38 tuổi lấy chồng, nuôi 3 đứa con nhưng 46 tuổi chị Dung mới có cảm giác vỡ òa sung sướng khi đón con yêu chào đời.
Ấn tượng đầu tiên chị Nguyễn Thị Hồng Dung để lại là người phụ nữ đã gần bước sang tuổi ngũ tuần, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi những cũng không giấu nổi những vết chân chim hằn rõ trên khóe mắt. Gần 25 năm là cô giáo mầm non, tiếng cười trẻ thơ luôn là niềm vui đối với chị nhưng mãi đến tuổi 46, chị mới thực sự trở thành một người mẹ.
Là một cô giáo mầm non, chị Dung chăm sóc các con bằng cả tình yêu và nhiệt huyết suốt thời thanh xuân của mình. Để rồi, thời gian cứ vùn vụt trôi, chị dường như “quên” luôn cả việc tìm cho mình một bờ vai để tựa, một mái ấm gia đình khi trở về nhà.
Cứ thế, có những lúc chị chuyển công tác đến tận một tỉnh xa xôi phía Bắc, rồi trở về dừng chân tại Trường mầm non Thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội. Chị chia sẻ cuộc đời chị nhiều thăng trầm và mãi đến năm 38 tuổi chị mới quyết định xây dựng mái ấm cho riêng mình.
Bé Hoàng Thanh Dương hiện đã được 2 tuổi.
Từ đó, chị “nghiễm nhiên” trở thành mẹ của 3 đứa con của chồng. Không như những câu chuyện "dì ghẻ con chồng" người ta vẫn đồn thổi, chị nhanh chóng trở thành nơi trút bầu tâm sự của bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Chị đối xử với các con bằng cả tấm lòng và cũng nhận lại được tình yêu thương xứng đáng từ những đứa trẻ "không máu mủ". Vậy nhưng là người phụ nữ, chị đương nhiên được một lần thực sự mang thai, sinh đứa con của mình. "Có người phụ nữ nào khi lấy chồng lại không mong mỏi có được mụn con do chính mình "mang nặng đẻ đau", chị tâm sự.
Suốt buổi trò chuyện, chị Dung luôn miệng khen chồng tốt, tuyệt vời vì luôn ở bên ủng hộ, động viên chị.
“Lúc chị bất lực nhất muốn buông xuôi thì chồng lại động viên, mặc dù anh đã có 3 con đủ nếp tẻ. Như người ta thì có khi kệ, nhưng mà anh cũng đặt mình vào vị trí của chị nên hiểu. Đó là động lực lớn nhất để chị vững vàng trên con đường tìm con của mình. Cả 3 đứa trẻ nữa, chị coi chúng nó vừa là con, vừa như những người bạn, nên chúng nó quý và cũng luôn động viên mình”.
Ngày ấy, biết tuổi đã không còn trẻ, lấy chồng mà lại chưa có con ngay, chị Dung cũng sốt ruột tìm đến các thầy lang để bốc thuốc uống. Theo đông y 2-3 năm, điều trị nội tiết không bình thường mà vẫn chưa hiệu quả, chị quyết định ra một Bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội điều trị năm 42 tuổi.
“Bác sĩ kết luận bị tắc hai vòi trứng. Thêm vài năm điều trị, ăn chực nằm chờ, vẫn chưa thấy có kết quả. Lúc đó chị chán lắm rồi, nhưng chồng lúc nào động viên nên là cứ theo. Chữa mãi mà vẫn chưa được, cuối cùng bác sĩ mới quyết định cấy. Nhưng làm thủ tục gần 6 tháng mới hoàn thiện hồ sơ. Có những xét nghiệm mấy ngày mới lấy được, cứ đi đi về về như vậy.” - Chị Dung nói
Bệnh viện cho biết chị đã nhiều tuổi nên có khi cũng phải chờ đến 6 tháng mới được làm. Chị chia sẻ “Lúc đó còn biết làm sao nữa, cứ chờ gọi thì đi làm, nhưng anh nhà chị sốt ruột sợ chờ lâu thì tuổi lại càng cao, nên đã tính đến chuyện nhờ người đến gặp giám đốc để xin được làm sớm.
Nhưng chờ được khoảng 2 tháng thì có người quen giới thiệu sang Bệnh viện Bưu Điện. Sang đây có lẽ cũng là cái duyên với Bệnh viện và cái duyên với bác sĩ Nhã.”
Chạy chữa nhiều nơi, nhưng có lẽ chị Dung có duyên với Bệnh viện bưu điện và với bác sĩ Nhã. (Vợ chồng chị Dung và con - ngoài cùng bên phải ảnh)
Chị Dung kể, lần đầu tiên sang Bệnh viện, người quen giới thiệu cho một bác sĩ sản khoa: “Khi vào khám bác sĩ kiểm tra bảo tuổi này rồi mà trứng của chị vẫn tốt lắm, vẫn 10 nang trứng mà trứng vẫn đều lắm. Lúc đó thật sự rất mừng.
Nhưng có lẽ tâm lý cũng bị ảnh hưởng, tháng sau đi kiểm tra lại còn có 1 nang, tháng sau nữa có 2 nang. Bác sĩ đã nói phải chuẩn bị tinh thần đi xin trứng. Nhưng nhà có 2 cô em gái thì cũng đều gần 40 tuổi rồi, mà xin trứng người ngoài thì chị không thích.
Bác sĩ cũng cứ động viên và dẫn sang gặp bác sĩ Nhã. Sang chị Nhã nhận, rồi khám và cho dùng thuốc kích trứng liều cao nhất. Thuốc này rất hiếm, cũng gian nan lắm”.
Khó khăn là vậy, nhưng chị Dung lại may mắn hơn nhiều bà mẹ hiếm muộn khác khi làm IVF lần đầu tiên đã thành công. Chị tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình mang thai, để đảm bảo an toàn nhất cho con. Khi đón đứa con gái bé bỏng trên tay, cảm xúc của chị như vỡ òa. Cuối cùng, sau bao khó khăn, vất vả, chị cũng thực sự được trở thành một người mẹ.
Chị cho biết, bé Hoàng Thanh Dương hiện đã được hơn 2 tuổi. Từ khi có con, cuộc sống gia đình của chị Dung đầm ấm hơn rất nhiều, chỉ có điều chị phải sắp xếp thời gian hợp lý để vừa chăm sóc bé, lo lắng cho 3 đứa con lớn, rồi còn đảm bảo công việc ở trường.
“Việc nào đi việc nấy, tự mình phải sắp xếp, chứ khó khăn nhiều chứ, công việc của chị thường là làm 10 tiếng, có những hôm lên 11 tiếng nên cũng phải nhờ đến bà ngoại trông nom con giúp nữa. Có con khiến cuộc sống của chị thay đổi nhiều hơn, có động lực vào cuộc sống, chỉ mong có nhiều sức khỏe để lo lắng cho con những năm tháng sau này”, chị Dung bộc bạch.
Vất vả, lo toan là vậy nhưng dường như chị không mệt mỏi, lúc nào cũng cười, cũng lạc quan. Và ánh mắt chị luôn toát lên niềm hạnh phúc vô bờ.
Mời quý độc giả đón đọc kì tiếp theo của loạt bài NHỮNG CÂU CHUYỆN "TÌM CON" CẢM ĐỘNG với chia sẻ của chị Phạm Thị Tuấn (Hải Phòng) về hành trình 8 năm tìm con "cạn khô nước mắt" vào 13h00 thứ 4, ngày 11/4 trên chuyên mục Bà Bầu.