Khi tắm cho bé cần tắm lần lượt như rửa mặt, tay chân, tắm toàn thân, sau đó mới đến gội đầu.
Video: Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Những ngày gần đây, nhiệt độ các tỉnh miền Bắc nước ta đang có xu hướng giảm, trời trở gió chuyển lạnh rõ rệt. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng khó thích nghi với thời tiết chuyển mùa này nhất. Trẻ dễ bị mắc các bệnh lý về đường hô hấp nếu bị nhiễm lạnh.
Vì vậy, làm thế nào để tắm cho trẻ sơ sinh an toàn là điều được rất nhiều cách bà mẹ quan tâm.
Dưới đây là chi tiết cách tắm đúng chuẩn, an toàn và những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh mà mọi bà mẹ nên nhớ.
1. Cách tắm cho trẻ sơ sinh
Chuẩn bị
- 2 chậu nước: 1 chậu để bé tắm và 1 chậu để bé rửa sạch lại, tắm tráng. Mực nước vừa đủ ngập đến dưới cổ khi đặt bé nằm vào. Nước tắm nên là nước đun sôi để nguội pha với nước ấm. Mẹ nên đo nhiệt độ nước trước khi đưa nước lên cơ thể của bé để tránh trường hợp quá nóng hoặc quá lạnh.
Thử nước ở trên cổ tay của mẹ, nếu có cảm giác ấm ấm hoặc dùng nhiệt kế đo nhiệt độ ở 90 độ F (32 độ C) là được.
- 2 khăn xô: 1 chiếc để rửa mặt, gội đầu và tắm, còn 1 chiếc để lau khô khi bé vừa tắm xong.
- Khăn choàng to để thấm nước sau khi tắm xong và ủ ấm cho bé.
- Quần áo, bao tay, chân và mũ thóp cho bé.
Các bước tắm cho bé sơ sinh
Bước 1: Bế bé ra phòng tắm, cởi bỏ quần áo và bắt đầu tắm. Nếu bé có biểu hiện sợ hãi và khóc, tạm thời đừng cởi tã để bé có cảm giác ấm áp và an toàn, sau đó dần dần mới cởi bỏ.
Bước 2: Cho phần chân của bé tiếp xúc nước trước, tay đỡ cổ và đầu. Sau đó rửa mặt bằng nước ấm, rửa kĩ phần sau tai, các kẽ tay và các nếp gấp cổ. Trừ khi da bé có mồ hôi, dầu mỡ, bụi bẩn thì sử dụng xà phòng nhẹ, còn không dùng nước ấm là đủ.
Bước 3: Tắm cơ thể bé. Mở rộng cánh tay, chân để rửa các nếp gấp ở bẹn, đầu gối và khuỷu tay - những nơi có nhờn.
Bước 4: Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, phần mông và đùi cho bé bởi những bộ phận này tiếp xúc với nước tiểu, phân và thường xuyên được ủ bởi tã nên nếu không được làm sạch sẽ rất dễ bị hăm da.
Bước 5: Cho một ít nước ấm lên đỉnh đầu của bé, thoa dầu gội và massage nhẹ nhàng toàn bộ da đầu. Lưu ý tắm nhẹ nhàng chỗ phần mềm trên đỉnh đầu bé, sau đó gội lại bằng nước sạch.
Bước 6: Tắm lại thật kĩ từng bộ phận trên cơ thể bằng nước sạch và cẩn thận đưa bé ra khỏi bồn tắm. Dùng khăn khô lau từ trên đầu xuống từng kẽ của cơ thể và nhanh chóng ủ ấm cho bé bằng cách đặt vào khăn quấn kín từ đầu xuống chân rồi bế bé vào lòng.
Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy môi bé bị tái đi lúc mới cho ra khỏi chậu và quá trình được mẹ ủ ấm, môi bé sẽ hồng trở lại. Khi thấy môi bé hồng trở lại, hãy từ từ mở khăn, mở đến đâu mặc quần áo cho bé đến đấy.
Bước 7: Sau khi tắm cho bé xong, mẹ có thể dùng một số sản phẩm dưỡng ẩm da. Lưu ý, phải chọn các sản phẩm cực an toàn với làn da non nớt của bé.
2. Những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông
- Thời điểm tắm cho bé: không nên tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà quá sớm hoặc quá muộn. Khoảng thời gian lý tưởng nhất để tắm cho bé vào mùa đông là từ 10h đến 10h30 và từ 13h đến 16h. Vì đây là khoảng thời gian thân nhiệt bé ổn định nhất.
- Phòng tắm mùa đông cho bé phải đóng kín cửa sổ, cửa ra vào không để gió lọt vào phòng. Thậm chí có thể bật lò sưởi luôn để làm nóng không khí trong phòng. Nếu mẹ dùng lò sưởi cho bé khi tắm thì có thể rút ra lúc bé gần tắm xong. Vì lúc này nhiệt độ trong phòng đã ấm lên nhiều.
- Đối với trẻ sơ sinh, tắm từ 2 – 3 lần/ tuần là phù hợp với sức khỏe của bé. Tuy nhiên, việc rửa tay, chân, mặt và vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé thì cần được thực hiện hàng ngày.
- Da trẻ sơ sinh nhạy cảm hơn da của người lớn. Vì thế, nếu muốn dùng sữa tắm thì phải dùng loại dành cho trẻ sơ sinh để tắm. Xà phòng có tính kiềm không được dùng tắm cho trẻ sơ sinh vì nó dễ khiến da trẻ trở nên khô hơn hoặc phát ban, nổi mẩn.
- Khi lau khô cơ thể bé, bộ phận rất quan trọng phải lau khô và giữ ấm ngay đó là gan bàn chân. Nếu là trẻ sơ sinh thì một người mặc áo, một người đi tất chân cùng lúc, quần mặc sau cùng.