Tôi bị "tẩy chay" vì từ chối ngồi ăn cùng người đang mắc COVID-19? Tôi quá đáng hay mọi người quá coi thường bệnh?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 04/05/2023 19:00 PM (GMT+7)

Tôi nhớ tình cảnh mình ngồi một góc trong phòng riêng khi gia đình ăn cơm ngoài phòng khách. Còn bây giờ, tôi bị cả đại gia đình chỉ trích chỉ vì không ngồi cùng mâm với một người đang mắc bệnh này.

Thời gian qua, số ca mắc COVID-19 được thống kê đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể từ ngày 17/4 đến nay số ca mắc mới liên tục ở mức trên 1.000, riêng ngày 28/4, ca mắc mới trên cả nước đã vượt ngưỡng 3.000. PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dự kiến số ca mắc COVID-19 sau dịp nghỉ lễ sẽ còn tăng lên, bởi nhiều người dân đang rất chủ quan với việc phòng chống dịch. 

Thực tế cho thấy, trong kỳ nghỉ vừa qua cũng như hiện tại, rất nhiều người có dấu hiệu bệnh như ho, sốt nhẹ, mệt mỏi nhưng không test COVID-19, vẫn đi du lịch hoặc về quê, tham gia họp lớp, tụ tập đông người. Thậm chí, có trường hợp mắc bệnh nhưng coi đây là cảm cúm thông thường, vẫn đi tới nơi công cộng, sinh sống với người già, trẻ nhỏ mà không thông báo bệnh, không cách ly phòng bệnh theo đúng quy định. 

Người phụ nữ bị chỉ trích vì không ăn cùng người đang mắc COVID-19. Ảnh minh họa.

Người phụ nữ bị chỉ trích vì không ăn cùng người đang mắc COVID-19. Ảnh minh họa.

"Mới đây về quê, tôi thấy rất bất ngờ khi có những người mắc COVID-19 nhưng coi như bệnh vặt, không đeo khẩu trang vẫn đi đám cưới bình thường", chị Thanh (ở Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ sau khi cho con về quê nghỉ lễ.

Chị Thanh cho biết thêm, chính chị bị đại gia đình nhà chồng "tẩy chay" vì không đồng ý ngồi ăn cùng mâm trong tiệc cưới với người đang mắc COVID-19. 

Chị Thanh kể: "Đến tiệc cưới của một người thân, tôi được xếp ngồi cùng mâm với 5 người khác. Lúc chúng tôi đang ngồi uống nước, đợi người ta bưng mâm tới thì chị bên cạnh hỏi người đối diện: "Cô vít cô veo thế nào rồi?". "Sắp khỏi! Cũng ho sốt nhẹ nhẹ, táng mấy viên thuốc là đỡ", chị này đáp tỉnh bơ. Thấy sắc mặt tôi có vẻ khác, chị bồi thêm: "Giờ ai còn lo COVID nữa, khác gì cảm cúm đâu. Nhà này chồng với con vừa khỏi, giờ đến mình, chắc cũng phải hết lượt!". Nghe tới đây, tôi lấy cớ có việc ra ngoài để tránh ngồi ăn mâm đó. Tôi đang có con nhỏ mới 2 tuổi, ở cùng nhà với mẹ đẻ hơn 70 tuổi vừa bị tiểu đường vừa cao huyết áp. Tôi không muốn mình mang bệnh tật về nhà cho những người thân yêu có nguy cơ cao. Nhưng sau bữa cỗ đó, tôi bị nhiều người trong chính gia đình mình và họ hàng công kích vì "chảnh", "khinh người", "không biết cư xử"... Một số người còn mỉa mai: "Cứ ngồi ở nhà cho khỏi COVID, lần sau đừng về quê nữa".

Nhiều điểm lễ hội, nơi công cộng người dân chủ quan không hề đeo khẩu trang khi tập trung đông người.

Nhiều điểm lễ hội, nơi công cộng người dân chủ quan không hề đeo khẩu trang khi tập trung đông người. 

Trước thực trạng hiện nay nhiều người chủ quan trước việc phòng tránh COVID-19, theo PGS Đắc Phu, đây là điều rất nguy hiểm, vì hiện miễn dịch cộng đồng đã giảm, vì thế nguy cơ tái mắc và gia tăng ca nặng hoàn toàn có thể xảy ra. Theo ông, người dân vẫn cần cảnh giác, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế. Thực tế, thời gian qua Bộ Y tế và các địa phương cũng liên tục có chỉ đạo phòng chống dịch, trong đó nêu rõ nâng cao ý thức của người dân là điều quan trọng nhất.

Theo ông Phu, quy định của Bộ Y tế về việc phòng, cách ly, điều trị với người mắc COVID-19 hiện vẫn còn hiệu lực. Cụ thể, với người mắc COVID-19, thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy âm tính với Sars-CoV-2.

Trong trường hợp sau 7 ngày, kết quả xét nghiệm còn dương tính, tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin; 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin. “Hiện chưa có quy định thay thế quy định trên, vì vậy khi mắc COVID-19 vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Điều này càng trở nên quan trọng nếu trong gia đình có người già, người suy giảm miễn dịch, bệnh nền, thai phụ. Nguyên nhân là những đối tượng trên khi mắc COVID-19 thường chuyển biến nặng do hệ miễn dịch kém, thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong”, ông Phu khuyên.

Hiện không có quy định cấm tập trung nơi đông người, nhưng có yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Hiện không có quy định cấm tập trung nơi đông người, nhưng có yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng. 

Đối với việc phòng bệnh, ông Trần Đắc Phu cho biết, hiện không có khuyến cáo về việc cấm tụ tập đông người, tuy nhiên khi tham gia hoạt động xã hội, nơi công cộng, nơi đông người cần phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên. Người có triệu chứng nghi ngờ và người tiếp xúc gần với người được xác định mắc COVID-19, cần phải đeo khẩu trang, test COVID-19 để có biện pháp dự phòng. Đồng thời cần phải tiêm vắc xin đủ mũi và nhắc lại đầy đủ.

Trước đó, để tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai nhiều nội dung quan trọng, bao gồm tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người. 

Ca mắc COVID-19 bất ngờ tăng vọt lên 4 con số trong ngày 17/4, đã có 10 ca nặng trong 1 tuần qua
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24h qua (tính đến 18h ngày 17/4) cả nước ghi nhận 1.031 ca mắc COVID-19, đây là ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất trong vòng 1 tuần vừa qua.

Dịch COVID-19

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19