Trong thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ bị giảm sút nghiêm trọng, chỉ cần thời tiết có sự thay đổi một chút cũng khiến nhiều bà bầu bị cảm.
Việc chăm sóc phụ nữ mang thai như thế nào trong thời điểm bị cảm có ý nghĩa quan trọng giúp bệnh chóng đẩy lùi, mà vẫn đảm bảo sự an toàn cho bà mẹ và thai nhi là điều không phải ai cũng biết.
Dưới đây là những nguyên tắc khi chăm sóc bà bầu bị cảm:
1. Tham khảo ý kiến bác sĩ
Bà bầu bị cảm có rất nhiều triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ thể, ho, sổ mũi, cảm lạnh hoặc cúm. Các triệu chứng này đôi khi khiến chị em chủ quan cho rằng có thể điều trị tại nhà hoặc lầm tưởng sang cho rằng đó là đặc điểm thai kỳ không cần đi khám, điều trị. Do vậy khi có dấu hiệu bị cảm, thai phụ nên đi khám để được bác sĩ có chuyên môn tư vấn. Thậm chí bạn sẽ phải làm các xét nghiệm cần thiết để biết nguyên nhân gây bệnh thì mới có phác đồ điều trị chính xác.
Bệnh cảm có thể điều trị đơn giản và nhanh khỏi nhưng mẹ bầu không nên chủ quan nằm nhà thay vì đi khám. Bà bầu bị cảm có thể gặp những biến chứng cho thai nhi nếu không được chăm sóc đúng cách. (Ảnh minh họa)
2. Không tự ý mua hoặc uống thuốc khi chưa có đơn của bác sĩ
Chỉ khi mẹ bầu đi khám bác sĩ mới cho đơn thuốc phù hợp. Bạn tuyệt đối không được uống thuốc theo lời truyền miệng của người thân, bạn bè hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác để mua thuốc cho mình. Nhiều bà bầu bị cảm nghĩ đây chỉ là bệnh đơn giản, chỉ cần ra hiệu thuốc kể triệu chứng bệnh để người bán thuốc kê đơn là được. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc có những tác dụng phụ nguy hiểm với thai phụ như sảy thai, nhiễm độc thai nghén, dị tật thai... nếu bạn không được kê đơn đúng liều lượng.
Việc sử dụng thảo dược cho bà bầu cũng cần được tư vấn của bác sĩ trước đó. Không ít chị em bị dị ứng với thảo dược , do vậy bạn không nên chủ quan.
3. Có chế độ dinh dưỡng đặc biệt
Chế độ ăn uống hàng ngày có vai trò quan trọng giúp cung cấp dinh dưỡng cho mẹ và bé, giúp cơ thể chiến đấu với các vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Dù mệt mỏi, chán ăn nhưng mẹ bầu vẫn cần cố gắng tiếp năng lượng mỗi ngày.
Cháo tía tô hành có tác dụng giải cảm hiệu quả cho mẹ bầu bị cảm. (Ảnh minh họa)
Chị em nên ăn các thực phẩm chứa nhiều khoáng chất cần thiết như: kẽm, sắt, vitamin A, C, D, E,...nhưng nên chế biến ở dạng lỏng để dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp, nước trái cây.
Ngoài ra, nếu bị cảm, chị em nên ăn một số món cháo giàu dinh dưỡng lại có tác dụng giải cảm rất tốt và an toàn cho thai phụ như cháo trứng gà kết hợp hành lá, tía tô; cháo gà.
Bình thường, mẹ bầu cần uống đủ nước mỗi ngày nhưng khi bị cảm bạn cần uống nhiều hơn để thanh lọc cơ thể, làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi đồng thời giúp tăng lưu lượng máu để nuôi thai nhi.
Các loại nước trái cây tươi họ cam, quýt giàu vitamin C đặc biệt thích hợp cho bà bầu bị cảm để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể đang mệt mỏi. Ngoài ra, các loại nước như gừng kết hợp với mật ong và chanh cũng được một số thai phụ sử dụng để giảm tình trạng viêm họng khi bị cảm.
4. Vệ sinh mũi họng hàng ngày
Khi bị cảm nhiều bà bầu bị ngạt mũi, đau họng vô cùng khó chịu. (ảnh minh họa)
Mẹ bầu có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để súc miệng và rửa mũi ít nhất là 2 lần/ngày. Tốt nhất bạn nên làm ấm dung dịch trước khi sử dụng.
Một số chị em còn áp dụng việc việc dùng tinh dầu để xông mũi hoặc xông cơ thể giải cảm. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cũng có ý kiến cho rằng việc xông hơi khi mang thai không nên lạm dụng vì việc này có thể khiến tăng thân nhiệt cho bà bầu ảnh hưởng đến thai nhi.
5. Dành thời gian nghỉ ngơi
Khi cơ thể mệt mỏi, mẹ bầu không nên gắng sức làm việc. Bạn nên xin nghỉ làm để có thời gian tĩnh dưỡng tuyệt đối. Phòng ở cho bà bầu bị cảm cần thoáng khí, sạch sẽ, yên tĩnh. Trong trường hợp, nơi ở của thai phụ có ổ dịch gây các bệnh truyền nhiễm bạn cần di chuyển chỗ ở, đồng thời tránh tiếp xúc với người đang nghi ngờ mắc bệnh.