Con dâu nhà người ta cả thai kỳ và đi đẻ may ra mới hết khoảng 20-30 triệu đồng còn con dâu nhà tôi mới có bầu đã tốn kém quá.
Tính đến thời điểm này, con dâu về nhà tôi đã được gần 1 năm. Nhà chỉ có 1 cậu con trai duy nhất nên sau đám cưới, vợ chồng con ở chung với vợ chồng tôi. Nhà tôi có 4 tầng lầu rất rộng rãi nên mỗi cặp vợ chồng ở 1 tầng. Các con cũng đi làm suốt ngày nên cả nhà chỉ ăn chung với nhau bữa tối. Chỉ cuối tuần con dâu hay bày vẽ làm 1 số món ngon cho mọi người thưởng thức. Khi ấy mẹ chồng con dâu lại cùng nhau vào bếp nấu nướng.
Do nhà thông gia chỉ cách nhà tôi khoảng hơn 30km nên cuối tuần 2 con cũng hay xin phép về nhà ngoại chơi. Mỗi khi từ nhà ngoại lên, ông bà thông gia gửi cho chúng tôi rất nhiều hoa quả, đồ quê tươi ngon. Lúc nhà 2 bên có việc, chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi. Vì thế tình cảm thông gia cũng gắn kết, không có gì phàn nàn.
Niềm vui chưa được bao lâu thì lại phải lo lắng khi thể trạng con dâu yếu nên có nguy cơ dọa sảy thai cao. (Ảnh minh họa)
Từ khi có con dâu, mỗi tháng vợ chồng các con đưa cho tôi 5 triệu đồng chi tiêu ăn uống. Còn điện nước, tiền mạng chúng tự đóng hết. Chúng tôi chỉ phải bỏ ra tiền phong bì đi cỗ bàn, còn lại để dưỡng già. Cũng may chồng tôi có lương hưu 7 triệu đồng/tháng. Còn tôi cũng ở nhà bán dưa cà nên cũng có đồng ra đồng vào, không thiếu thốn.
Đến một ngày con dâu tôi thông báo mang bầu. Nghe tin con có bầu, cả nhà đều vui mừng. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì lại phải lo lắng khi thể trạng con dâu yếu nên có nguy cơ dọa sảy thai cao. Vì thế bác sĩ khuyến cáo suốt 3 tháng đầu thai kỳ, con dâu phải nằm yên tại phòng treo chân. Bên cạnh đó tiêm thuốc giữ thai liên tục và bồi dưỡng ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Con dâu phải xin nghỉ làm không lương ở nhà dưỡng thai suốt 3 tháng dọa sảy. Mọi khoản tiền ăn uống 2 con vẫn đưa bình thường như mọi tháng. Nhưng riêng khoản thuốc thang tiêm giữ thai và tẩm bổ cho con dâu, ông nhà tôi cứ sĩ diện nhận trả:
“Con đầu cháu sớm nên những khoản tiền đó vợ chồng mình chi trả cho các con. Các con mới cưới cũng khó khăn, bố mẹ phải giúp đỡ chúng những lúc thế này”.
Suốt 3 tháng qua, tiền chi tiêu vào con dâu dọa sảy nằm đó cũng ngốn của tôi hết 30 triệu đồng. Tính ra trung bình mỗi tháng con dâu tiêu tốn 10 triệu đồng. Chi trả cho con mà tôi sốt ruột quá. Trong khi ông nhà tôi thì cứ động viên:
“Cho con cháu chứ cho ai đâu mà sợ thiệt. Bà đúng là quá tính toán với con cái rồi. Con nó giữ được thai như hiện nay là quá tốt, chỉ mong cả thai kỳ của con dâu khỏe mạnh, an toàn là đủ”.
Dù ông nhà tôi nói vậy thôi nhưng tôi xót ví quá. Mấy hôm nay tôi đang muốn tìm cách để đuổi khéo con dâu về bên thông gia cho nhà đẻ nó chăm sóc nhưng chưa biết tìm lý do nào thì tối hôm trước ông bà thông gia bất chợt đến nhà tôi chơi và thăm con gái. Nghe tôi kể chuyện chăm con dâu dọa sảy tốn kém, vất vả, ông bà thông gia đỏ bừng mặt nhưng rất thông cảm cho tôi.
Lúc về, bà thông gia còn bất ngờ đưa cho tôi 1 sấp tiền được gói cẩn thận trong chiếc khăn tay:
“Biết con dọa sảy thai phải nằm một chỗ 3 tháng nay mà chúng tôi lại đang bận thu hoạch mùa màng và lứa lợn 30 con kia nên nay mới sang nói chuyện với ông bà được. Chúng tôi có 50 triệu đây bà cầm lấy mà lo toan thêm vào cho cháu. Bà đừng ngại, cứ cầm lấy”.
Đến giờ tôi mới thấm thía lời chồng bảo, con dâu đã gả về nhà chồng thì cũng là con cái trong nhà và mình phải lo liệu hết mức có thể. (Ảnh minh họa)
Rồi bà thông gia cứ ấn tiền vào tay bắt tôi phải nhận. Nhận tiền của nhà đẻ con dâu đưa mà tôi bẽ mặt. Vừa phút trước tôi huyênh hoang kể công, kể khổ, tốn kém nuôi con dâu thì ngay sau đó đã xấu hổ vô cùng, chỉ mong có cái kẽ nứt nào chui xuống đất.
Đến giờ tôi mới thấm lời chồng bảo, con dâu đã gả về nhà chồng thì cũng là con cái trong nhà và mình phải lo liệu hết mức có thể. Sao mới vậy đã ngoạc mồm kêu tốn kém này kia để ông bà thông gia phải đưa tiền. Cũng may sang tháng thứ 4 này, tình trạng dọa sảy thai của con dâu đã đỡ hơn và đã ngưng tiêm thuốc. Giờ bác sĩ bảo sinh hoạt ăn uống bình thường, chỉ cần chú ý phòng ngừa hiện tượng này xảy ra thôi.
Cách phòng ngừa hiện tượng dọa sảy thai
Quá trình mang thai luôn gặp rất nhiều nguy hiểm, nhất là ở 3 tháng đầu thai kỳ do thai nhi chưa làm tổ chắc chắn trong bụng mẹ. Do vậy, mẹ bầu cần hết sức lưu ý với các hiện tượng bất thường của cơ thể như xuất huyết vì có thể báo hiệu hiện tượng dọa sảy thai. Mẹ bầu có thể chủ động thực hiện một số biện pháp phòng tránh như:
- Đi khám thai theo lịch định kỳ để theo dõi sức khỏe thai nhi cũng như được hướng dẫn cách chăm sóc thai kỳ đúng cách.
- Bổ xung axit folic nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ, giúp tăng cường sức khỏe cho thai phụ cũng như sự phát triển trí não của bé. Các chuyên gia khuyến nghị, mẹ bầu nên bổ sung đủ 400mg axit folic trong 3 tháng đầu thai kỳ để phòng ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi.
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh như: ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt, trứng sữa, cá... Ở 3 tháng đầu thai kỳ, việc kiêng khem cũng khá quan trọng. Mẹ bầu nên tránh một số thực phẩm dễ gây sảy thai như: ngải cứu, đu đủ, dứa, rau ngót.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có cồn khác. Đồng thời không nên hoặc hạn chế ăn những thực phẩm như thịt tái sống, trứng tái, sống, rau quả chưa rửa sạch và chưa được chế biến nhằm giảm nguy cơ dọa sảy thai và sảy thai.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày: Uống nhiều nước sẽ giúp chất lỏng dễ dàng di chuyển khắp cơ thể, làm giảm các triệu chứng nguy hiểm khi mang thai như phù, táo bón và mệt mỏi.
- Nên vận động, tập luyện nhẹ nhàng, chứ không nên nằm yên một chỗ quá lâu.
- Hạn chế quan hệ vợ chồng trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất. Nếu có quan hệ thì nên nhẹ nhàng, tránh để ảnh hưởng đến thai nhi.
- Để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai, bạn nên sử dụng các dịch vụ thai sản tại các cơ sở y tế uy tín để được theo dõi sức khỏe và sớm phát hiện ra những bất thường ở bé.