Bị anh hàng xóm dụ "yêu" một lần, 2 tháng sau cậu bé Sài Gòn giấu cha mẹ đi làm việc này

DIỆU THUẦN - Ngày 03/08/2023 11:20 AM (GMT+7)

Sợ cha mẹ mắng khi bị lây căn bệnh giang mai từ người hàng xóm từng gặp ở nhà bà ngoại, Quân đã tìm đến chuyên viên hỗ trợ cộng đồng.

Mắc bệnh xã hội sau 1 lần “yêu” không an toàn

Bé Trương Anh Quân hiện 15 tuổi, chuẩn bị vào lớp 10 tại một trường THPT ở TP.HCM. 2 tháng trước, em đến nhà ông bà ngoại chơi thì bị một anh hàng xóm 17 tuổi dụ dỗ quan hệ không an toàn. Sau lần đó, Quân thấy vùng hậu môn, lòng bàn tay và bàn chân của mình nổi những nốt đỏ nên rất sợ và lo lắng.

Khi lên mạng tìm hiểu, Quân biết được các nốt đỏ đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh xã hội lây qua đường tình dục. Sợ bị la mắng, cậu bé không dám nói chuyện với cha mẹ. Nhờ bạn bè giới thiệu, Quân tìm đến anh Ngô Tấn Huỳnh, một chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng nhờ tư vấn và làm xét nghiệm để biết mình có mắc các bệnh xã hội hay không.

Các nốt giang mai xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ảnh minh họa.

Các nốt giang mai xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ảnh minh họa.

Anh Huỳnh cho biết, kết quả xét nghiệm của Quân có phản ứng với giang mai. “Hiện Quân mới 15 tuổi nên tôi sẽ hỗ trợ tâm lý cho em và sẽ là người bảo lãnh để em được tiêm thuốc điều trị giang mai. Do Quân chưa sẵn sàng thưa chuyện với cha mẹ, nên tạm thời tôi sẽ tôn trọng bé. Tuy nhiên, khi bé ổn định tâm lý, tôi sẽ giúp em nói sự thật với phụ huynh”, anh Huỳnh chia sẻ.

Nhiều trẻ mắc bệnh xã hội giấu cha mẹ

Theo BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em - Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do do xoắn khuẩn treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn này lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, đường máu và đường mẹ sang con. Trong đó, thường gặp nhất vẫn là quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng mà không được bảo vệ.

Bác sĩ Lợi Em cho biết tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số bệnh nhân mắc giang mai đến khám có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 là 5.883 ca thì đến tháng 9/2022 có hơn 6.279 ca giang mai đến khám và điều trị, đa số do quan hệ tình dục không an toàn.

Cũng theo bác sĩ Lợi Em, tỷ lệ mắc giang mai cũng được ghi nhận tăng mạnh ở nam giới, đặc biệt là nhóm quan hệ đồng giới. Thậm chí, có những bé trai mắc bệnh chỉ mới 10-12 tuổi. Lý do là nhóm người này có tần suất “yêu” cao hơn và thường cặp với nhiều bạn tình “lạ” hơn. Hơn nữa, họ thường quan hệ bằng đường hậu môn và miệng, hiếm khi sử dụng bao cao su, từ đó nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cao hơn.

Một bạn trẻ đến khám bệnh giang mai tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Một bạn trẻ đến khám bệnh giang mai tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. 

Do phần lớn bệnh giang mai không có triệu chứng hoặc triệu chứng không quá rầm rộ nên người bệnh không nhận biết kịp thời để đi khám. Nhiều trường hợp, bệnh chỉ biểu hiện với một vết loét duy nhất, nhưng do vết loét của giang mai có đặc điểm là không đau, không gây khó chịu nên nếu nằm ở vị trí khó quan sát như vùng hậu môn thì thường bị bệnh nhân dễ bỏ sót. Sau một thời gian, vết loét cũng sẽ tự lành mặc dù không điều trị. 

Về lý do hiện nay nhiều trẻ vị thành niên mắc giang mai, bác sĩ Lợi Em cho biết do việc bùng nổ internet, mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò giúp trẻ dễ tiếp cận với người lạ hơn. Từ đó, việc tìm kiếm người yêu của trẻ cũng trở nên dễ dàng. Trong trường hợp các em không được trang bị các kiến thức về giới tính, về các biện pháp phòng ngừa khi “yêu” sẽ dễ mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh phụ khoa, nam khoa, nhất là các bệnh lây qua đường tình dục như: lậu, giang mai, sùi mào gà, HIV… 

Anh Tấn Huỳnh cũng chia sẻ thêm, hiện có nhiều trẻ 12-15 tuổi bị lây bệnh xã hội từ bạn tình vì thiếu kiến thức về cách tự bảo vệ mình. Hơn nữa khi bước vào tuổi dậy thì, các em có tâm lý tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh. Khi có điều kiện tiếp cận với các video nhạy cảm trên mạng, các em dễ bắt chước nếu không được định hướng một cách đúng đắn. 

Theo anh Huỳnh, mang bao cao su khi yêu cũng là một cách tránh lây các bệnh qua đường xã hội. Ảnh: NVCC.

Theo anh Huỳnh, mang bao cao su khi "yêu" cũng là một cách tránh lây các bệnh qua đường xã hội. Ảnh: NVCC.

Anh Huỳnh cho biết thời gian qua, không chỉ Quân mà có nhiều trẻ trong độ tuổi vị thành niên bị nhiễm bệnh xã hội từ bạn tình mà không dám nói với cha mẹ, phải tìm sự trợ giúp từ bên ngoài. Sau khi trấn an các bé, anh đã giúp chữa bệnh và ổn định tâm lý, sau đó hướng dẫn các em về thưa chuyện với cha mẹ. “Cha mẹ nào nghe con mắc bệnh xã hội cũng sốc, bất ngờ và sẽ la mắng con. Nhưng khi ổn định lại, họ đều cùng con đối diện với sự thật”, anh Huỳnh chia sẻ.

Từ trường hợp của Quân, anh Huỳnh mong gia đình và nhà trường cần có chương trình giáo dục sức khỏe giới tính học đường để trang bị kiến thức và sự hiểu biết đối với trẻ vị thanh niên. Trong trường hợp không may có con bị bệnh ngoài ý muốn, cha mẹ hãy bình tĩnh, đừng nên la mắng, mà hãy cùng con đối diện với sự thật. Việc la mắng, cấm đoán sẽ làm trẻ càng thêm lo sợ, từ đó tự chịu trách nhiệm một mình thì càng thêm nguy hiểm.

* Tên bé trai trong bài đã được thay đổi.

Cô gái trẻ ở Hà Nội mắc chứng nghiện tình dục, có lúc quan hệ cả chục lần một ngày
Nghiện tình dục cũng giống như nghiện cờ bạc, nghiện game và được xếp vào nhóm nghiện hành vi, nếu không được phát hiện, can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng...

Quan hệ tình dục

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Quan hệ tình dục