Sau 18 năm chạy chữa, vợ chồng anh Nguyễn Quý Tới (41 tuổi) và chị Đỗ Trần Hằng Nga (40 tuổi) ở TP Tuyên Quang hạnh phúc đón nhận hai thiên thần bé nhỏ nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Vợ chồng suýt li hôn vì không có con
Gặp vợ chồng anh Nguyễn Quý Tới (41 tuổi) và chị Đỗ Trần Hằng Nga (40 tuổi) ở TP Tuyên Quang tại Ngày hội tư vấn vô sinh, hiếm muộn 2019 do Bệnh viện Bưu điện tổ chức ngày 2/8, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hạnh phúc của anh chị bên hai công chúa nhỏ. Vợ chồng anh Tới là một trong những gia đình may mắn sau nhiều năm chạy chữa vô sinh giờ đã có con.
Anh Tới kể, vợ chồng anh yêu nhau từ ngày còn học phổ thông. Một hai năm sau ngày cưới, đôi bên gia đình không thấy anh chị chưa có tin vui vẫn nghĩ là vợ chồng anh đang kế hoạch. Bốn năm sau vợ anh vẫn không có dấu hiệu của việc làm mẹ, anh đã cùng vợ đi khám nhiều nơi, uống rất nhiều loại thuốc cả Đông y lẫn Tây Y. Tốn kém, mệt mỏi vô cùng nhưng mãi niềm mong muốn được nghe tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ không đến với anh chị.
"Năm 2004, hai vợ chồng đưa nhau xuống bệnh viện ở Hà Nội khám, bác sĩ cho biết tôi không thể có con vì bị tắc ống dẫn tinh, không có tinh trùng. Kết quả đó khiến vợ chồng tôi suy sụp.
Mọi người có tư vấn đi xin tinh trùng hay cũng có người bảo đi xin con nuôi nhưng tôi không thể chấp nhận được điều đó. Lúc đó tôi chẳng tha thiết gì, không muốn đi làm nữa vì nghĩ mình đi làm sau không có ai hưởng thì làm làm gì. Sáu năm không chạy chữa, đến năm 2010 khi biết có kĩ thuật chọc hút tinh trùng từ mao tinh hoàn, tôi đã đi kiểm tra với hi vọng mình có thể chữa trị tiếp. Năm 2011, bác sĩ nói kết quả tốt, vợ chồng tôi lại tiếp tục hành trình đi "tìm con. Nhưng hai lần đặt chuyển phôi vẫn không có, vợ chồng tôi lại rơi vào tuyệt vọng", anh Tới nhớ lại.
Sau đó, nghe người mách một bác sĩ ở tận Thanh Hóa chữa vô sinh rất mát tay, anh chị tìm đến song kết quả cũng không như ý. Cứ như vậy, suốt bao năm, vợ chồng anh đổ tiền của cho bao lần đi chữa trị song ước nguyện vẫn không thành.
Khi không có con, vợ chồng anh Tới không chỉ đối diện với những khó khăn vất vả về thời gian, kinh tế mà còn chịu nhiều áp lực lớn từ gia đình, dư luận. Được sự động viên, thông cảm và chia sẻ còn đỡ, những ai không hiểu hoặc ác miệng đùa trêu khiến vợ chồng anh thêm căng thẳng, lo âu.
Có những lúc vợ chồng anh tưởng chừng "đường ai nấy đi". Anh đã muốn "giải thoát" cho vợ đi lấy người khác để có con vì nghĩ mình không mang lại hạnh phúc cho vợ.
Anh Tới chia sẻ: "Thời điểm đó là vào năm 2009. Tôi đã nói với vợ rằng "Người vô sinh là anh. Ở với anh tương lai không có, con cái lại không cuộc sống như vậy sẽ rất vô vị. Người phụ nữ không có con, người ngoài nhìn vào lời ra tiếng vào sẽ khổ nên em có thể ra đi. Nhưng vợ tôi nhất định không chịu đi. Cũng may ngày đó cô ấy không bỏ tôi nếu không giờ tôi chẳng được hạnh phúc vậy".
Vợ chồng cùng hai con anh Tới tại ngày hội tư vấn vô sinh, hiếm muộn 2019. Ảnh: PT
Hạnh phúc vỡ òa sau 18 năm chờ đợi
Sau nhiều năm chạy chữa đủ nơi không mà không có kết quả, năm 2017 vợ chồng anh Tới đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện). Nghĩ lần này nếu không thành công thì anh chị cũng sẽ dừng hành trình tìm kiếm hạnh phúc được làm cha làm mẹ. Nhưng ngay lần đầu thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại đây, anh chị đã vỡ òa hạnh phúc vì may mắn thành công ngay từ lần đầu chuyển phôi.
Mong con, lo lắng cho sức khỏe của vợ, anh Tới theo sát vợ mỗi ngày. Nhớ lại thời điểm bác sĩ thông báo vợ anh có thai mà lại là thai đôi, anh Tới không khỏi xúc động. Anh Tới bảo, khi đó anh đã khóc òa như một đứa trẻ. Vợ thấy vậy cũng khóc theo và hỏi "lại hỏng à anh". Tôi lắc đầu: "Chúng mình đã thành công" rồi vợ chồng lại ôm nhau khóc. Từ giây phút đấy anh mới biết cảm giác thế nào là hạnh phúc rồi hạnh phúc cứ hiển hiện hàng ngày, hàng giờ khi hai bé chào đời.
Ngày chào đời, bé Nguyễn Ngọc Anh nặng 2,4kg và bé Nguyễn Ánh Dương nặng 2,7kg. Anh Tới bảo anh đặt tên hai con như vậy vì khi có con mới thấy cuộc sống này có ý nghĩa. Hiện tại hai bé được 18 tháng.
"Có con thật sự sướng lắm. Ngày trước đi làm về buồn lắm, giờ về có con tôi chẳng muốn đi đâu chơi. Để gần vợ con, tôi cũng chuyển về làm việc ở gần nhà, chứ trước tôi vẫn đi làm xây dựng ở Hà Giang, Lai Châu", anh Tới vui mừng nói.
Cũng theo anh Tới, cùng đợt điều trị với vợ anh có rất nhiều bệnh nhân đã thành công, trong đó có những trường hợp hiếm muộn nhiều thời gian hơn anh. Thỉnh thoảng, mọi người vẫn liên lạc với nhau.