Thực hư ngậm, uống rượu để diệt virus ở hầu họng? BS bày cách phòng COVID-19 rẻ và tốt hơn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 14/03/2022 14:20 PM (GMT+7)

Với khuyến cáo nên dùng dung dịch chứa cồn để sát khuẩn hằng ngày, nhiều người suy diễn rằng uống rượu cũng là cách phòng và tiêu diệt SARS-CoV-2 vì trong rượu có cồn. Thực hư việc này ra sao?

Trong khuyến cáo của ngành y tế từ trước đến nay luôn khuyên rằng cần sát khuẩn bằng dung dịch có cồn. Và thời gian gần đây, trên một số diễn đàn xuất hiện thông tin cho rằng uống rượu có thể giúp phòng COVID-19 và tiêu diệt virus SARS-CoV-2 vì trong rượu có nồng độ cồn nhất định, thậm chí một số loại rượu nặng còn có nồng độ cồn cao và như vậy sẽ diệt virus.

Trước thông tin trên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) thành viên nhóm bác sĩ quân y tư vấn, điều trị F0 tại nhà cho biết, đúng là cồn có nồng độ khoảng 65 đến 80% có thể tiêu diệt được SARS-CoV-2 khi tiếp xúc vài phút, tuy nhiên với các loại rượu uống đang sử dụng thì không đủ nồng độ này.

Hơn nữa, để diệt được virus thì cần có sự tiếp xúc đủ lâu, uống rượu không đảm bảo điều kiện này do rượu chỉ tiếp xúc với niêm mạc họng, miệng trong thời gian ngắn, sau đó đi xuống dạ dày.

Việc uống rượu phòng COVID-19 là tuyệt đối không nên vì sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Ảnh minh họa,

Việc uống rượu phòng COVID-19 là tuyệt đối không nên vì sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Ảnh minh họa,

Từ những phân tích trên, bác sĩ Hoàng khẳng định, thông tin uống rượu diệt SARS-CoV-2 là không chính xác. Mọi người không nên uống rượu để phòng bệnh, vì nếu lạm dụng rượu gây ra hàng loạt hệ lụy với sức khỏe như hại gan, dạ dày và làm tăng nguy cơ gây ung thư.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - Bộ môn Tai - Mũi - Họng (Đại học Y Hà Nội), cho biết, rượu diệt được virus phải có nồng độ cao (70% nồng độ cồn trở lên), vì thế chúng ta không nên ngậm rượu trong miệng để diệt virus vì có thể gây tổn thương niêm mạc, dẫn tới hậu quả ngược lại là tạo đường vào tế bào dễ dàng hơn cho các loại vi khuẩn và virus tấn công, trong đó có virus SARS-CoV-2.

Bác sĩ Đào cho rằng, việc dùng cồn chủ yếu diệt virus ở bàn tay, đồ dùng hoặc khử khuẩn chứ không có khuyến cáo uống cồn vào họng, vì không có hiệu quả. Vị chuyên gia này khuyến cáo, thay vì dùng rượu mọi người có thể súc miệng bằng nước muối được pha đúng tỉ lệ để phòng COVID-19.

“Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, bên cạnh tập luyện thể dục, có chế độ ăn uống điều độ để tăng cường sức khỏe thì việc nhỏ mũi hoặc súc họng hàng ngày bằng nước muỗi loãng cũng là một biện pháp hữu hiệu hạn chế khả năng gây bệnh cũng như phòng diễn biến nặng của bệnh”, PGS Bích Đào chia sẻ.

Dùng nước muối súc họng cũng cần lưu ý để tránh gây tác dụng phụ cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Dùng nước muối súc họng cũng cần lưu ý để tránh gây tác dụng phụ cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Ngoài việc có thể mua nước muối đóng chai được bán ở các hiệu thuốc, bác sĩ Đào hướng dẫn người dân có thể, trộn khoảng 1/4 đến 1/2 thìa cà phê muối với mỗi 250 ml nước. Tốt nhất là nước ấm, vì nước ấm có thể làm dịu cơn đau họng hơn là nước lạnh. Nước ấm cũng có thể giúp muối hòa tan vào nước dễ dàng hơn. Đồng thời cũng thường dễ chịu hơn khi sử dụng. Tất nhiên, việc dùng nước lạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của nước muối.

Cách sử dụng như sau:

- Nhỏ mũi, mỗi mũi 5-6 giọt, hít nhẹ nhàng đủ để làm sạch những chất bẩn, các dị nguyên bám trên bề mặt của hệ thống lông chuyển mà không làm tổn thương lớp thảm nhầy trên bề mặt lông chuyển (chính vì điều này mà không nên bơm rửa cả xi lanh nước muối vào mũi).

- Súc miệng trong cổ họng càng lâu càng tốt. Sau đó, rửa sạch nước quanh miệng và răng sau đó nhổ nước súc vào bồn rửa mặt, tuy nhiên cũng có thể nuốt trừ trường hợp đang nhiễm trùng, nhổ nước muối ra được coi là tốt hơn để ngăn ngừa nhiễm trùng.

- Nên nhỏ mũi hoặc súc miệng 2-4 lần một ngày.

Một số điểm cần lưu ý:

+ Hãy cẩn thận nếu súc miệng nhiều lần mỗi ngày và nuốt quá nhiều nước muối, có thể làm bạn mất nước.

+ Uống quá nhiều nước muối cũng có thể gây ra các nguy cơ sức khỏe, chẳng hạn như thiếu canxi và huyết áp cao…

Những trẻ nào dễ trở nặng khi mắc COVID-19? Có cách nào tránh cho trẻ F0 khỏi diễn biến xấu?
Đa số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, tuy nhiên có một nhóm trẻ có nguy cơ trở nặng và cần đặc biệt lưu ý. Đó là những...

COVID-19 ở trẻ em

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách phòng, chữa COVID-19