Nếu chăn có mùi hôi khó chịu nhưng chưa có thời gian để giặt thì bạn có thể "chống cháy" bằng phương pháp này.
Chăn gối phải giặt thường xuyên vì sau một thời gian dùng chúng sẽ bám nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, thậm chí xuất hiện mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên đôi khi vì quá bận rộn hoặc vì ngại trời mưa nồm, ẩm ướt mà chưa kịp giặt thì bạn có thể “chống cháy” bằng cách rắc một nắm bột baking soda lên chăn. Thậm chí, bạn có thể rắc lên giường nếu giường có mùi ẩm mốc do thời tiết.
Sau khoảng 30 phút, bạn hãy giũ nhẹ chăn để bột baking soda rơi ra hoặc dùng máy hút, hút thứ bột này ra khỏi chăn. Đảm bảo mùi hôi trên chăn và giường của bạn sẽ biến mất. Sở dĩ như vậy là baking soda có tác dụng làm sạch, hút mùi, hút ẩm rất tốt.
Rắc bột baking soda lên chăn có thể khử được mùi hôi của chăn.
Ngoài cách này, bạn có thể sử dụng các gói hút ẩm trong những túi đồ ăn vặt. Với cách này, bạn chỉ cần cho những gói hút ẩm vào chăn bông đã gấp, bọc chúng lại trong túi nilong vài ngày. Sau khi mang ra sử dụng, mùi hôi khó chịu trong chăn sẽ biến mất nhờ những gói hút ẩm hấp thụ.
Gói hút ẩm cũng có tác dụng hút mùi hôi khó chịu của chăn.
Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là những biện pháp tạm thời, bạn vẫn phải giặt chăn gối thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình.
Phương pháp giặt chăn vừa sạch vừa thơm lâu
Nhiều người thường mang chăn ra tiệm giặt ủi, nhưng như vậy thì bạn sẽ không biết chăn của mình được giặt như thế nào, sử dụng hóa chất gì để giặt và có đảm bảo sạch sẽ hay không. Vì vậy, bạn hãy tự giặt chăn ở nhà.
Trước khi giặt chăn, bạn cần phải tách chăn ra 2 phần để xử lý từng phần, như vậy thì chăn mới được giặt sạch và thơm lâu hơn.
- Xử lý vỏ chăn:
Bạn nên hòa bột giặt, hàn the và baking soda theo tỷ lệ 1:1:1 với nước rồi ngâm vỏ chăn trong dung dịch này khoảng 10 phút. Thêm baking soda và hàn the vào nước giặt có tác dụng làm mềm vết bẩn, giúp vỏ chăn bền màu hơn.
Sau khi ngâm, bạn có thể vò hoặc chà vỏ chăn để loại bỏ hoàn toàn vết bẩn. Tiếp tục giặt lại vỏ chăn bằng nước sạch nhiều lần cho tới khi sạch bọt xà phòng.
Sau đó, hãy ngâm vỏ chăn với nước xả vải khoảng 15 phút. Lưu ý đừng ngâm lâu quá kẻo phản tác dụng, khiến chăn dễ có mùi hôi. Cuối cùng, bạn hãy vắt nước và đem đi phơi ở chỗ nắng là được. Nếu sử dụng máy giặt, khi máy đang thực hiện chu trình cuối cùng, bạn hãy cho nước xả vải vào rồi bấm tạm dừng 15 phút trước khi bấm khởi động lại.
- Xử lý ruột chăn:
Ruột chăn là phần khó xử lý nhất của chăn, thường được giặt ít hơn vì nó dày hơn rất nhiều so với vỏ chăn. Hơn nữa, chỉ cần lớp vỏ chăn được đảm bảo sạch sẽ thì lớp ruột chăn cũng đỡ phần nào bốc mùi khó chịu.
Về cơ bản, các bước giặt ruột chăn sẽ tương tự như lúc bạn giặt vỏ giặt, tuy nhiên liều lượng bột giặt, nước xả,… sẽ nhiều hơn, thời gian ngâm cũng lâu hơn một chút.
Những lưu ý khác khi giặt chăn để tránh bị ẩm, bốc mùi hôi
- Trước khi giặt nên xem dự báo thời tiết, chọn giặt chăn vào những ngày nhiều nắng, nhiều gió. Phơi chăn ở những nơi thoáng khí để chăn khô hoàn toàn, tránh bị luồng khí ẩm bám vào chăn khiến chăn lâu khô, gây mùi khó chịu.
- Khi phơi chăn, nên lộn mặt trái của vỏ chăn ra ngoài để tránh bị phai màu.
- Sau khi giặt xong, nếu chưa sử dụng thì hãy đóng chăn trong túi kín để tránh vi khuẩn, nấm mốc từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào.