Vì sao trẻ không cần uống thêm canxi vẫn cao tốt? 2 “bảo bối” 0 đồng giúp trẻ mau cao nhiều bố mẹ bỏ qua

Ngày 25/02/2023 14:11 PM (GMT+7)

Hầu như ai cũng muốn và tìm cách để con cái mình có chiều cao tốt, vượt bố mẹ, nhất là những người thấp bé. Nhiều phụ huynh không tiếc tiền bạc để “thúc” canxi, mua sản phẩm tăng trưởng cho con… Liệu những cách này có cần thiết và hiệu quả? 

Bài viết dưới đây của bác sĩ Trương Hoàng Hưng - Bác sĩ nhi khoa và chuyên gia giảng dạy lâm sàng tại Đại học Texas Tech (bang Texas, Mỹ), có thể hướng dẫn bất cứ bố mẹ nào biết cách giúp phát triển tối đa chiều cao:

Chiều cao của một người là kết quả quá trình phát triển của khung xương, nhất là các xương dài và xương sống, từ lúc sinh cho tới khoảng 18 tuổi, mà giai đoạn nước rút là 12-13 tới 18 tuổi.

Chiều cao của một người phụ thuộc phần lớn vào di truyền, cha lẫn mẹ thấp thì con khó mà cao, cho nên mới có công thức dự đoán chiều cao của một người dựa trên chiều cao cha mẹ: Chiều cao của một người (cm) = chiều cao cha + chiều cao mẹ +/- 13cm rồi chia 2. Nếu là bé trai thì +13, nếu là bé gái thì -13. 

Công thức dự đoán này tất nhiên không đúng với mọi trường hợp vì nhiều khi mẹ thấp ba cao nhưng con lại được hưởng gen của ba nên cao vọt hẳn, hoặc cha mẹ thấp nhưng con có điều kiện sống tốt nên cao hơn phụ huynh rất nhiều. 

Ngoài yếu tố di truyền, phần còn lại để phát triển chiều cao là chế độ dinh dưỡng, vận động, hoàn cảnh sống, các bệnh kèm theo làm ảnh hưởng chiều cao. Đây là các yếu tố chúng ta có thể can thiệp.

Ngoài ra, chủng tộc và giới tính củng ảnh hưởng chiều cao, nhưng chúng ta sẽ không bàn trong bài này.

img alt src/upload/1-2023/images/2023-02-25/chieu-cao-1-1677283633-962-width780height585.jpg stylewidth: 780px; height: 585px; /

Dưới đây là những yếu tố bố mẹ nên quan tâm khi muốn phát huy tối đa tiềm năng phát triển chiều cao của con: 

Canxi

Nói tới chiều cao là nói tới xương, nói tới xương là nói tới canxi. Canxi là chất tạo xương, là một trong những khoáng chất quan trọng của cơ thể. 99% canxi là nằm trong xương, chỉ có 1% lang thang trong máu nên nồng độ canxi trong máu ở một thời điểm có giá trị rất ít trong việc đánh giá chất lượng và sự phát triển của xương.

Canxi trong cơ thể được điều hòa bởi vitamin D, hormone tuyến cận giáp, calcitonin. Trong đó vitamin D là yếu tố cần chú ý nhất.

Nhu cầu canxi mỗi ngày tăng dần theo tuổi, từ 200 mg lúc mới sinh cho tới 1.300 mg từ 9 tuổi trở đi.

Ngày xưa khi chúng ta còn nghèo, ăn cơm trắng chan nước tương với vài lát thịt, thì khó có thể nạp được 1.000 mg canxi mỗi ngày. Thời nay 1.000 mg canxi mỗi ngày là rất dễ dàng với một chế độ ăn đa dạng.

Canxi có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Một ly sữa ít béo có khoảng 300 mg canxi, một hũ sữa chua 240ml có gần 400 mg canxi, một phần phô mai có 300 mg canxi. Ngoài ra, canxi còn có nhiều trong các loại cá hồi, cá thu, rau củ, đậu, cà chua. Thêm vào đó, một số loại thực phẩm cũng được tăng cường canxi như nước cam, ngũ cốc, tàu hũ, sữa đậu nành… Cho nên một ngày ăn uống 1.000 mg canxi không khó.

Cũng vì lý do  này, hiện nay Hiệp Hội Nhi Khoa Mỹ (AAP) không khuyến cáo bổ sung canxi cho trẻ em, mà khuyến khích chế độ ăn đa dạng, giàu canxi vì chất này từ thức ăn dễ hấp thu hơn và có kèm theo các dưỡng chất khác cho cơ thể. Chỉ nên bổ sung cho trẻ có chế độ ăn nghèo canxi, có bệnh làm kém hấp thu hay rối loạn chuyển hóa canxi. Ngoài ra, cho trẻ ăn uống đa dạng là đủ.

Vitamin D

Vitamin D là loại vitamin hòa tan trong mỡ, rất quan trọng tới sự phát triển xương, tăng sức đề kháng của cơ thể, ngừa ung thư, làm đẹp da.

Vì sao trẻ không cần uống thêm canxi vẫn cao tốt? 2 “bảo bối” 0 đồng giúp trẻ mau cao nhiều bố mẹ bỏ qua - 2

Vitamin D chỉ đến từ thức ăn 10%, 90% còn lại được cơ thể tổng hợp ở da chúng ta dưới tác dụng của tia UVB từ ánh nắng mặt trời. Tia UVB là tia có bước sóng trung bình, chỉ chạm tới trái đất từ 10h sáng tới 3h chiều, nên “truyền thuyết” phơi nắng sớm để kiếm vitamin D ngừa còi xương là xưa rồi. Phơi nắng tập thể dục hít khí trời buổi sáng thì tốt. Phơi nắng để trị vàng da ở trẻ sơ sinh thì không có tác dụng gì, chỉ dễ gây cháy da, tăng nguy cơ ung thư da về sau.

Vitamin D có tác dụng giúp hấp thu canxi, nên uống nhiều canxi mà thiếu vitamin D cũng như không, nên cần có đủ vitamin D. Tình trạng thiếu vitamin D ngày càng nhiều vì chúng ta cũng như con trẻ ít ra ngoài phơi nắng hơn mà thường ở trong nhà chơi game, xem phim, khi đi ra ngoài thì cũng che chắn kín mít, bôi kem chống nắng, cộng với không khí ô nhiễm làm chúng ta sống trong lồng kính khói bụi.

Người có da sậm màu, sống càng xa vùng xích đạo càng dễ thiếu vitamin D hơn.

Người béo phì thì gần như chắc chắn thiếu loại vitamin này nếu không bổ sung vì mỡ  “nhốt” hết vitamin D trong cơ thể, nên khi bổ sung điều trị gì cũng phải gấp đôi người bình thường (nhớ là phải theo hướng dẫn của bác sĩ).

Vì sữa mẹ có rất ít vitamin D nên hiện nay Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hay bú sữa công thức ít hơn 1 lít/ngày cho tới ít nhất 1 tuổi. 

Sau 1 tuổi thì tùy theo điều kiện sống, sinh hoạt mà xem xét bổ sung, nhu cầu 600IU một ngày, người béo phì thì nhiều hơn. Người có bệnh gan, thận, tụy, kém hấp thu mỡ thì phải bổ sung đặc biệt nhiều hơn dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Tôi thì mùa hè không bổ sung vì phơi nắng nhiều ngoài vườn, ngoài hồ, còn mùa thu, đông thì bổ sung 5.000 IU/tuần cho tiện, thỉnh thoảng thì một viên vitamin tổng hợp.

Phơi nắng quá nhiều cũng không tạo thêm vitamin D vì cơ thể đã bão hòa, khi uống cũng chỉ nên bổ sung theo nhu cầu vì có uống nhiều thêm cũng không làm cơ thể tốt hơn mà chỉ gây hại thận.

Vitamin D có ngưỡng độc cao nên dùng liều bổ sung rất an toàn, chỉ có các bạn uống liều cao kéo dài thì mới có nguy cơ ngộ độc.

Ở trẻ em thì thường khuyến cáo dùng liều bổ sung hàng ngày thôi để an toàn, nếu muốn an toàn hơn nữa thì thỉnh thoảng dùng vitamin D (mỗi 6 tháng - một năm), nếu thỉnh thoảng quên một vài ngày không sao, vì đó là bổ sung chứ không phải trị bệnh.

Vitamin K2

Vitamin K2 có tác dụng thúc đẩy quá trình tạo xương nên được quảng cáo rầm rộ trong các sản phẩm thúc đẩy chiều cao. Tuy nhiên có một thực tế là khả năng chúng ta thiếu vitamin K2 là vô cùng hiếm hoi, gần như không thể xảy ra trên một người bình thường vì loại vitamin này có rất nhiều trong thức ăn và còn được tạo ra từ vi khuẩn thường trú trong ruột từ sau 6 tháng tuổi trở đi khi trẻ bắt đầu ăn dặm.

Nếu chúng ta thực sự thiếu vitamin K2 thì đã chảy máu mà chết trước khi thấp lùn rồi.

Nhóm tuổi duy nhất thiếu vitamin K là trẻ sơ sinh vì loại vitamin này dự trữ từ mẹ rất ít, làm trẻ có nguy cơ xuất huyết não trong mấy tháng đầu đời, cho nên trẻ vừa chào đời sẽ được chích một mũi vitamin K 1mg đủ dùng tới 6 tháng.

Những trẻ có bệnh gan, thận, tụy, rối loạn hấp thu mỡ cũng có thể thiếu K. Ngoài ra,  uống vitamin K chỉ tốn tiền mà thôi.

Như vậy vitamin D và canxi là nguyên liệu tạo xương cũng như muốn xây nhà lầu thì phải có xi măng, gạch, thép, giờ còn thiếu thợ xây. Vậy thợ xây xịn là ai?

Giấc ngủ và hormone tăng trưởng

Trong cơ thể có một loại hormone được tiết ra từ tuyến yên trong não gọi là hormone tăng trưởng (HGH hay human growth hormone). Nghe tên là biết mặt, HGH giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa và tạo xương trong cơ thể giúp chúng ta cao hơn.

Vì sao trẻ không cần uống thêm canxi vẫn cao tốt? 2 “bảo bối” 0 đồng giúp trẻ mau cao nhiều bố mẹ bỏ qua - 3

HGH không tiết ra suốt ngày đêm mà tiết ra từng đợt (pulse). HGH được tiết ra nhiều khi chúng ta ngủ, nhiều nhất là từ đầu hôm tới nửa đêm (9h đêm tới 1h sáng), ít hơn lúc gần sáng. Cho nên giấc ngủ cực kỳ quan trọng trong sự phát triển thể chất, chiều cao và cả não bộ của trẻ.

Nhu cầu giấc ngủ rất cao ở trẻ sơ sinh (14-17 giờ/ngày) và giảm dần cho tới người trưởng thành là 8 giờ/ngày. 

Trẻ nên được đi ngủ sớm, ngủ đủ để bảo đảm sự phát triển lành mạnh về chiều cao và não bộ, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch (không ngủ 3 đêm là dễ sinh bệnh). Chúng ta hay nghe nói trẻ con dậy thì là đang tuổi ăn tuổi ngủ là có lý do.

Những trẻ có rối loạn giấc ngủ, điển hình là trẻ tăng động giảm chú ý loại nặng (ADHD) thường có chiều cao thấp hơn bình thường. Ngoài ra HGH còn được tiết ra nhiều hơn khi trẻ vận động thể chất, nên vận động rất tốt.

Chúng ta có nên bổ sung HGH để trẻ cao hơn không?

Cũng như các thứ khác, chúng ta chỉ bổ sung HGH khi trẻ có tình trạng giảm HGH vì bệnh lý tuyến yên hay các lý do khác. Nếu không thiếu mà bổ sung cũng không có tác dụng gì. Cho nên việc này phải qua đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa về chiều cao, hormone HGH, tuổi xương, nội tiết tố…

HGH hiện nay chỉ có đường chích dưới da. Các loại đường uống được quảng cáo là HGH thực ra không phải là HGH, đa phần chỉ là các loại thực phẩm chức năng được cho là có các hoạt chất kích thích tiết HGH. Các loại protein có tác dụng kích thích tuyến yên tạo GH (GHS: Growth Hormone Secretagogues) hay được sử dụng bởi các vận động viên như là một loại GH doping hiện không được cho phép dùng cho trẻ em và vẫn còn trong vòng nghiên cứu về hiệu quả và tính an toàn.

Tóm lại, trẻ ngủ sớm và ngủ đủ, vận động thường xuyên là đủ HGH.

Vận động thể lực

Vận động thể lực thường xuyên có tác dụng to lớn tới sự phát triển cơ thể khi còn là trẻ nhỏ và tới sức khỏe khi chúng ta trưởng thành.

Tập thể dục thường xuyên giúp trẻ em có bộ khung xương vững chắc. Quá trình chịu tải kích thích quá trình tạo xương, làm xương dài thêm, tăng mật độ canxi trong xương làm xương chắc thêm. Các nghiên cứu trên trẻ em đều cho thấy, vận động thường xuyên làm tăng mật độ và chiều dài xương, đặc biệt các hình thức chạy nhảy nhiều.

Người lớn xương không dài nữa nhưng vận động thường xuyên khiến cơ xương vững chắc, ngừa loãng xương, tăng cường hệ miễn dịch, có tác dụng thải độc qua mồ hôi, tác dụng ngừa ung thư qua làm giảm sự suy thoái của bộ gene. Sức khỏe tốt thì tinh thần mới minh mẫn, cơ thể sung mãn. 

Nói chung, để con cái cao hơn bố mẹ, chúng ta phải cho trẻ ăn uống đa dạng để có đủ canxi, cẩn trọng khi dùng vitamin D, ngủ sớm và ngủ đủ, vận động thường xuyên. Đơn giản vậy thôi, đừng khiến nuôi con trở thành một áp lực khiến bạn mệt mỏi. Nuôi con là phải vui!

6 cách giúp trẻ tăng chiều cao tối đa bố mẹ nào cũng làm được mà không cần tốn núi tiền
Mặc dầu nhiều trẻ ngày nay đã cao hơn hẳn thế hệ cha mẹ mình trước kia (khi cùng độ tuổi) nhưng vẫn có những phụ huynh phiền lòng vì con thấp hơn bạn...

Phát triển chiều cao cho trẻ

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe xương khớp