Nếu vẫn còn xấu hổ trước những lời nói của bác sĩ và không làm theo thì chắc... chưa đẻ được.
Trải nghiệm xấu hổ nhất của các mẹ bầu khi sinh con chắc chắn là trần truồng trước mặt bác sĩ. Vùng kín vốn luôn giữ kín đáo, riêng tư bao lâu cuối cùng lại phải lộ hết và phó mặc cho các bác sĩ thăm khám, làm các vấn đề chuyên môn. Nếu gặp ekip đỡ đẻ là nữ, mẹ bầu chắc sẽ cảm thấy đỡ ngại hơn, nhưng nếu ngược lại là nam thì ngại ngùng tăng lên gấp bội phần.
Nhiều mẹ còn đùa rằng: “Sau khi đẻ xong thì đứt luôn dây thần kinh xấu hổ”. Nhưng thực tế nếu vẫn còn xấu hổ trước những lời nói của bác sĩ khi nằm trên bàn đẻ và không thực hiện theo thì chắc chắn là… chưa thể đẻ được.
Vậy nên các mẹ cần phải thả lỏng, bớt những căng thẳng không cần thiết để có một ca vượt cạn thoải mái, nhanh chóng trôi qua. Dưới đây là 3 lời nói giống như những hiệu lệnh của các bác sĩ khiến mẹ bầu có thể sẽ phải đỏ mặt, nhưng hãy cần biết trước:
#1. Cạo lông vùng kín
Khi bác sĩ nói: “Chuẩn bị cạo lông vùng kín nhé!”, nhiều mẹ sinh con lần đầu chắc chắn sẽ bỡ ngỡ và cảm thấy xấu hổ. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ giải thích và trấn an để sản phụ hiểu vấn đề và cảm thấy thoải mái hơn.
Theo đó, việc cạo lông vùng kín sẽ loại bỏ những vi khuẩn có thể ẩn nấp trong vùng tam giác nhạy cảm của mẹ bầu, tạo điều kiện cho công đoạn rạch, khâu tầng sinh môn được dễ dàng hơn và tránh gây viêm nhiễm sau sinh.
#2. Rạch tầng sinh môn
Trong quá trình chuyển dạ sinh thường, khi cơn co lên đến đỉnh điểm nhưng nếu đường âm đạo quá nhỏ, bác sĩ sẽ giúp mẹ rạch một đường nhỏ. Việc này giúp em bé có thể dễ dàng chui ra ngoài hơn.
Nhưng nhiều mẹ khi nghe đến việc rạch/cắt tầng sinh môn thì sẽ có phần lo lắng, xấu hổ. Tuy nhiên vì đường cắt nhỏ được rạch từ đáy âm đạo và thường hơi chếch sang một bên (hướng 4 hoặc 8 giờ) nên nhiều bác sĩ gọi là rạch một bên.
Vậy nên khi đang ở trên bàn đẻ, các mẹ hãy thả lỏng để tập trung vào việc sinh con chứ đừng quá căng thẳng hay cảm thấy xấu hổ. Các bác sĩ luôn biết cần phải làm gì.
#3. Mở được 10 ngón chưa?
Khi nằm trên bàn đẻ và nghe bác sĩ thông báo sẽ kiểm tra xem mở được 10 ngón tay chưa, chắc chắn các sản phụ sẽ cảm thấy lo lắng xen lẫn xấu hổ. Đó là việc bác sĩ cho tay vào âm đạo để kiểm tra độ mở. Tuy nhiên với các bà mẹ sinh thường, ai cũng đều phải trải qua công đoạn “đỏ mặt” này. Hãy hợp tác nếu muốn vượt cạn nhanh chóng và đơn giản.
Cũng đừng quên là muốn sinh nở thuận lợi, cửa mình phải mở đủ 10 đầu ngón tay, tương đương 10cm. Để mở đạt đủ kích thước này, các bác sĩ thường sẽ phải kiểm tra nhiều lần. Mẹ bầu vì vậy hãy chuẩn bị tinh thần trước.
Vậy trước khi sinh con, mẹ bầu nên làm gì?
Thứ nhất, hãy chuẩn bị về mặt tâm lý. Mặc dù quá trình sinh nở biết trước là sẽ rất đau đớn, nhưng mẹ bầu đừng quá căng thẳng, sợ hãi và gây ảnh hưởng không tốt đến thời khắc con yêu chào đời. Những cơn đau đến mấy rồi cũng sẽ qua, điều quan trọng nhất đó là tin tưởng bản thân hoàn toàn có thể vượt qua được.
Thứ hai, duy trì đủ thể lực và năng lượng. Quá trình vượt cạn đòi hỏi rất nhiều sức lực và năng lượng của sản phụ, thường diễn ra rất lâu. Nên để tránh tình trạng kiệt sức trên bàn đẻ hay những trường hợp không còn sức để rặn và phải chuyển qua đẻ mổ, mẹ bầu hãy chuẩn bị cho mình nền tảng sức khỏe tốt nhất. Ăn ngủ và dinh dưỡng hợp lý là yếu tố cần đặt lên hàng đầu với mẹ bầu những ngày gần cán đích.
Thứ ba, tìm hiểu trước các kiến thức liên quan. Giống như trước khi làm bất kỳ việc gì đều phải tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng thì mới suôn sẻ, không bỡ ngỡ thì việc vượt cạn sinh con cũng vậy. Vốn có rất nhiều kiến thức và chia sẻ từ các chuyên gia hay các mẹ đã sinh con. Hãy tìm hiểu trước, chắt lọc thông tin từ những nguồn uy tín để tâm trạng mẹ ổn định. Nhờ vậy, mẹ cũng giảm bớt được nhiều hồi hộp, lo lắng để bước lên bàn đẻ.