Quả gấc không còn quá xa lạ với người Việt nhưng đa số mọi người chỉ biết gấc có thể làm xôi, dầu gấc… mà chưa biết hết giá trị dược liệu của loại quả có gai này.
Quả gấc có rất nhiều tại Việt Nam, mùa gấc chín thường vào cuối năm khi đông về. Đa số mọi người sử dụng gấc khi quả vừa chín tới, còn tươi và chủ yếu lấy phần cùi để làm xôi, tạo màu cho một số món ăn…
Theo nhận định của các chuyên gia, việc chỉ lấy cùi gấc rồi vứt bỏ vỏ, hạt, màng hạt gấc là một sự lãng phí rất lớn. Bởi “tiên dược” thực sự có trong quả gấc nằm ở những phần mọi người thường vứt ấy.
Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, từ rễ đến quả, hạt gấc đều có giá trị nhất định để làm thuốc. Trong đó, nguồn dưỡng chất và dược liệu quý nằm nhiều nhất ở quả gấc khi đã chín. Tuy nhiên, quá trình sử dụng mọi người lại chỉ lấy phần cùi (ruột) gấc để đồ xôi hoặc bóc lấy lớp màng hạt để chế dầu, sau đó vứt bỏ hạt mà không biết nó có công dụng rất tốt.
Đa số mọi người dùng cùi gấc, sau đó phần hạt sẽ vứt vào sọt rác. Ảnh minh họa.
Theo lương y Trung, quả gấc còn được ví là “loại quả đến từ thiên đường” và là thần dược cho sức khỏe vì có nhiều tác dụng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn quả quả gấc một cách điều độ và khoa học sẽ giúp tăng cường thị lực, đẹp da, phòng chống ung thư, giảm cholesterol...
Theo đó, quả gấc có chứa hàm lượng lycopen, beta-carotene, alphatocopherol… rất cao, một số nghiên cứu chỉ ra các hàm lượng này cao gấp 68 lần cà chua. Đặc biệt, hoạt chất beta-carotene (tiền vitamin A) trong gấc cực tốt mà không có một loại rau củ nào sánh bằng. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A, loại vitamin tốt cho mắt nói riêng và cơ thể nói chung.
Ngoài ra, lớp màng bao quanh hạt gấc khi sử dụng cũng bị nhiều người bỏ đi, nhưng đây là bộ phận có nhiều vitamin E, chất chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào, ngừa sạm da, khô da, rụng tóc... rất tốt.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm, điều lãng phí nhất khi dùng gấc là mọi người bỏ hoàn toàn phần hạt đen bên trong. “Đây mới thật sự là tiên dược có trong quả gấc”, ông Trung nhận định.
Trong đông y, nhân hạt gấc có vị béo, hơi ngọt, tính mát, có hơi độc, vào kinh can (kinh đại tràng), chữa ung thũng, tràng nhạc, lở ngứa, u nhọt, quai bị, trĩ, sưng vú, tắc tia sữa… "Hạt gấc đa số dùng bằng cách ngâm với rượu nặng, sau đó thoa bóp ngoài da, dùng trong những trường hợp té ngã, bị thương, sưng…", ông Trung cho hay.
Hạt gấc có nhiều tác dụng vì thế mọi người không nên vứt bỏ. Ảnh minh họa.
Lương y Vũ Quốc Trung hướng dẫn cách làm rượu ngâm hạt gấc để thoa đau xương khớp như sau: Dùng hạt gấc đốt vỏ ngoài cháy thành than, nhân bên trong có màu vàng, cho vào cối giã nhỏ, cứ khoảng 30-40 hạt thì cho 400-500ml rượu trắng vào ngâm để dùng dần. Đậy nút kín, ngâm khoảng 120 phút là dùng được. Có thể ngâm càng lâu càng tốt để dùng dần.
Dù các bộ phận trong quả gấc có nhiều tác dụng nhưng khi sử dụng cần phải lưu ý vì quả gấc có nhiều chất tiền vitamin A (beta-caroten) nên ăn nhiều cũng không tốt. Bởi vitamin A dùng nhiều sẽ tích lũy lại trong cơ thể (ở gan) không thải ra ngoài, do vậy ăn nhiều và trong một thời gian dài có thể gây ngộ độc.
Tương tự, trong hạt gấc cũng có tính độc nên nếu sử dụng để ăn hoặc dùng cho đường uống cần phải có sự tư vấn, hướng dẫn của người có chuyên môn, nhất là về liều lượng.
Tin liên quan
Khi bị tiêu chảy, mất nước, việc bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol là rất cần thiết, nhưng làm sai cách có thể gây nguy hiểm đến...
Tin bài cùng chủ đề Các loại rau củ giàu dinh dưỡng
Bông cải xanh không chỉ là một loại rau phổ biến và rẻ tiền mà nó còn là một "siêu thực phẩm" chứa nhiều dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật trong mùa đông...