PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Bệnh viện Phổi TW sẽ tư vấn cách điều trị, theo dõi tại nhà với các trường hợp F0 chưa kịp vào viện hoặc thuộc nhóm có thể được chăm sóc tại nhà.
Tôi năm nay 45 tuổi, ở TP.HCM hiện đang ở trong khu vực bị phong tỏa vì phát hiện nhiều ca F0 vì thế nguy cơ tôi bị lây nhiễm là rất lớn.
Hiện tại sức khỏe tôi bình thường, không có bệnh lý nền gì. Vậy nếu tôi không may mắc COVID-19 thì có phải điều trị cách ly tại nhà?
Nếu điều trị, cách ly tại nhà tôi cần chuẩn bị những gì, nhất là các loại thuốc cần thiết?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ở nhà phải có một số điều kiện sau:
- Bệnh nhân không có triệu chứng;
- Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 âm tính, hoặc dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp);
- Khi cách ly, điều trị tại nhà vẫn được lấy mẫu xét nghiệm theo quy định;
- Bệnh nhân cách ly, điều trị ở nhà phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống lây nhiễm bệnh;
- Bệnh nhân tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Theo khuyến cáo của WHO, bệnh nhân COVID-19 khi điều trị, cách ly và theo dõi ở nhà cần lưu ý những điều sau:
- Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus SARS-CoV-2.
- Không được tự ý uống thuốc có chứa steroids vì sử dụng thuốc chứa steroids quá liều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng.
Trường hợp bệnh nhân sốt, đau cơ hay đau đầu, được dùng:
- Thuốc paracetamol. Tuy nhiên, cần tham khảo nhân viên y tế về cách sử dụng thuốc. Đặc biệt liều dùng cho từng đối tượng phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng… nên phải có sự tư vấn kỹ càng.
Hướng dẫn tự chăm sóc khi điều trị, cách ly F0 tại nhà theo hướng dẫn của WHO.
Chuẩn bị một số dụng cụ y tế thông thường để kiểm tra sức khỏe thường xuyên:
- Thiết bị đo độ bão hòa oxy đeo ở đầu ngón tay;
- Máy đo huyết áp tại nhà, nhiệt kế…;
- Nếu có điều kiện thì mua máy đo độ oxy bão hòa trong máu ngoại vi SpO2 để theo dõi;
Khi nào cần nhân viên y tế hoặc đến viện khẩn cấp khi đang cách ly, điều trị tại nhà
- Dùng dụng cụ y tế như đã nói trên đo nồng độ oxy, trường hợp:
+ Trường hợp đo nồng độ oxy bão hòa trong máu là 90% hoặc cao hơn 94% thì nên gặp nhân viên y tế để được tư vấn hoặc liên hệ tới cơ quan chức năng để đưa đến viện theo đúng quy định phòng chống dịch.
+ Khi nồng độ oxy trong máu thấp hơn 90% thì đây là biểu hiện của bệnh COVID-19 nặng, người bệnh cần đến gặp chuyên gia y tế để tư vấn hoặc liên hệ tới cơ quan chức năng để đưa đến viện theo đúng quy định phòng chống dịch.
- Có dấu hiệu sốt tăng lên, ho khan, tức ngực, biểu hiện hô hấp, đếm nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút (so với mức bình thường là 16-18 lần/phút).
- Bệnh nhân trở nặng đột xuất, khó thở, chuyển sang viêm phổi... gọi cấp cứu đưa tới cơ sở y tế, song phải đảm bảo điều kiện đưa đi cấp cứu; có tư vấn của bác sĩ để tránh lây nhiễm cộng đồng và nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Ngoài các vấn đề trên, trong điều kiện sức khỏe bình thường, không có triệu chứng khi cách ly, điều trị tại nhà, bệnh nhân cũng nên chuẩn bị và bổ sung các loại vitamin, nhất là vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Dùng nước muối súc miệng, súc họng, xịt mũi...
Trong bữa ăn hàng ngày, nên ăn đầy đủ chất, kết hợp vận động vừa sức để nâng cao sức khỏe. Giữ tinh thần tốt, không nên quá hoang mang, lo lắng