Cho con ăn sinh tố chay thay cơm, mẹ Hà Nội khẳng định bé ít bệnh hẳn, bác sĩ nhắn "đừng tưởng tượng!"

Ngày 01/11/2022 13:29 PM (GMT+7)

Chị Hằng cho biết, từ khi được mẹ cho ăn thuần chay lúc 7 tháng tuổi đến nay, con gái chị ít ốm vặt, phát triển tốt. Liệu các bác sĩ có ủng hộ cách cho trẻ ăn uống này?

Cho con ăn 2 bữa sinh tố/ngày từ lúc 7 tháng tuổi

Chị Hoàng Thanh Hằng (ở Hà Nội) có 2 con nhỏ. Vừa qua, chị chia sẻ câu chuyện cho con gái ăn theo chế độ thuần chay (raw vegan) từ khi bé 7 tháng tuổi đến nay (3 tuổi) khiến nhiều người đặt câu hỏi. Chị cho biết, trước khi quyết định cho con ăn theo chế độ này, chị đã tìm hiểu kỹ, đọc vô số các tài liệu, tham khảo nhiều người và thấy có nhiều lợi ích.

“Ban đầu, cho con gái ăn theo chế độ raw vegan, tôi cũng gặp trở ngại từ chồng và chị giúp việc. Nhưng tôi đủ duyên, tìm được người giúp việc mới có tâm, cẩn thận, cho trẻ ăn tận tình nên con ăn cứ tì tì hai bát sinh tố một ngày”, chị Hằng tiết lộ.

Các nguyên liệu được chị Hằng sử dụng để xay sinh tốt cho con gái ăn. Ảnh: NVCC.

Các nguyên liệu được chị Hằng sử dụng để xay sinh tốt cho con gái ăn. Ảnh: NVCC.

Chị Hằng cho biết, nguyên liệu chị làm cho con ăn gồm các loại rau, trái cây, hạt, dầu thực vật ép lạnh… Tất cả  đều được lựa chọn kỹ, rửa sạch rồi trộn đều, đem xay dạng sinh tố. Để con không ngán, chị sẽ thay đổi nguyên liệu liên tục, chẳng hạn bữa sáng hôm trước chị dùng rau diếp cá, thanh long, bơ, hạt gai dầu, dầu hạt lanh, chanh và thêm vitamin K2, D3, B12 trộn cùng nhau đem xay, thì bữa hôm sau sẽ là món sinh tố kết hợp từ bơ, đu đủ, dứa (trái thơm), lá tía tô...

 “Con tôi từ lúc 7 tháng tuổi đến nay mỗi ngày ăn hai bát sinh tố. Tôi thấy con phát triển bình thường, nhanh nhẹn, không bị bệnh vặt. Chỉ mấy hôm nay, do thời tiết thay đổi thất thường nên con bị sổ mũi, tôi làm sinh tố lá húng chanh cho con ăn là đỡ”, chị Hằng chia sẻ.

Người mẹ Hà Nội cũng cho biết, các món sinh tố là hai bữa chính của con và bé hợp tác tốt, ăn ngon miệng. Để con tập nhai và có thể ăn thức ăn khác, ngoài trộn các thực phẩm rồi xay thành sinh tố, chị sẽ cho con cầm trái cây, một số loại bánh ăn. Chị cũng chỉ áp dụng cho con ăn sinh tố từ các thực phẩm thực vật khi bé ở nhà. Với những ngày gia đình đi dã ngoại, đi du lịch, đi ăn tiệc, đến nhà bạn bè, người thân chơi hay về quê, chị cho con ăn các món khác.

Điều chị Hằng băn khoăn là khi con ăn theo chế độ raw vegan mọi thứ rất ổn nhưng hôm nào bé ăn đồ nấu chín, hay thực phẩm từ động vật thì bụng dạ thường khó chịu, đi vệ sinh khó khăn.

Hiện nay, chị Hằng đang tập cho con thích nghi dần với việc vừa ăn thuần chay và ăn mặn để tới đây con đi học mầm non. “Tôi dự tính, khi con đi học, bé sẽ ăn thực phẩm ở trường như các bé khác, còn bữa tối về nhà thì tôi cho con ăn chế độ raw vegan như hiện tại”, chị chia sẻ dự định.

Trẻ nên được ăn đa dạng thực phẩm 

Theo TS.BS Trương Hữu Khanh nguyên trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ăn chay có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim mạch, chuyển hóa, tiêu hoá, ung thư... Với các lợi ích này, hiện nay nhiều người đã chuyển hẳn sang chế độ ăn chay trường, thậm chí cho trẻ ăn từ khi con còn bé như chị Hằng.

Các nguyên liệu được chị Hằng xay thành sinh tố cho con ăn. Ảnh: NVCC.

Các nguyên liệu được chị Hằng xay thành sinh tố cho con ăn. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cho rằng việc cho trẻ ăn thuần chay là không nên. Bởi trong rau, trái cây, các loại hạt không có đầy đủ một số chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, các vi chất cần thiết cho cơ thể, giống như trong thịt, cá trứng, sữa. Hơn nữa, chất đạm có trong thịt, cá, trứng có giá trị sinh học cao với đầy đủ thành phần acid amin thiết yếu và acid béo thiết yếu giúp cho não bộ phát triển.

Với những trẻ chỉ ăn rau, trái cây, các loại hạt mà không được bổ sung thức ăn từ động vật có thể đối mặt với nguy cơ thiếu các chất cần thiết cho não bộ phát triển, đặt biệt là thiếu sắt nghiêm trọng. Không những vậy, trẻ có thể gặp nguy cơ thiếu các dưỡng chất cần thiết cho phát triển thể chất và miễn dịch như sắt, kẽm, vitamin D, vitamin B12, canxi, các vi lượng và chất dinh dưỡng khác.

“Một đứa trẻ ít ốm vặt từ lúc 7 tháng đến lúc hơn 3 tuổi là do tiêm ngừa đầy đủ và sinh hoạt tốt. Việc nói một đứa trẻ ít bị bệnh hơn do ăn theo chế độ raw vegan là không xảy ra”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Khanh, mẹ muốn cho con ăn theo chế độ nào, trước tiên hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng xem con đang thiếu hay thừa chất gì để bổ sung thêm và hạn chế, giúp trẻ phát triển bình thường. Nếu áp dụng chế độ ăn loại bỏ hoàn toàn thịt, cá, hải sản, trứng, sữa... về lâu dài trẻ dễ bị thiếu hụt vi chất dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm phát triển về trí não - thể chất - vận động các chức năng cơ thể.

Chị Hằng cho biết chỉ áp dụng chế độ ăn raw vegan khi con gái ở nhà, khi con về quê hay đi học ở trường sẽ ăn các món ăn bình thường khác. Ảnh: NVCC

Chị Hằng cho biết chỉ áp dụng chế độ ăn raw vegan khi con gái ở nhà, khi con về quê hay đi học ở trường sẽ ăn các món ăn bình thường khác. Ảnh: NVCC

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia khuyến cáo, trong giai đoạn đầu phát triển, trẻ cần được chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Có nghĩa rằng, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sau đó, ngoài các bữa ăn dặm đầy đủ chất dinh dưỡng gồm: sữa, thịt, cá, các loại rau củ… trẻ vẫn cần bú sữa mẹ cho đến 2 tuổi.

Theo bác sĩ Hưng, không có thức ăn nào là hoàn hảo nên trẻ cần được ăn đa dạng các loại thực phẩm và phù hợp với từng lứa tuổi. “Một đứa trẻ ăn theo chế độ hoàn toàn thực vật như con gái chị Hằng là không hợp lý. Chế độ ăn này chỉ nên áp dụng theo tôn giáo, văn hóa hay vì điều kiện kinh tế không cho phép thì phải chịu. Ngày nay, đời sống kinh tế người dân đã khá hơn, trên thị trường cũng có đầy đủ các loại thực phẩm khác nhau nên cần phải tận dụng đa dạng thực phẩm, đủ số lượng và chất lượng cho con”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Theo bác sĩ, việc người mẹ cho rằng vì con gái mình ăn các thực phẩm từ thực vật nên phát triển bình thường, ít bị bệnh tật là không có cơ sở khoa học. Vị bác sĩ khuyến cáo, các phụ huynh không nên cổ súy cho một chế độ ăn nào cả. Điều các ông bố bà mẹ cần quan tâm là lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn và cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng theo đúng độ tuổi để con có sức đề kháng tốt và phát triển khỏe mạnh.

*Tên người mẹ đã được thay đổi

Một tuần nên cho trẻ ăn mấy quả trứng? Mẹ hãm con ăn trứng vì sợ mỡ máu cao, BS nói điều bất ngờ
Hiện trên mạng xã hội và thực tế cuộc sống có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc cho trẻ ăn trứng. Nhiều mẹ như bị lạc vào “ma trận” khi tìm kiếm...

Tư vấn sức khỏe trẻ em

Diệu Thuần
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng cho trẻ em