Có một số thuốc hạ sốt nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất huyết, khiến bệnh nhẹ trở nặng và nguy hiểm hơn cho người bệnh. Do đó, khi phát hiện con bị sốt, có nhiều dấu hiệu bị sốt xuất huyết, phụ huynh không nên tự ý cho dùng thuốc, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Được điều trị sớm sẽ hết dứt điểm
Như chúng tôi đã đưa tin, thời gian gần đây, sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp. Số lượng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng từ 30 - 40 trẻ lên 100 - 120 trẻ. Ngoài ra, cả nước ghi nhận hơn 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 16 người tử vong. Trong đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 6 trường hợp tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng trẻ nhập viện cũng tăng gấp nhiều lần so với các tháng trước đó. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng khá nặng, người mệt mỏi, mắt lờ đờ... Có khá nhiều trẻ nhập viện ở tuyến tỉnh chuyển lên.
Bác sĩ Tuấn khuyên nếu phát hiện con bị sốt, phụ huynh nên đưa đến các trung tâm y tế khám
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho hay, hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho một bé 11 tuổi ngụ tại TP HCM. Đây là ca nặng nhất vì bị sốc sốt xuất huyết. Cháu nhập viện khi đã sốt cao, ói mửa nhiều, đau bụng, tiểu cầu giảm, máu bị cô đặc… Sau một thời gian điều trị, cháu vẫn tiếp tục sốt cao, suy hô hấp, trụy tim mạch. Cháu đang được điều trị đặc biệt.
Ông Tuấn cho hay, đối với các trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết đều do người thân phát hiện chậm, cho nhập viện trễ. Khi cấp cứu, dù nỗ lực cố gắng nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn không thể “xoay chuyển tình thế”.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm nhưng nếu được điều trị sớm thì sẽ hết dứt điểm, không để lại di chứng. Thậm chí, các ca có biến chứng nặng, hay thay máu cũng vậy.
Sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh 3 đến 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến nửa tháng. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau thắt lưng và đôi khi đau chân, thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ, chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Bác sĩ Tuấn khuyên, nếu phụ huynh phát hiện con có những dấu hiệu trên hay trong gia đình có người bị sốt xuất huyết thì nên đưa đi khám, được chẩn đoán và điều trị. Nếu việc chữa trị chậm trễ, khi sốt xuất huyết nặng, biến chứng khiến suy đa cơ quan, có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Không được tự ý dùng thuốc
Theo ghi nhận tại bệnh viện Nhi Đồng 1, một số phụ huynh cho biết, khi phát hiện con bị sốt thường tự ý ra quầy thuốc tây gần nhà mua thuốc giảm sốt cho uống. Sau khi uống, trẻ giảm sốt nhưng sau đó lại tăng nhiệt độ cơ thể trở lại. Sau vài ngày, triệu chứng ở trẻ ngày càng nặng, phụ huynh mới cho nhập viện. Đến lúc này, tình trạng của các cháu đã trở nặng và việc chữa trị cũng khó khăn hơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Thủ Đức) cho hay: “Con sốt cao, tôi mua thuốc cho uống rồi mua miếng dán hạ sốt về dùng. Trong lúc dùng, sốt ở con có dấu hiệu giảm nhưng sau đó lại nóng như cũ. Khi cháu ói mửa nhiều, tôi đành cho cháu nhập viện. Lúc này, bác sĩ tư vấn cho hay, chính vì cho nhập viện trễ và sử dụng sai thuốc nên bệnh con thêm nặng”.
Trong khi đó, anh Dương Vĩnh Nh (quận 2) chia sẻ, con trai 10 tuổi bị sốt cao liên tục nên mời người đến truyền dịch tại nhà. Sau hai đợt truyền, cháu vẫn bị sốt cao, toàn thân mệt mỏi, người rũ rượu nên đi khám. Bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay để kiểm soát nguy cơ chảy máu, xuất huyết trong.
Một số y tá chia sẻ, trong quá trình chăm sóc, có nhiều ca bệnh chỉ đi khám khi đã bị sốt liên tục từ 3 đến 4 ngày. Ở nhà, họ tự điều trị, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả. Thậm chí, khi mất máu nhiều do bệnh chuyển biến nặng họ mới nhập viện.
Các các sĩ cho hay, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được hạ sốt với thuốc phù hợp. Sốt xuất huyết gây tổn thương gan, trường hợp dùng thuốc không đúng liều lượng sẽ góp phầm làm tổng thương thêm trầm trọng. Điều này càng khiến suy gan hơn.
Hiện nay, có một số thuốc hạ sốt nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất huyết, khiến bệnh nhẹ trở nặng và nguy hiểm hơn cho người bệnh. Do đó, khi phát hiện con bị sốt, có nhiều dấu hiệu bị sốt xuất huyết, phụ huynh không nên tự ý cho dùng thuốc, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.