Dù là gia vị phổ biến, được dùng rất nhiều trong chế biến món ăn, thế nhưng nhiều người chưa biết chế biến tỏi đúng cách để bảo toàn chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.
Trong số các loại rau, củ làm gia vị thì tỏi được sử dụng rất phổ biến. Rất nhiều món ăn muốn ngon phải có sự kết hợp của tỏi mới tạo được hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, nhiều người vẫn mắc một số sai lầm khiến công dụng của tỏi không được phát huy hết.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, tỏi chứa rất nhiều kháng sinh tự nhiên, vì thế ăn tỏi thường xuyên rất tốt cho cơ thể. Lượng kháng sinh thiên nhiên trong tỏi hay còn gọi là allicin, có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn mạnh đối với tụ cầu khuẩn, thương hàn, lỵ, trực khuẩn sinh bệnh bạch hầu,...
Ngoài ra, tỏi giúp tạo mùi hương dễ chịu, kích thích khứu giác, làm tăng khẩu vị ăn uống, giúp chữa bệnh hệ tiêu hóa, làm giảm ung thư dạ dày, ruột già và trực tràng, chống nấm, cầm máu, kích thích hệ miễn dịch.
Tỏi là kháng sinh tự nhiên được khuyên nên sử dụng hàng ngày. Ảnh minh họa.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, dù tỏi có nhiều tác dụng nhưng nhiều người vẫn còn hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ, vì thế quá trình chế biến chưa tận dụng được hết giá trị của tỏi đem lại.
Dưới đây là một số điều bạn cần biết để sử dụng tỏi một cách có lợi nhất cho cơ thể:
Băm nhỏ tỏi sẽ làm mất chất dinh dưỡng
Với các loại thực phẩm khác, nhất là các loại rau, khi càng thái nhỏ sẽ càng khiến chất dinh dưỡng bị hao hụt. Tuy nhiên với tỏi lại khác, chất quý giá nhất trong củ tỏi là alliin, đây cũng chính là chất tạo mùi đặc trưng cho tỏi. Đáng chú ý, chất này chỉ phát huy công dụng khi tỏi được băm hoặc giã càng nhỏ càng tốt. Vì thế, một số người dùng cả tép tỏi hoặc chiên cả củ tỏi sẽ không phát huy được hết chất kháng sinh tự nhiên này.
Tỏi càng băm nhỏ lại càng tiết ra được chất có lợi cho cơ thể. Ảnh minh họa.
Không cần phải dùng tỏi ngay sau khi sơ chế
Đa số các loại thực phẩm đều được khuyến cáo dùng ngay sau khi sơ chế, khi còn tươi sống. Tuy nhiên, với tỏi dù đã băm nhuyễn hoặc giã nát, PGS Thịnh khuyên mọi người không sử dụng ngay, nên để ngoài môi trường bình thường ít nhất 10 phút để các enzyme có thời gian tăng cường hiệu quả của các hợp chất có lợi cho sức khỏe trong tỏi.
Tỏi chiên vàng thơm nhưng không bổ
Đa số mọi người khi dùng tỏi đều phi vàng, tạo mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, loại củ này lại được khuyến cáo dùng sống sẽ tốt hơn. Vì khi ăn sống, ngâm tươi, chất kháng sinh trong tỏi sẽ không bị mất, giúp ích rất nhiều trong việc tiêu tiệt các vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều tỏi, mỗi ngày chỉ nên dùng 10g (2 tép) là đủ. Khi được nấu chín, tỏi sẽ giảm hoặc mất tác dụng chữa bệnh.
Tỏi chiên vàng tuy thơm nhưng lại mất nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Tỏi xanh là đã hỏng
Ngâm giấm tỏi được rất nhiều gia đình áp dụng, việc này tạo vị rất tốt cho nhiều món ăn. Thế nhưng, nhiều người khi ngâm tỏi chuyển màu xanh và cho rằng đã bị hỏng. PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, tỏi chuyển màu xanh không gây hại cho cơ thể. Sở dĩ bị chuyển màu như vậy là do ngâm ít giấm hoặc quá trình sử dụng mở nắp ra và bảo quản không tốt nên khiến tỏi đổi màu.
Dù có nhiều tác dụng với sức khỏe, tuy nhiên PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, mọi người không nên ăn nhiều, nhất là người có bệnh dạ dày sẽ dễ gây kích ứng. Ngoài ra, dùng tỏi quá nhiều có thể gây hơi thở hôi, gây cản trở khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
“Rất nhiều người tự chế bài thuốc bằng việc ngâm tỏi với một số dung dịch, sau đó dùng để nhỏ mắt, mũi… điều này là không nên vì khi sử dụng bất kể sản phẩm nào cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học, được sự tư vấn của người có chuyên môn”, ông Thịnh cho hay.