Bé gái sinh non chỉ nặng 700g, da tím tái: Cảnh báo nguy hiểm khi trẻ sinh non

Thảo Nguyên - Ngày 02/11/2022 16:00 PM (GMT+7)

Do chào đời khi chỉ mới 25 tuần thai, nặng 700g nên bé gái này có sức khỏe kém, các cơ quan như phổi, bộ phận sinh dục chưa phát triển hoàn thiện.

Ngày 1/11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết sau hơn ba tháng chăm sóc tích cực, bé gái sinh non nặng 700g nói trên đã có cân nặng 2,75 kg, sức khỏe ổn định và được xuất viện.

Theo bệnh viện này cho biết, do chào đời khi chỉ mới 25 tuần thai nên bé sinh non có thể trạng yếu, da tái, bầm tím nhiều vùng mặt, phổi thông khí kém, nguy cơ cao suy hô hấp, suy tuần hoàn và nhiễm trùng. Tình trạng bệnh nhi diễn biến hết sức phức tạp, hy vọng sống mong manh.

Ngay lập tức sau sinh, bé gái này được nằm lồng ấp, được hỗ trợ thông khí bằng máy thở, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rốn và duy trì thuốc vận mạch.

Những bé gái sinh non thường có thể trạng yếu (Ảnh minh họa)

Những bé gái sinh non thường có thể trạng yếu (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, bác sĩ phải tính toán cẩn thận lượng sữa, dinh dưỡng, thuốc mỗi ngày, điều chỉnh kịp thời, đảm bảo trẻ tăng cân.

Bên cạnh đó, bé sinh non này còn mắc bệnh lý vàng da và bệnh võng mạc nên buộc phải chăm sóc trong môi trường vô khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Những nguy hiểm khi trẻ sinh non

Sinh non được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi vì có nhiều biến chứng. Nhiều bé sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời, bao gồm khuyết tật thần kinh, tim mạch, thị giác, thính giác.

Theo các thống kê trước đó, trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi ít cơ hội sống sót, tỷ lệ sống đến khi xuất viện của trẻ 22 tuần thai là 6%, 23 tuần là 26%. Trẻ sinh non sau 24 tuần tuổi có tỷ lệ sống cao hơn, bé sinh ở tuần thứ 26 cơ hội sống sót khoảng 78%. Tuy nhiên, khoảng 4/10 trẻ sinh non sống ở tuần thai này sẽ gặp các vấn đề về hô hấp, thị lực, thính lực, chậm phát triển trí tuệ so với trẻ đủ tháng.

Hiện cơ chế gây sinh non chưa được biết rõ, có thể liên quan đến nhau bong non, căng giãn tử cung quá mức hoặc hở cổ tử cung, các thay đổi về nội tiết xuất phát từ stress của mẹ hoặc thai nhi. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm tại cổ tử cung, âm đạo cũng liên quan đến chuyển dạ sinh non.

Chính bởi thế thai phụ dự phòng sinh non bằng cách thay đổi hành vi và lối sống, bao gồm chế độ ăn và tập thể dục, bổ sung vi chất bao gồm calcium và kẽm, sàng lọc viêm nhiễm sinh dục, không hút thuốc uống rượu, giảm các hoạt động nặng...

Khi nghi ngờ chuyển dạ sinh non, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra (Ảnh minh họa)

Khi nghi ngờ chuyển dạ sinh non, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra (Ảnh minh họa)

Bác sĩ sẽ cân nhắc dự phòng aspirin liều thấp cho thai phụ có nguy cơ tiền sản giật, điều trị viêm âm đạo bởi vi khuẩn, nấm. Thai phụ có tiền căn sinh non hoặc chiều dài tử cung ngắn, cường giáp, viêm nha chu thai kỳ... có những phác đồ điều trị riêng. Bổ sung calcium cho thai phụ nguy cơ rối loạn huyết áp.

Khi nghi ngờ chuyển dạ sinh non, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, có thể nhập viện để theo dõi và điều trị nhằm giảm cơn gò tử cung, trì hoãn hoặc ngưng lại chuyển dạ, hỗ trợ trưởng thành phổi sớm cho thai, giảm nguy cơ trẻ bại não sau sinh và phòng ngừa nhiễm trùng. Đa số trẻ sinh non được theo dõi và điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh.

Cô dâu tổ chức hôn lễ ngay tại bệnh viện sau 14 tiếng sinh con
Cứ nghĩ chuyển dạ đi đẻ đúng ngày cưới, hôn lễ của cặp đôi này sẽ phải tạm hoãn, nào ngờ họ đã có 1 lễ cưới bất ngờ đầy kỷ niệm ngay tại bệnh viện.

Câu chuyện đi đẻ

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh non