Đi xe lăn vào viện vì loại đồ uống “vạn người mê” dịp cuối năm, giáp Tết

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/01/2023 19:00 PM (GMT+7)

Trong dịp cuối năm và ngày Tết, rất nhiều người sử dụng đồ uống có cồn không kiểm soát, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Rượu bia là hai loại đồ uống có cồn luôn được các chuyên gia khuyến cáo hạn chế sử dụng, bởi những tác hại gây ra với sức khỏe và sinh hoạt vô cùng lớn. Hàng loạt nghiên cứu đã chứng minh, nghiện rượu bia gây rối loạn tâm thần, nhân cách, giảm khả năng lao động và là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý như gan, dạ dày, thần kinh trung ương, não, tim mạch…

Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện và điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết quá trình uống rượu bia chỉ có khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu; 90% còn lại đi thẳng qua gan. Nếu tần suất uống rượu bia nhiều, dần dần gan sẽ bị tổn thương do phải làm việc liên tục để đào thải độc tố ra ngoài.

Bác sĩ Thủy từng tiếp nhận một người đàn ông ngoài 50 tuổi, vốn làm nghề kinh doanh, vào viện cai nghiện sau nhiều năm uống rượu. Đáng nói, bệnh nhân đã nghiện rượu ở mức độ khá nặng khi không kiểm soát được hành vi, có cơn hoang tưởng khi cho rằng có người tấn công mình…

Bác sĩ Thủy cho biết rất nhiều người nghiện rượu nhập viện vì lý do đặc thù công việc, tiếp khách nhiều cuối năm.

Bác sĩ Thủy cho biết rất nhiều người nghiện rượu nhập viện vì lý do đặc thù công việc, tiếp khách nhiều cuối năm. 

Hay như một trường hợp khác là bệnh nhân ở khu vực miền núi, có thói quen uống nhiều rượu. Mỗi ngày người này uống từ 1,5 đến 2 lít rượu trắng. Sau cuộc nhậu xuyên đêm, bệnh nhân lên cơn “sảng rượu”. Người bệnh được đưa vào viện trong tình trạng vật vã, kích thích, hò hét khiến các bác sĩ rất vất vả để hỗ trợ.

Mới đây nhất là trường hợp một nam giới 40 tuổi, cao 1m62, nặng 42kg, cơ thể suy dinh dưỡng vì uống rượu quá nhiều. Đặc biệt, do ảnh hưởng của rượu, bệnh nhân không thể tự đi lại được mà gia đình phải cho ngồi xe lăn tới viện thăm khám.

“Tại bệnh viện, người bệnh được kết hợp điều trị với nhiều phương pháp khác nhau vừa giúp hồi phục thể trạng, vừa giúp cai nghiện. Đến nay sau một tháng điều trị, bệnh nhân đi lại được và không còn phải điều trị ngoại trú”, bác sĩ Thủy chia sẻ.

Cần uống rượu có kiểm soát trong dịp cuối năm, ngày Tết để giữ gìn sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Cần uống rượu có kiểm soát trong dịp cuối năm, ngày Tết để giữ gìn sức khỏe. (Ảnh minh họa) 

Đa số những người đến điều trị khi nói lý do đều “đổ lỗi” cho môi trường công việc phải dùng tới rượu bia, sau đó nghiện lúc nào không hay. Theo bác sĩ Thủy, hiện đang dịp cuối năm, các cơ quan, doanh nghiệp tổng kết, liên hoan nhiều, rồi lại đến Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng rượu bia tăng cao, từ đó khiến cho người nhập viện vì có liên quan đến loại đồ uống này cũng gia tăng.

“Đối với những người sử dụng nhiều rượu, bia, khi thấy họ có biểu hiện như nói không rõ, ú ớ, gọi không phản ứng, thở yếu, tím tái, bất tỉnh, chân tay lạnh… cần đưa đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời”, Ths.BS Thủy khuyến cáo.

Theo bác sĩ Thủy, để cai được rượu thì quyết tâm của người bệnh có vai trò rất lớn, đáng tiếc rất nhiều người nghiện rượu nhưng không bao giờ thừa nhận mình bị nghiện, nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để hạn chế tác hại của rượu bia với sức khỏe, cần có sự vào cuộc từ chính các gia đình, cơ quan chức năng và tuyên truyền mới mang lại hiệu quả.

“Dù tác hại bia rượu dường như ai cũng biết, nhưng thực tế món đồ uống này vẫn tồn tại nhiều trên các bàn ăn, bàn tiệc của người Việt đặc biệt vào dịp Tết. Không ít người bệnh phải cấp cứu ngay những ngày đầu năm mới, thậm chí đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Thủy cảnh báo.

Thực hư ngậm, uống rượu để diệt virus ở hầu họng? BS bày cách phòng COVID-19 rẻ và tốt hơn
Với khuyến cáo nên dùng dung dịch chứa cồn để sát khuẩn hằng ngày, nhiều người suy diễn rằng uống rượu cũng là cách phòng và tiêu diệt SARS-CoV-2 vì...

Cách phòng, chữa COVID-19

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác