo mọi thứ cho hai em mình như những đứa con dại. Hai con người tật nguyền, lay lắt ấy chỉ biết dựa vào đôi bàn tay gầy guộc của chị mình. Với gương mặt khắc khổ, già nua vì buồn tủi, bà tâm sự: “Tui xót xa, đau đớn lắm. Hai em tôi từ hai chàng trai khỏe mạnh bỗng đổ bệnh bao lâu nay phải ngồi một chỗ, đến bò lết cũng không được nữa. Đời tui đã khổ rồi, thấy hai em như vậy nữa, tui càng ứa nước mắt”.

Khi nhắc đến bà Bông, người dân tận mắt chứng kiến những đau khổ và hy sinh của bà đều tỏ ra thương cảm. Điều họ cảm phục ở bà Bông không chỉ vì tình yêu son sắt thủy chung đợi chờ với chàng lính trẻ, mà hơn hết đó là sự hy sinh âm thầm của người chị. Người dân vẫn hay gọi bà là “người mẹ” bất đắc dĩ, khi bà làm lụng chăm lo cho hai người em không may mắn của mình.

Bà Trần Thị Phương (55 tuổi, hàng xóm với bà Bông) chia sẻ: “Từ chuyện ở vậy đợi người yêu đến chuyện một mình nuôi hai em bại liệt và sau những gì cô Bông trải qua, chúng tôi rất nể phục, thương cô rất nhiều. Bà con xung quanh cũng nghèo khó nên việc giúp đỡ cô còn hạn chế, có chăng chỉ là bó rau nhà trồng hay con tép, con mắm bắt được ở sông”.

Chúng tôi rời căn nhà nhỏ khi chiều hôm vừa xuống, cơn gió lành lạnh xứ Huế báo hiệu một mùa đông sắp về. Nghĩ tới hình ảnh ba mảnh đời bất hạnh tựa vào nhau khi mùa gió rét càng khiến chúng tôi nao lòng. Rồi đây, họ sẽ ra sao khi bà Bông ngày một già yếu, tiều tụy?

Cuộc đời của những bi kịch

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Quyết, Tổ trưởng tổ 14, phường Thủy Phương chia sẻ: “Hoàn cảnh của bà Bùi Thị Bông trú tại tổ 14 quả thực rất éo le. Có thể nói cuộc đời của bà gắn với những bi kịch. Sau khi cha mẹ và các em mất, hiện giờ chỉ còn bà ấy với hai người em bệnh tật. Địa phương cũng như bà con thôn xóm đều quan tâm, giúp đỡ để bà vượt qua khó khăn”.

Theo Nhâm Thân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện tình yêu