Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 28/05/2021 00:23 AM (GMT+7)

Con xem điện thoại ghé sát vào tai, khi ngủ tai chảy/rỉ nước ra ngoài, đau tai...là những vấn đề được nhiều bậc phụ huynh gửi câu hỏi đến chuyên gia. Bác sĩ Mai Ý Thơ - Khoa TMH Trẻ em (BV Tai Mũi Họng Trung ương) sẽ giải đáp những thắc mắc này.

Hồng Anh (anhhtv***@gmail.com)

Chào bác sĩ, con gái em mới được 2 tháng tuổi, khi ngủ nằm nghiêng dậy em thấy con em có rỉ nước màu vàng ở bên tai phải ra ngoài. Cháu không sốt, chỉ hơi ho và có nước mũi màu trắng. Bác sĩ cho em hỏi con em như vậy có phải đi khám hay chỉ theo dõi vệ sinh thôi ạ? Liệu cháu như vậy có bị điếc không ạ?

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 1
Bác sĩ Mai Ý Thơ

Ở những trẻ khỏe mạnh, nước màu vàng rỉ ra ngoài vành tai có thể là ráy tai ướt thông thường. Tuy nhiên cháu nhà bạn có cả triệu chứng của viêm mũi họng là ho và chảy nước mũi trắng, tốt nhất bạn nên cho con đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để loại trừ viêm tai giữa cấp và tư vấn cách điều trị, chăm sóc, theo dõi nhé.

Minh Nhân (hoathienly***@yahoo.com)

Cháu chào bác sĩ, năm nay con cháu được 1 tuổi, thỉnh thoảng cũng bị viêm tai giữa. Ban đầu đi khám, bác sĩ cho thuốc về điều trị khỏi. Trong quá trình điều trị, có chị ở hàng xóm chỉ cho cháu cách, đó là đừng bao giờ để con ngạt mũi vì đó là nguyên nhân gây viêm tai giữa.

Từ đó, cứ khi nào con ngạt mũi cháu lại hút, rửa sạch sẽ nhưng chỉ được vài lần đầu, sau đó con lại có biểu hiện sốt, đi khám lại bị viêm tai giữa nặng hơn. Vậy bác sĩ cho cháu xin lời khuyên, có phải cứ hút mũi, rửa mũi thật sạch là hết viêm tai giữa không ạ?

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 1
Bác sĩ Mai Ý Thơ

Vì viêm mũi họng, viêm VA là nguyên nhân gây viêm tai giữa vì vậy việc hút rửa mũi đúng cách tại nhà có tác dụng rất tốt trong việc điều trị viêm tai giữa. Tuy nhiên với viêm tai giữa cấp, hút rửa mũi chỉ nên là phương pháp điều trị phối hợp chứ không phải là phương pháp điều trị chính.

Chúng ta phải kết hợp sử dụng thuốc uống toàn thân và hút rửa mũi tại chỗ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp việc điều trị bệnh có hiệu quả cao hơn

Thanh Nhàn (thanhnha79@gmail.com)

Bác sĩ ơi, con em năm nay được gần 4 tuổi, nhưng bị viêm tai giữa lâu quá không khỏi dứt điểm được, mà cứ tái đi tái lại nhiều lần. Khi còn bé cháu không có vấn đề gì. Bắt đầu từ 1 năm rưỡi trở lại đây cháu mới bị và bị liên miên cứ trung bình 2 tháng đi viện khám 1 lần dù dùng đủ loại thuốc từ thuốc uống, thuốc thổi vào tai, thuốc nhỏ vẫn không đỡ.

Mới đây có người mách là phải đặt ống khí 2 bên cho con là khỏi, đồng thời với đó là rửa mũi cho con là sẽ không bao giờ bị viêm tai giữa nữa. Bác sĩ cho em hỏi phương pháp trên có đúng không ạ?

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 1
Bác sĩ Mai Ý Thơ

Nguồn gốc viêm tai giữa cấp là do quá trình viêm VA, viêm mũi họng, đưa vi khuẩn lên tai giữa gây viêm. Vì vậy để ngăn ngừa tình trạng viêm tai giữa tái phát chúng ta nên nạo VA cho trẻ. Từ đó loại bỏ một trong những nguồn cung cấp vi khuẩn gây viêm tai giữa cấp. Kết hợp với việc chăm sóc, hút rửa mũi tốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ trong những đợt viêm mũi họng sẽ giúp làm giảm tình trạng viêm tai

Tuy nhiên trong những trường hợp viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần, trên 3 lần trong 6 tháng thì nạo VA nên kết hợp đặt ống thông khí màng nhĩ 2 bên. Ống thông khí màng nhĩ có tác dụng giảm những đợt viêm tai nhưng không có nghĩa là không bao giờ viêm tai giữa nữa. 

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 4

BS Thơ cho rằng, đặt ống thông khí sẽ giúp phát hiện tình trạng viêm tai dễ dàng hơn.

Những đợt viêm mũi xoang cấp mủ sau khi đặt ống thông khí vẫn có thể dẫn đến tình trạng viêm tai giữa cấp. Nhưng nhờ có ống thông khí màng nhĩ, mủ trong tai giữa sẽ chảy ra ngoài; cha mẹ sẽ phát hiện sớm đưa con đi điều trị và bác sĩ có thể dễ dàng hút mủ trong tai giúp việc điều trị tích cực hơn.

Trong trường hợp của con bạn, viêm tai giữa tái phát liên tục 2 tháng/lần trong vòng 1 năm rưỡi tương đương với 7-8 lần viêm tai trong 18 tháng qua thì rất nên đặt ống thông khí kết hợp nạo VA bạn nhé

Thái Bình (quelua69***@gmail.com)

Con nhà em năm nay hơn 2 tuổi, cháu sinh thường và đường mũi họng tương đối tốt, ít bị viêm hay xổ mũi. Tuy nhiên, cháu thường hay vỗ vào tai kêu đau, khó chịu mà em soi không có mủ hay dịch màu vàng gì, em thường xuyên vệ sinh tai cho còn bằng cách thấm nước muối vào tăm bông sau đó ngoáy.

Ngoài ra, khi cháu xem ipad, điện thoại em thấy cháu cứ ghé sát lên tai. Vậy bác sĩ cho em hỏi, liệu tai cháu có bị làm sao không ạ? Hay việc em ngoáy tai cho cháu khiến cháu bị ảnh hưởng việc nghe ạ.

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 1
Bác sĩ Mai Ý Thơ

Việc trẻ thường xuyên kêu đau tai, khó chịu trong tai và ghé sát tai để nghe âm thanh là những biểu hiện bất thường. Em nên cho trẻ đi khám bác sĩ tai mũi họng để được kiểm tra thêm.

Nếu trẻ có nhiều ráy tai, nhất là ráy tai khô vón cục, em tự ngoáy tai sẽ đẩy sâu ráy tai vào trong đến sát màng nhĩ làm ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Ngoài ra, trẻ 2 tuổi chưa hợp tác, có thể di chuyển khi cha mẹ tự lấy ráy dẫn đến que tăm bộng chọc sâu gây chấn thương rách da ống tai, thậm chí thủng màng nhĩ, gây ảnh hưởng đến sức nghe. Tốt nhất, cha mẹ không nên tự ngoáy tai cho trẻ ở nhà, mà nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng 6 tháng 1 lần để được vệ sinh ống tai sạch sẽ nếu cần.

Minh Hoàng (hoanganh@gmail.com)

Con em mới sinh được vài tháng, theo trong lịch tiêm chủng cháu sắp đến thời gian tiêm vắc xin phế cầu, viêm tai giữa. Bác sĩ cho em hỏi loại vắc xin này có tác dụng như thế nào ạ? Vì có trường hợp con của bạn em tiêm về nhưng vẫn bị viêm và mới phải vào viện điều trị nên em phân vân quá ạ.

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 1
Bác sĩ Mai Ý Thơ

 Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm tai giữa cấp ví dụ như phế cầu, tụ cầu, HIP…. Vì vậy tiêm vắc xin phế cầu chỉ giúp giảm nguy cơ viêm tai giữa cấp do phế cầu chứ không thể giảm nguy cơ viêm tai giữa cấp do các loại vi khuẩn khác gây nên.

Bên cạnh đó, hiện nay đã phát hiện trên 90 chủng phế cầu khác nhau, trong khi các vắc xin chỉ ngừa được một số chủng nhất định. Vì vậy nếu mắc các chủng phế cầu khác không có trong vắc xin thì vẫn có thể mắc bệnh. Nhưng thường là các chủng gây bệnh nhẹ, ít biến chứng. Do đó nếu có điều kiện bạn nên tiêm vắc xin phế cầu cho bé theo đúng lịch tiêm chủng được khuyến cáo nhé.

Quốc Trí (quocntt@gmail.com)

Mới đây trên một group mạng xã hội, em thấy có một chị có con nhỏ chia sẻ phương pháp điều trị viêm tai giữa không dùng kháng sinh, được nhiều người hưởng ứng. Đó là dùng tinh dầu trầu không nhỏ vào tai khi con bị viêm chảy mủ. Sau khi nhỏ mủ rất nhanh khô và không tái lại.

Con em không bị viêm tai giữa nhưng để phòng sẵn em định mua ít tinh dầu này nhưng cảm thấy không an tâm lắm. Xin bác sĩ tư vấn giúp đây có phải phương pháp điều trị viêm tai giữa an toàn không ạ?

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 1
Bác sĩ Mai Ý Thơ

Không phải trường hợp viêm tai giữa cấp nào cũng có chỉ định sử dụng nhỏ thuốc tai. Thuốc nhỏ tai chỉ được chỉ định trong các trường hợp viêm tai giữa cấp có chảy mủ tai, nếu không chảy mủ thì không cần sử dụng thuốc nhỏ tai.

Các loại thuốc nhỏ tai phổ biến hiện nay được kê bởi bác sĩ thường chứa thành phần kháng sinh hoặc kháng sinh kết hợp chống viêm. Những thuốc này đã được chứng minh là an toàn cho tai của trẻ và được bộ y tế công nhận.

Bé bị rỉ nước tai ra lúc ngủ, có cần đi khám không? - 8

Tuyệt đối không nhỏ các loại thuốc vào tai khi không có chỉ định của bác sĩ.

Các loại thuốc nhỏ tai dân gian, truyền miệng khác không được khuyến cáo chính thức của bộ y tế thì không có chỉ định sử dụng cho bệnh nhân. Do chưa có nghiên cứu nào chứng minh về tác dụng điều trị cũng như mức độ an toàn, khả năng gây độc cho tai, ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.

Những loại thuốc bột không tan sẽ bịt kín ống tai, màng nhĩ, làm mủ ứ lại trong tai giữa làm nặng tình trạng viêm tai, thậm chí dẫn tới các biến chứng như viêm xương chũm cấp,liệt mặt… Vì vậy bạn không nên dùng những loại thuốc dân gian, truyền miệng này. Khi trẻ bị viêm tai giữa cấp hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để nhận được sự chăm sóc, điều trị an toàn và  phù hợp nhất.

Thói quen vệ sinh tai cả triệu người thực hiện, bác sĩ cảnh báo là sai lầm tai hại
Lâu nay nhiều người luôn nghĩ dùng bông tăm, que sắt ngoáy tai là sạch sẽ, lấy được ráy tai ra ngoài nhưng thực tế đây lại là một sai lầm.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan