“Nhiều lúc tôi bảo khó có con vậy thì anh đi lấy người khác đi, nhưng chồng bảo không, anh chỉ có một vợ chứ không có hai…”, chị Mai Tho nói.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vũ Văn Châu (sinh năm 1972) và chị Mai Thị Tho (sinh năm 1975) ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vào một buổi chiều cuối năm. Không khó để hỏi thăm nhà anh chị, bởi người dân trong xã ai cũng biết về hành trình “đi tìm con” đầy gian nan của hai vợ chồng vừa hiền lành lại tốt bụng. Một người bà con nói: “Hai vợ chồng nhà đấy kiên trì chữa trị lắm, năm nay có con rồi thì tha hồ mà ăn Tết to…”
Tết này là Tết "đoàn viên" đầu tiên đối với gia đình anh chị.
Quả đúng như vậy, tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, ôm đứa con nhỏ trong tay, anh Châu vui vẻ gọi vợ ra tiếp khách. Chị Tho hạnh phúc nói: “Năm nay gia đình tôi đón Tết vui hơn nhiều vì có thêm thành viên mới”, người chồng bên cạnh thêm vào: “Hạnh phúc quá, vui quá nên giờ nói gì cũng không chuẩn nữa…” rồi quay sang nhìn vợ cười âu yếm.
Nhìn hai vợ chồng ở cái tuổi ngoài tứ tuần hạnh phúc bên đứa con 3 tháng tuổi, ít ai biết được rằng để có được niềm hạnh phúc ấy, hành trình mà anh chị đi không chỉ đo bằng thời gian mà còn đếm bằng những giọt nước mắt trăn trở mỗi đêm của chị và cả những giọt mồ hôi lăn dài suốt gần nửa cuộc đời của anh.
Hành trình 21 năm dài đằng đẵng, bao nỗi lo âu thấp thỏm, từ những tiếng thở dài lặng lẽ đến những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc. Tất cả như một cuốn phim quay thật chậm trở về với ký ức của người con gái ở lứa tuổi đôi mươi. Ở độ tuổi ấy, tạm gác bỏ lại ước mơ, hoài bão, chị Tho cùng chồng xây dựng mái ấm gia đình (năm 1996) với một ước muốn duy nhất đó là có một hạnh phúc trọn vẹn như bao gia đình khác. Vốn là người yêu quý trẻ con, hàng ngày nhìn mấy đứa nhỏ trong xóm vui đùa ríu rít, niềm khát khao làm mẹ trong chị trỗi dậy ngày một lớn. Nhưng rồi… một năm, hai năm, đến ba năm mà tin vui vẫn chưa đến với gia đình chị.
Chị Tho lấy chồng ở độ tuổi đôi mươi.
“Mong mãi mụn con mà chưa có, năm 1999 hai vợ chồng đi khám ở viện C, bác sĩ bảo không có vấn đề gì, cũng chuyển phôi một lần nhưng không thành công. Lúc đó cũng hy vọng về rồi sẽ có, nhưng 3 năm sau nữa vẫn chưa có con, lại đi khám. Ba lần đều đi khám viện C, bác sĩ bảo cả hai vợ chồng đều bình thường. Sau đó, mình với chồng về Nam Định khám 2 lần cũng không rõ nguyên nhân”, chị Tho ngậm ngùi nhớ lại
Nét mặt của người phụ nữ bỗng trầm xuống khi nhắc đến khoảng thời gian đó. Chị cho biết, lúc đó lo lắng lắm, nên bắt đầu tìm chữa thuốc nam, ai mách đâu chữa đấy, chữa từ Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, rồi rong ruổi khắp 7 huyện, thành phố ở Cao Bằng.
“Ai cũng bảo mình kiên trì vậy, kiểu người ta cũng quý mình, thương mình nên là cứ mách địa chỉ, ai mách đâu thì đến chữa đấy. Tất nhiên họ phải biết là địa chỉ tốt, nhiều người chữa họ mới mách mình, nhưng mà thực ra đi gặp thầy lang phải gặp thầy gặp thuốc. Mình không chữa được là do duyên số mình hay là ông trời chưa cho mình chứ mình cũng chẳng trách ai. Chữa không được không trách một thầy nào mà cũng không bao giờ chữa lưng chừng, họ bảo uống như nào là theo từ đầu đến cuối hết”, chị Tho chia sẻ.
Suốt quãng thời gian ấy, năm nào hai vợ chồng chị Tho cũng đi chữa. Anh Châu bảo: “Lắm lúc cứ tự mình động viên mình cố gắng lên chứ không nghĩ một cái gì khác. Bên ngoài thì người ta cũng muốn là mình có nhưng mà kiểu lâu quá, cũng nhiều người nói nọ kia, đi ăn cơm, ăn quán hội nó cứ nói ảnh hưởng đến mình, mình cứ coi như điếc, bỏ ngoài tai hết, thì nó mới đỡ, chứ mình càng để ý đến càng suy nghĩ ra.”
Chị Tho bên cạnh nói thêm: “Nhiều lúc mình cũng bảo là anh đi với người khác được anh cứ đi, nhưng anh bảo không, anh chỉ có một vợ, cứ nhất quyết là không đi”
“Chữa hết tiền lại đi làm có tiền lại tiếp tục chữa, thiếu thì vay mượn về chữa con bằng được, chứ không bao giờ nghĩ bỏ vợ cả, nếu mà nghĩ vậy thì bỏ lâu rồi. Lúc nào cũng nghĩ thôi thì cứ cố gắng, lắm lúc cãi nhau, bực quá thì cứ cười xòa cho xong, mình chỉ nghĩ mình là người chồng mình cứ cười lên cái là vợ tức là cũng thôi”, anh Châu vui vẻ chia sẻ.
Nói chung là lập trường vững vàng, hai vợ chồng cứ bảo là cứ chữa, nếu mà trời không cho thì hai vợ chồng ở với nhau chứ không bao giờ nghĩ bỏ nhau cho dù người ngoài có nghĩ thế nào”, chị Tho nói
Thế đấy, suốt cuộc trò chuyện, họ không ngại ngần trao cho nhau những cái nhìn âu yếm. Thỉnh thoảng, chị Tho đưa tay gạt vội đi những giọt nước mắt, anh Châu thì không giấu nổi niềm hạnh phúc qua từng ánh mắt, cử chỉ. Đó là cách họ thể hiện tình yêu đối với người bạn đồng hành của mình trong suốt cuộc hành trình gian nan, vất vả suốt hai mấy năm trời, và cả một chặng đường dài phía trước.
Nhìn cảnh hai vợ chồng hiền lành, cặm cụi đi làm chỉ để lấy tiền “chữa con”, khiến họ hàng, bà con lối xóm không khỏi chạnh lòng. Thấy anh chị chữa trị lâu, người ta bảo nên nhận người ngoài làm con nuôi để đứng số, nhưng anh Châu nhất định không nhận vì anh sợ nuôi người ngoài nhỡ con không ngoan:
“Lúc nào cũng chỉ nghĩ chữa bằng được, vợ mình bảo nuôi con nuôi nhưng mình không đồng ý, sau đó nhận đứa cháu làm con nuôi”, anh Châu kể.
Lúc nào anh chị cũng chỉ tâm niệm một điều là chạy chữa cho bằng được, hết đông nam, lại chuyển sang tây y. Cứ thế hành trình cứ dài thêm mà ước mơ vẫn còn ở phía trước. Tháng 6/2016 sau khi chạy đôn chạy đáo khắp nơi mà không thành công, anh chị định khăn gói vào Nam tiếp tục chữa trị thì được người quen giới thiệu đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Thế là hai vợ chồng gói ghém rồi vay mượn thêm với quyết tâm quay lại Hà Nội chữa. Lần đầu chuyển phôi tươi không thành công. Lần thứ hai thành công, nhưng tia hy vọng lóe lên thì bất chợt lại vụt tắt:
“Cũng xác định mình khó khăn rồi, năm 2009 mình làm nhưng không được, năm 2016 mới được cũng mừng lắm, nhưng mà tự nhiên đến lúc lại không được, lúc ý bác sĩ bảo không cần người nhà, uống thuốc cho ra, lúc ý đau khủng khiếp, mình còn nghĩ ước có thuốc ngủ để đi luôn không cần nữa, đau khủng khiếp luôn, không có ai bên cạnh…” giọng chị Tho lạc đi, nghẹn lại khi nhớ lại ký ức kinh hoàng đó.
Đau “tưởng chết” nhưng chị Tho vẫn không từ bỏ dù có là niềm hy vọng cuối cùng. Chị tiếp tục làm lần 3 tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội: “Mình nghĩ đã được một lần rồi thì lần này cũng hy vọng, sẽ dễ dàng hơn. Mình ở viện từ 1/3/2017 trước đấy đã đến trước 5 ngày để lấy sức khỏe vì say xe, áp lực lắm… "
Ở viện Nam học đến khi thai nhi được 19 tuần, chị Tho chuyển sang viện Thanh Nhàn và ở đó cho đủ tháng để mổ. Hơn 9 tháng trời sinh hoạt tại bệnh viện một mình, vì chồng còn phải tiếp tục kiếm tiền lo cho tương lai của hai mẹ con. Lúc đó chỉ cần nghĩ đến đứa con trong bụng là anh chị như quên hết mọi mệt mỏi, mà mỗi ngày chỉ biết cố gắng hơn nữa.
Con cất tiếng khóc chào đời vào ngày 8/11/2017, niềm hạnh phúc đã thực sự vỡ òa: “Nói thật lúc nhìn thấy con rồi mới tin là mình thực sự có con, mừng lắm, mọi chuyện nó tan biến hết, đúng là hạnh phúc vỡ òa chả có nghĩ gì hết cả, mất nhiều tiền nhưng không tiếc, mình sẽ làm được, mình sẽ trả được”, chị Tho vui mừng chia sẻ.
Con là cả niềm mơ ước, hy vọng của gia đình.
Anh Châu hạnh phúc bên cô công chúa nhỏ.
“Khi đón con lúc đấy cảm xúc hạnh phúc, nhìn con chỉ nghĩ về con và bế con thôi. Nói chung lúc đấy làm gì cũng không biết mệt, tư tưởng thoải mái, thoải mái quá mới thành thế này, kiểu làm cố để lấy tiền ý”, anh Châu vừa cười vừa chìa cái tay đau còn đang phải cố định bằng nẹp ra để chứng minh.
Anh chị đặt tên con là Vũ Mai Ước, con mang cả họ bố, họ mẹ và cả một niềm ước mơ, hy vọng của bậc sinh thành. Con đã mang đến hạnh phúc cho vợ chồng anh chị và cho gia đình cả hai bên. Ông ngoại bé Ước vừa ôm cháu trong tay, không giấu nổi những giọt nước mắt, bởi hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ:
“Hơn hai chục năm rồi tôi cứ suy nghĩ, đến bây giờ là bốn lần mới được cháu đây, mừng thì cũng khóc mà nghĩ thì cũng chảy nước mắt, chỉ âm thầm nghĩ cho con thôi”, ông Mai Văn Công xúc động nói.
Ông Công cùng cháu ngoại.
Con là cả khoảng trời mơ ước suốt thời thanh xuân của chị Tho.
Chia sẻ về quá trình đi “tìm con” của mình, chị Tho nói: “Quan trọng là phải quyết tâm, kiên trì còn tiền chỉ là một phần. Mình cảm thấy gian nan vất vả lắm, nhưng không nản, bằng mọi giá, tốn bao nhiêu tiền cũng quyết tâm chữa bằng được. Thực ra mà nói hai vợ chồng làm không nhiều tiền như người ta, thiếu thì vay mượn, bây giờ lại vay thêm nữa rồi nhưng mà không vấn đề gì, mình thấy bình thường, sẽ trả được, có con là vui rồi. Con mà không có thì phấn đấu nó không có mục đích. Có con thì mình sau này có gì để dành cho con, con là của để dành”.
Cành đào khoe sắc thắm báo hiệu mùa xuân sang, còn đối với gia đình chị Tho thì con đã là mùa xuân, là cả khoảng trời mơ ước suốt thời thanh xuân của chị. Những nhọc nhằn, vất vả đã lùi lại phía sau, mùa xuân của cuộc đời anh chị giờ đây mới thực sự bắt đầu…