Nóng lòng muốn biết chuyện gì đã xảy ra, tôi liền lao vào chất vấn. Gặng hỏi mãi chị dâu mới vừa khóc vừa thú nhận mọi việc.
Sau khi cưới 3 năm, vì kinh tế khó khăn nên anh trai quyết định đi xuất khẩu lao động, để chị dâu ở nhà chăm con và bố mẹ chồng. Tôi thì đi học đại học xa nhà nên vài ba tháng mới về một lần.
Bố mất sớm, anh trai đi làm xa nhưng chị dâu là người đảm đang, chịu khó lại hiền thảo nên có chị bên cạnh mẹ tôi cũng yên tâm. Thế nhưng mới đây một chuyện không may đã xảy ra khiến tôi thay đổi cách nhìn về chị dâu.
Hôm đó đang ngồi ôn bài thì dì bỗng gọi điện tới cho tôi trách móc:
- Mẹ nằm viện mà cháu không thèm về thăm nom, chăm sóc mẹ à? Có ăn có học đàng hoàng nhưng bất hiếu thì cũng bỏ.
Nói xong dì cúp máy luôn, còn tôi thì lơ ngơ không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi vội vàng gọi cho chị dâu hỏi thăm. Chị ấp úng mãi mới khai mẹ bị bỏng nặng phải nhập viện điều trị, vì không muốn ảnh hưởng tới việc học của tôi nên chị mới dâu.
Tôi hoảng hốt liền bắt xe về quê luôn. Thấy mẹ nằm hôn mê trên giường bệnh, băng trắng quấn quanh người mà tôi rơi nước mắt.
- Chị ơi, sao mẹ lại ra nông nỗi này ạ chị?
- Chị cũng không rõ, lúc ấy chị cho cu Bi sang nhà hàng xóm chơi để ăn cơm. Đang cho cháu ăn thì bỗng nghe thấy tiếng nổ lớn, chạy về nhà xem thì thấy nhà bếp đang bốc cháy, mẹ nằm dưới đất. Chắc là do chập điện dẫn đến cháy nổ.
Những ngày mẹ nằm viện đều một tay chị dâu tôi chăm sóc. (Ảnh minh họa)
Nghe chị nói tôi không hỏi gì thêm, bảo chị về nhà chăm cháu, nghỉ ngơi còn mẹ cứ để tôi lo. Nhưng chị lại gạt đi.
- Cu Bi chị gửi qua nhà ông bà ngoại rồi, ngược lại là em ấy. Em đang học năm cuối, sắp ra trường thì phải tập trung học hành vào, về nhà nghỉ ngơi, lo bài vở đi rồi mấy hôm nữa quay về trường học, chuyện ở nhà đã có chị lo.
Tôi cảm kích không thôi, những ngày sau chị luôn túc trực bên giường bệnh của mẹ một bước cũng không rời. Tôi thầm cảm ơn chị và cảm thấy nhà mình thật may mắn khi có chị.
Hôm qua tranh thủ buổi trưa tôi ghé vào thăm mẹ, đến cửa bệnh viện thì thấy mẹ chị đến thăm. Tính vào chào hỏi bác một câu, nhưng bỗng nghe tiếng bác gái trách móc chị: “Bà ấy ra nông nỗi này là vì con, con tính giải quyết chuyện này ra sao đây hả?”. Đáp lại chỉ là tiếng khóc thút thít của chị dâu.
Nóng lòng muốn biết chuyện gì đã xảy ra, tôi liền lao vào chất vấn. Gặng hỏi mãi chị dâu mới vừa khóc vừa nói rằng, mẹ tôi thành ra như vậy là tại chị. Hôm đó chị làm bánh cho cháu, bột mì thừa không cất đặt cẩn thận mà để gần bếp gas.
Nhà bếp lại có cửa sổ nên khi gió thổi vào bột mì bay tứ tung. Mẹ vào bếp hâm nóng lại thức ăn thì bị nổ. Sau khi chuyện xảy ra, chị dọn dẹp đống lộn xộn đó một cách gọn ghẽ nên không ai biết chuyện này, ngoại trừ mẹ ruột vì chị nói với mẹ.
Vô tình nghe cuộc trò chuyện giữa chị dâu và mẹ ruột, tôi mới biết sự thật. (Ảnh minh họa)
- Chị xin lỗi em, chị có lỗi với mẹ, nhưng chị thật sự không cố ý. Đó chỉ là một tai nạn. Anh em đi làm bên ấy có nhân tình, chị sợ anh biết mẹ nhập viện là do lỗi của chị thì anh sẽ có cớ để bỏ chị. Em thương chị, thương cháu đừng nói chuyện này ra ngoài được không em?
Tôi sốc ngửa khi biết anh trai có nhân tình bên ngoài. Tôi vừa giận chị dâu vì giấu giếm sự thật, vừa thương vừa hổ thẹn vì anh trai tôi đã phản bội chị. Tôi hứa với chị sẽ không tiết lộ ra ngoài, cũng dặn chị phải chú ý hơn trong việc bếp núc và nhắc nhở chị một số thứ không được đặt gần bếp gas để tránh tai nạn tương tự xảy ra.
Tại sao để bột mì trong bếp có thể phát nổ?
Có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà thủ phạm là do bột mì. Một kho lương thực tại thành phố Westwego (Mỹ) từng bị nổ tung khiến 36 người chết và 9 người bị thương do bột mì.
Hay vào năm 2007, một phân xưởng sản xuất bột mì ở tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ nổ lớn khiến 5 công nhân bị bỏng nặng. Nguyên nhân xảy ra vụ nổ là do trong lúc bảo trì, hàn sửa chữa bồn chứa bột mì để chế biến thức ăn gia súc, tia lửa phát ra gặp áp suất mạnh đã gây nổ. Đây chính là hiện tượng nổ bụi.
Thành phần của bột mì gồm muối vô cơ, protein và nhiều nhất là tinh bột. Tinh bột do 3 yếu tố carbon, hydro, oxy tạo thành, trong đó carbon và hydro lại có thể cháy được. Khi các hạt bụi bay lơ lửng trên không khí, đến một mật độ nhất định mà gặp tia lửa điện hoặc nguồn lửa sẽ phát nổ. Nổ bụi có tốc độ lây lan nhanh và rất nguy hiểm.
Trong một cuộc thí nghiệm, người ta đã đổ bột mì vào một căn phòng kín rồi dùng quạt thổi tung bột mì lên và bật tia lửa điện bằng điều khiển từ xa. Kết quả, chỉ sau vài giây căn phòng đã nổ tung. Khi thay thế bột mì bằng bột ngô, bột cà phê đều cho ra một kết quả.
Chính vì vậy, cần phải bảo quản các loại bột ở nơi thông thoáng, tránh xa những thứ có tia lửa, bếp gas để tránh xảy ra tai nạn ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, có một vài thứ khác được khuyên nên đặt xa bếp gas là túi nilon, bật lửa, thuốc xịt côn trùng,... vì chúng rất dễ bén lửa, cực kỳ nguy hiểm. Sau khi nấu ăn, bạn cũng nên khóa van bình gas lại để tránh hiện tượng rò rỉ gas.