Bé trai Hà Nội thừa cân trầm trọng vì sai lầm của bố mẹ khi ‘kích’ con tăng chiều cao

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 14/07/2021 20:37 PM (GMT+7)

Muốn con phát triển chiều cao tốt nhất, không ít bố mẹ cố gắng cho ăn thật nhiều, uống sữa hay bổ sung canxi cật lực mà không biết rằng những cách đó lợi ít hại nhiều…

Muốn con ăn thật nhiều để cao lớn và khỏe mạnh

Hầu như bố mẹ nào cũng muốn con phát triển toàn diện cả cân nặng và chiều cao. Nghĩ rằng con ăn càng nhiều, nạp càng đủ chất thì sẽ cao lớn chứ không thấp còi như cha mẹ thời trước, nhiều phụ huynh ra sức ép con ăn, bồi bổ cho con những món đắt tiền, giàu dinh dưỡng. 

PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng chính những suy nghĩ đó của phụ huynh đang đẩy trẻ tới nguy cơ mắc bệnh chứ không hề tăng được chiều cao hay sức đề kháng. Thực tế, không ít trẻ lứa tuổi học đường đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia khám vì "tăng chiều ngang" thay vì chiều cao như kỳ vọng của bố mẹ.

Điển hình cháu Q.P. (11 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) được đưa đến khám vì chiều cao hạn chế nhưng cân nặng lại thừa. Dù mới 11 tuổi, P. nặng tới 49kg nhưng chỉ cao 135cm.

Theo chia sẻ của gia đình, khi sinh ra cháu nặng 3.4kg và từ trước đến nay chỉ ốm vặt chứ không bị bệnh gì. Không muốn con thấp còi như bố mẹ, trong quá trình chăm sóc, bà và mẹ P. thường ép con ăn càng nhiều càng tốt từ lúc bắt đầu ăn dặm. Đến năm P. 9 tuổi, thấy con ăn quá nhiều, nặng cân, người mẹ sợ con béo phì nên muốn hãm lại nhưng bà nội cản lại vì cho rằng "ăn nhiều mới có sức, nhanh lớn và chống được bệnh tật".

Gần đây, khi thấy cân nặng của con ngày càng tăng trong khi chiều cao không phát triển dù đang bước vào giai đoạn dậy thì, gia đình đã đưa P. đi khám. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết cháu P. đang ở mức thừa cân và nguy cơ béo phì rất cao.

Việc ép con ăn để mong con cao lớn là một quan điểm sai lầm. Ảnh minh họa.

Việc ép con ăn để mong con cao lớn là một quan điểm sai lầm. Ảnh minh họa.

PGS.TS. Bùi Thị Nhung cho biết, những trường hợp thừa cân như cháu P. không hiếm gặp hiện nay. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý ông bà cha mẹ thích trẻ bụ bẫm, nghĩ ăn nhiều trẻ sẽ lớn mau, nhanh cao nên đã ép trẻ ăn rất nhiều.

Trẻ bắt đầu thừa cân từ tuổi mầm non, tiếp tục tăng cân ở tuổi tiểu học và có thể sẽ bị béo phì ở tuổi tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông... Không ít người quan niệm rằng trẻ mập một chút rồi sau này sẽ gầy đi nhưng thực tế không phải như vậy mà trẻ càng ngày càng thừa cân hơn dẫn đến béo phì.

Lúc nhỏ, trẻ thừa cân, béo phì thường cao lớn hơn trẻ cùng tuổi nhưng khi đến tuổi dậy thì, chiều cao có thể ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè. Thời điểm đó, ở tuổi mới lớn, trẻ dễ có tâm lý sợ béo muốn giảm cân nhanh nên ăn uống kiêng kem dễ dẫn tới thiếu chất, càng ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể và chiều cao sau này. 

Canxi và sữa không phải “bảo bối” để tăng chiều cao

Đồng quan điểm trên, PGS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không chỉ ép ăn mà nhiều gia đình vì muốn con cao lớn nên áp dụng những biện pháp không khoa học trong quá trình nuôi dạy con.

Điển hình như việc bổ sung quá nhiều canxi vì cho rằng canxi tốt cho xương, làm xương phát triển và như vậy con sẽ cao lớn. Đáng lưu ý, không chỉ bổ sung canxi từ thực phẩm, nhiều người còn bổ sung cho con bằng cách cho uống hoặc dùng thực phẩm chức năng.

Việc làm này có thể khiến trẻ gặp phải vấn đề trầm trọng hơn đó là táo bón, buồn nôn, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng của thận nếu dư thừa canxi.

Muốn con cao lớn thì phải nuôi con khoa học, kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ dinh dưỡng, giấc ngủ đến hoạt động thể chất. Ảnh minh họa.

Muốn con cao lớn thì phải nuôi con khoa học, kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ dinh dưỡng, giấc ngủ đến hoạt động thể chất. Ảnh minh họa.

Riêng đối với việc lạm dụng thực phẩm chức năng, PGS Dũng cho biết bản chất thực phẩm chức năng không xấu, nhưng nó chỉ thực sự phát huy tác dụng cho những trường hợp cần thiết và khi dùng phải có hướng dẫn của bác sĩ.

Việc lạm dụng quá nhiều thực phẩm chức năng mà quên đi sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày sẽ khiến trẻ có thể gặp hệ lụy về sức khỏe. Bởi thực phẩm chức năng chỉ sử dụng khi được bác sĩ tư vấn, nếu dùng bừa bãi, trẻ sẽ thừa chất nọ mà thiếu chất kia.

Sự đa dạng trong bữa ăn hàng ngày, bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm đường bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất, cùng với đó là kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học (ngủ nghỉ, tập luyện) mới là chìa khóa giúp trẻ khỏe mạnh.

Hiện nay, không ít người còn cho rằng chỉ cho con uống sữa là đủ để phát triển chiều cao, đây là một sai lầm trong cách chăm sóc con. Sữa là nguồn dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển. Sữa là nguồn cung cấp protein và canxi lý tưởng để trẻ tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng chiều cao. Uống sữa là điều kiện cần để trẻ đạt được chiều cao như ý nhưng chưa đủ, bởi sữa, hay chính xác hơn là canxi và protein không phải là tất cả.

Ngoài canxi và protein từ sữa, cần có sự bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm giàu các vitamin và chất khoáng như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, magie, kẽm, sắt,… và đặc biệt là vitamin D, để hỗ trợ hấp thu canxi. Đồng thời cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là protein và các vi chất phát triển để trẻ đạt được chiều cao tối ưu.

Uống sữa giúp trẻ tăng chiều cao nhưng uống thời điểm này trẻ càng uống càng lùn
Uống sữa có lợi cho chiều cao của trẻ nhưng uống sữa vào ngay trước khi đi ngủ có thể gây ảnh hưởng tới hormone tăng trưởng, khiến trẻ chậm lớn.

Cách tăng chiều cao cho trẻ

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách tăng chiều cao cho trẻ