Ăn trứng vịt lộn đẻ con chân dài

Ngày 13/04/2013 17:00 PM (GMT+7)

Trứng vịt lộn có rất nhiều dưỡng chất tốt cho mẹ bầu và thai kỳ.

Khi mang thai, bạn thường được bác sĩ cũng như người thân khuyên nên ăn trứng vịt lộn. Món ăn này có công dụng giúp tăng trọng lượng, chiều dài của thai nhi và cải thiện sức khỏe cho mẹ. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn trứng vịt lộn luộc thì dễ tạo cảm giác “ngán” cho mẹ bầu. Vậy bạn có thể chế biến được món gì từ trứng vịt lộn mà vừa đảm bảo dinh dưỡng lại vừa ngon miệng? Hãy cùng Eva tham khảo một số món ngon từ trứng vịt lộn nhé!

Tác dụng của trứng vịt lộn

Theo Đông y, trứng vịt lộn được coi là một bài thuốc bổ dành cho người suy nhược cơ thể, bị các chứng thiếu máu, còi cọc, đau đầu, chóng mặt,… bởi tác dụng tư âm, dưỡng huyết, tăng cường sức khỏe. Các nghiên cứu cũng chỉ rõ:  trong một quả trứng vịt lộn có 182kcal năng lượng; 13,6g protein; 12,4g lipit; 82mg canxi; 212mg phốtpho; 600mg cholesterol… Ngoài ra, thực phẩm này còn có nhiều betacaroten (435µg), vitamin A (875µg), một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C… Món ăn sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu trong thai kỳ.

Ăn trứng vịt lộn đẻ con chân dài - 1
Trứng vịt lộn là món ăn giúp tăng cường sức khỏe
cho mẹ bầu trong thai kỳ.(Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý: trứng vịt lộn trước khi sử dụng cần được rửa sạch và nấu chín kỹ, đúng cách mới đem lại hiệu quả tốt. Bạn nên ăn nhiều nhất là 2 - 3 quả/ngày. Việc ăn liên tục trứng vịt lộn trong thời gian dài có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, dễ dẫn tới các bệnh tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường,… ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ bầu. Tốt nhất nên ăn vào buổi sáng, tránh buổi tối vì có thể gây khó tiêu, ngủ không yên giấc. Mặt khác, khi ăn trứng vịt lộn, mọi người thường ăn kèm rau răm và gừng. Nhưng đối với phụ nữ mang thai thì không nên ăn trứng vịt lộn kèm rau răm do rau răm không tốt cho thai nhi, thậm chí có thể gây sảy thai trong mấy tháng đầu nếu bạn có cơ địa yếu, dây chằng lỏng lẻo.

Một số món ăn từ trứng vịt lộn

Trứng vịt lộn xào me

Nguyên liệu:

-    50g me
-    1 thìa đường
-    1 thìa nước mắm
-    1 thìa bơ
-    2 tép tỏi
-    3 quả trứng vịt lộn
-    Lạc rang

Ăn trứng vịt lộn đẻ con chân dài - 2
Trứng vịt lộn xào me. (Ảnh minh họa).

Thực hiện:

-    Luộc chín 3 quả trứng vịt lộn. Khi trứng chín kỹ, đập trứng ra bát.
-    Đổ khoảng 100ml nước vào me và ngâm trong 3 phút rồi dầm nát me. Lọc lấy nước cốt me để riêng ra bát.
-    Hòa tan 2 thìa đường, 1 thìa nước mắm vào nước me. Đun dung dịch trên lửa vừa đến khi nước cạn còn 2/3 thì tắt bếp.
-    Phi thơm tỏi băm với bơ. Sau đó, cho trứng và một lượng nước me vừa đủ vào, đun trong khoảng 5 phút để trứng ngấm đều nước me.
-    Trước khi ăn, bạn có thể rắc một ít lạc rang lên trên nhằm tăng thêm mùi vị cho món ăn.

Cháo trứng vịt lộn

Đây là món ăn thích hợp dùng để tẩm bổ cho những người vừa ốm dậy.

Nguyên liệu:

-    1 bát gạo tám thơm.
-    2 quả trứng vịt lộn
-    Dầu ăn, gia vị, bột nêm, hạt tiêu.
-    Rau răm.

Ăn trứng vịt lộn đẻ con chân dài - 3
Bạn nên thưởng thức món cháo trứng vịt lộn lúc nóng. (Ảnh minh họa).

Thực hiện:

-    Đem gạo rang trên bếp, đảo đều tay, lửa nhỏ. Khi hạt gạo chuyển sang màu vàng, có mùi thơm thì tắt bếp. Bạn nên rang gạo trước khi nấu để cháo không bị sệt.

-    Cho một lượng nước vừa đủ vào cùng gạo và nấu lửa nhỏ. Quấy cháo đều tay. Sau khoảng 30 phút đến khi hạt cháo vừa chín tới là được. Bạn không nên nấu cháo quá kỹ để ăn không chán.

-    Đập trứng vịt lộn sống vào nồi cháo. Thêm dầu ăn, gia vị và bột nêm cho vừa miệng rồi đun sôi lại để trứng chín.

-    Khi ăn, cho cháo ra bát, rắc một ít hạt tiêu lên trên. Bạn có thể cho thêm một ít rau răm ăn cùng.

Bạn nên thưởng thức cháo trứng vịt lộn lúc nóng để cảm nhận rõ vị thơm ngon đặc trưng của món ăn.

Chúc bạn ngon miệng!

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ