Nhằm mang lại cảm giác mới lạ, kích thích thị giác thực khách, một gia đình có truyền thống làm bánh mì ở quận 10, TP.HCM đã cho ra lò những chiếc bánh mì to, dài mang hình các loại thủy hải sản và chỉ bán trong ngày.
Tờ mờ sáng, người dân đi qua ngã tư Hoà Hảo - Lý Thường Kiệt (quận 10) bị thu hút bởi những chiếc bánh mì hình cá sấu, con tôm, con cua, con cá... kích cỡ lớn bày bán tại một cửa hàng.
Chủ tiệm là ông Khiêm (75 tuổi), quê An Giang. Ông cho biết, gia đình có nghề bánh mì truyền thống, đã có vài cơ sở ở TP. Long Xuyên. Khoảng 2 năm trước, gia đình mở thêm lò ở TPHCM, chuyên làm bánh mì khổng lồ, kích thước từ 30-60 cm. Tiệm bánh hoạt động từ 2h sáng hàng ngày để kịp cho ra khoảng hơn trăm chiếc bánh hình hải sản phục vụ thực khách.
Để thu hút khách hàng, tiệm nặn bánh mì hình con ếch, cá sấu, cá chép, cua, tôm, bạch tuộc. Trong số những bánh mì hình con vật, loại cá sấu, cua, ếch cỡ nhỏ và trung bán chạy nhất. Những chiếc bánh trưng bày trên vỉa hè luôn thu hút ánh nhìn của những người đi ngang qua.
Bánh mì dạng con vật không có khuôn, thợ làm bánh phải làm thủ công từng công đoạn tạo hình mắt, mũi, miệng, vảy... Theo chủ tiệm, công đoạn này là quan trọng nhất, quyết định thần thái sản phẩm nên đòi hỏi sự tỉ mỉ vì phải tính được chi tiết phình nở khi bánh chín.
Đôi mắt thần thái của chú cá sấu cộng với những hạt mè óng ánh đường, bơ khiến vị giác nhiều thực khách kích thích.
Theo chủ tiệm, bánh được làm mới mỗi ngày, bán không hết phải bỏ bởi không để được qua đêm. Họ có hai đợt nướng bánh sáng sớm và trưa, số lượng tiêu thụ bánh mì hình con vật từ 50-100 chiếc.
Khách đa số là người đi đám giỗ, gia đình có trẻ em hoặc giới trẻ hiếu kỳ trước hình dáng của bánh mì. Giá bánh dao động 20.000 - 80.000 đồng, tùy theo kích cỡ.
Với những thực khách có gu, thường đến đặt các loại bánh hình thù con giáp, phong thuỷ... thì sẽ phải mất thời gian hơn và chi phí cũng cao hơn.