Chuyên gia WHO: “Vắc-xin tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam an toàn”

Ngày 03/07/2015 10:29 AM (GMT+7)

“Vắc-xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về an toàn chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, ông Diorditsa Sergey - Phụ trách TCMR khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO - đánh giá.

Chương trình tiêm chủng không chỉ bảo vệ mà còn cứu sống được rất nhiều trẻ em. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ chưa tin tưởng vào “bùa hộ mệnh” này. Để có cái nhìn toàn diện và khách quan, phóng viên có dịp trò chuyện với ông Diorditsa Sergey nhân chuyến ông thị sát về TCMR tại Việt Nam.

Thưa ông, chương trình TCMR được triển khai ở Việt Nam từ năm 1985. Xin ông cho biết đánh giá của quốc tế đối với chương trình tiêm chủng trong 30 năm qua của Việt Nam?

- Trên thế giới hằng năm có khoảng 130 triệu trẻ cần được tiêm chủng, trung bình có khoảng 100 triệu trẻ được tiêm chủng (80%), còn 20% chưa được bảo vệ. Chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã hết sức thành công, tỉ lệ bao phủ cao là thành tựu quan trọng đáng khích lệ.

Sự thành công của chương trình tiêm chủng không chỉ bảo vệ mà còn cứu sống được rất nhiều trẻ em. WHO tính trung bình có khoảng 2,5 triệu em được cứu sống nhờ tiêm chủng.

Ở Việt Nam, sau 30 năm có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ. Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi. 

Nhờ có vắc-xin và sự triển khai rộng rãi hoạt động tiêm chủng, nhiều thế hệ trẻ em đã được bảo vệ khỏi nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Với những hiệu quả vô cùng to lớn của tiêm chủng mang lại, sẽ có thêm vắc-xin mới được đưa vào Chương trình TCMR, mở ra nhiều hy vọng cho sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao Chính phủ Việt Nam đã tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh sởi và rubella trong Chương trình TCMR năm 2014 - 2015. Trẻ tử 1 đến 14 tuổi sẽ được tiêm vắc xin sởi - rubella miễn phí. Điều này, ít quốc gia làm được. 

Ông đánh giá như thế nào về tính an toàn của vắc-xin trong chương trình TCMR tại Việt Nam? Theo tâm lý của người dân, vắc-xin dịch vụ "tốt" hơn vắc-xin TCMR. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Vắc-xin sởi nội địa của Việt Nam được sản xuất với dây chuyền công nghệ của Nhật Bản và được WHO hỗ trợ, có tính an toàn và chất lượng cao. Vắc-xin Quinvaxem ngoại nhập cũng là một vắc-xin an toàn và có chất lượng, được tiền thẩm định bởi Cơ quan quản lý về vắc-xin (NRA) được WHO chấp thuận. 

Chuyên gia WHO: “Vắc-xin tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam an toàn” - 1

Ông Diorditsa Sergey hụ trách TCMR khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO

Tất cả các vắc-xin trong chương trình TCMR của Việt Nam đều thuộc kiểm soát của Hệ thống quản lý quốc gia của Bộ Y tế để quản lý chất lượng, tính hiệu quả và tính an toàn của vắc-xin. Tôi tin tưởng vào điều đó bởi vắc-xin bại liệt nội địa (OPV) đã loại trừ được bệnh bại liệt tại Việt Nam. 

Xin ông cho biết, tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng ở Việt Nam có vượt quá thống kê của quốc tế hay không?

- Ở Việt Nam, trong chương trình tiêm chủng có hệ thống điều tra phản ứng sau tiêm rất tốt. Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm do vắc-xin viêm gan B nói riêng và các vắc-xin khác nói chung vẫn nhỏ hơn tỉ lệ của WHO đưa ra.

Được biết, công tác tiêm chủng phải làm thường xuyên, kiên trì, liên tục đến tất cả mọi người. Nếu vì  bất cứ lý do gì mà ngừng tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ tái phát. Vậy, ông có lời khuyên nào giúp các bà mẹ đưa con tiêm chủng đúng lịch?

- Các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng các vắc-xin dùng trong chương trình TCMR và chủ động đưa con em mình đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỉ lệ tiêm chủng cao.

Ngoài ra, không có vắc-xin nào là an toàn 100%, kể cả vắc-xin dịch vụ hay mở rộng. Do đó, để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm  trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp.

Đặc biệt, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn ông!

Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường.

Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot