Rất dễ nhầm lẫn giữa chuyển dạ thật giả ở bà bầu sinh con so.
Thông thường, từ khoảng tuần 34 của thai kỳ trở đi, tử cung bà bầu bắt đầu có những cơn co thắt giống như “thực tập” đến kì sinh nở. Tuy nhiên do tâm lý nôn nóng mong chờ đứa con bé bỏng chào đời, do chưa có nhiều kinh nghiệm sinh nở, nhiều chị em đã lầm tưởng đây là cơn chuyển dạ thật. Vì vậy cũng đã xảy ra nhiều bi hài quanh chuyện đi đẻ của các bà bầu …
Lui tới bệnh viện như “cơm bữa” vì chuyển dạ giả
Chỉ mới đến tuần 36 của thai kỳ, mặc dù còn cách ngày dự sinh đến những 4 tuần nhưng chị Hồng (Tân Bình, TP HCM) bắt đầu cảm thấy các cơn co thắt ở tử cung. Lúc đầu ít, sau đó nhặt dần làm chị lo âu, sợ sinh sớm, chưa kể bé Bo lại không đạp nhiều như những tuần trước. Sợ sinh rớt ngay trong nhà, chị và chồng vội vàng khăn gói đến bệnh viện làm thủ tục sinh nở. Mặc dù sau thăm khám, bác sĩ đã giải thích đây chỉ là các cơn chuyển dạ giả trong những ngày cuối thai kỳ, chị vẫn không thôi lo lắng. Về nhà, chị lên lịch đếm thai máy của bé, rồi chú ý từng biểu hiện nhỏ của cơ thể, thậm chí một chút huyết trắng dính ở cửa mình cũng khiến chị “ăn không ngon, ngủ không yên”. Sau một tuần, các cơn co thắt lại tiếp tục diễn ra. Khi đặt tay lên bụng cảm thấy tử cung gò cứng, chị Hồng lại vội vàng cùng mẹ chồng bắt taxi đến bệnh viện, và lại được bác sĩ “trả về” vì chưa đến ngày sinh.
Nhầm lẫn giữa các cơn chuyển dạ giả và đau đẻ thật gây nhiều
phiền toái cho bà bầu. (ảnh minh họa)
Không phân biệt được chuyển dạ thật, giả không chỉ làm mệt các bà bầu, mà người thân của chị em đôi khi cũng bị “hành” lây. Đơn cử như trường hợp của anh Khánh (Tân Phú, TP HCM). Mặc dù đang chạy chiến dịch quảng cáo tất bật cho công ty, nhưng khi nhận được tin báo vợ đã nhập viện vì có dấu hiệu sinh, anh vội xin nghỉ vài ngày trong lúc cả phòng ban còn đang rối bù vì thiếu người. Đến lúc đồng nghiệp đinh ninh anh đang ở viện chăm vợ, thì bất ngờ sáng thứ hai anh lại lếch thếch vào công ty. Hỏi ra mới biết vợ anh là chị Hằng nằng nặc đòi vào viện vì tưởng mình sắp chuyển dạ, nhưng nằm được 2 ngày do môi trường bệnh viện không tiện nghi và cũng chẳng thấy sinh nên lại về nhà. Do vợ nhỏ hơn gần chục tuổi, tính tình lại khá trẻ con đỏng đảnh nên vì chiều vợ, anh lại đưa chị về. Mọi chuyện tiếp tục diễn ra bình thường cho đến cuối tuần, khi cả công ty dồn sức cho hội thảo sẽ diễn ra vào sáng hôm sau, sếp anh Khánh lại nhận được tin anh xin nghỉ vì vợ sắp sinh. Sau hội thảo, mọi người đang bàn tính đến thăm vợ anh thì mới ngỡ ngàng phát hiện ra chị đã lại về nhà. Từ “sự kiện” này, anh Khánh không chỉ mệt vì suốt ngày lên viện với vợ mà sau đó, mỗi lần anh muốn xin nghỉ phép do việc gia đình lại bị cả phòng ban trêu là “nghỉ chăm vợ đẻ”.
Không khó phân biệt chuyển dạ thật, giả
Trong những ngày cuối của thai kỳ, hầu hết bà bầu sẽ trải qua cảm giác nóng lòng trông mong em bé sắp chào đời đến nỗi dễ nhầm lẫn các cơn chuyển dạ giả là dấu hiệu sắp sinh. Theo các chuyên gia y tế, cơn chuyển dạ giả hay còn gọi là cơn co thắt Braxton Hicks thật ra không khó phân biệt với các cơn co thắt tử cung trong quá trình chuyển dạ. Chị em có thể nhận biết các cơn chuyển dạ giả (Braxton Hicks) bằng cách lưu ý những khác biệt sau:
Không ổn định và đều đặn
Các cơ co thắt giả không bao giờ thật sự ổn định và đều đặn lặp lại theo một thời gian nhất định. Trong khi đó, nếu là chuyển dạ thật, bà bầu sẽ cảm thấy các cơn co thắt diễn ra nhịp nhàng hơn, đều hơn và cũng gây đau hơn. Bà bầu cũng dễ dàng ghi lại thời gian những cơn co thắt từ lúc bắt đầu một cơn cho tới lúc bắt đầu cơn tiếp theo. Trong giai đoạn đầu, các cơn co thắt thường kéo dài từ 30 đến 60 giây, có định kỳ từ 5 đến 20 phút. Tuy nhiên một số chị em không nhận biết được các cơn co thắt đầu tiên này cho đến khi chúng xuất hiện càng lúc càng nhặt hơn, khoảng 5 phút/lần. Trong suốt giai đoạn gần sinh nhất, các cơn co thắt sẽ kéo dài từ 60 - 90 giây, có định kỳ từ 2 - 4 phút.
Tính rời rạc của cơn co thắt giả
Khác với các cơn co thắt chuyển dạ luôn lặp lại theo chu kỳ, các cơn chuyển dạ giả có thể thay đổi tần số lặp lại từ 10 – 15 phút, có khi đến 20 phút lần.
Di chuyển hay đi dạo loanh quanh có thể chặn đứng các cơn co thắt giả,
giúp bà bầu dễ chịu hơn. (ảnh minh họa)
Di chuyển có thể chặn đứng cơn co thắt giả
Các cơn co thắt giả thường thuyên giảm hoặc mất đi khi bà bầu ngồi dậy, đi loanh quanh, nhưng nếu là co thắt thật thì nó sẽ tăng lên liên tục, và bạn không thể kiểm soát chúng. Với một số chị em có thể xuất hiện cơn co thắt giả khi đang làm việc hay trong lúc cơ thể ở tình trạng quá kích động, quá mệt mỏi. Các cơn co thắt này thường có rồi mất trong vài ba ngày trước khi cơn chuyển dạ thật bắt đầu. Bên cạnh đó, không giống như cơn chuyển dạ thật luôn gây đau, các cơn co thắt giả chỉ làm cho bà bầu cảm thấy hơi khó chịu. Lúc này bà bầu nên ngồi yên không động đậy và thực hành các kỹ thuật xả hơi như khi chuyển dạ để giúp chúng dịu đi.
Các cơn co thắt giả không từ từ mạnh lên, mà sẽ từ từ yếu đi và biến mất hoàn toàn
Trong khi đó, nếu là chuyển dạ thật, lúc đầu bà bầu sẽ cảm nhận cơn đau do co thắt có thể có đặc tính như lúc hành kinh hoặc giống cơn đau lưng nhẹ. Sau đó, các cơn co thắt sẽ dần dần kéo dài, thường xuyên hơn và mạnh hơn. Một cơn co thắt thật sự thường giống như một con sóng khó chịu băng ngang qua vùng bụng của bạn, lên đến đỉnh của nó trong vài giây, rồi sau đó biến mất. Cùng lúc đó bà bầu sẽ cảm giác cơ tử cung cứng lên, thắt lại rồi đạt đến đỉnh mạnh nhất trong vài giây đồng hồ trước khi bắt đầu giãn ra. Các cơn co thắt này sẽ tiếp nối không ngừng.
Ngoài ra, bà bầu còn có thể căn cứ vào một dấu hiệu rất rõ ràng báo hiệu cơn chuyển dạ thật sắp đến, đó là sự xuất hiện của dấu sinh: chảy nhớt hồng ở âm đạo. Nguyên nhân của việc này là do nút màng nhầy vốn bịt chặt cổ tử cung trong lúc chị em mang thai để bảo vệ bào thai khỏi nguy cơ nhiễm trùng, nay đã bị bung ra. Biểu hiện là dịch nhầy đặc, có thể hơi nâu, hơi hồng hoặc có dính chút máu từ các mao quản ở cổ tử cung. Cũng có khi lớp màng mỏng của túi chứa nước ối sẽ vỡ ra, thường vào cuối giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ.
Mặc dù các cơn chuyển dạ giả chỉ là một đợt tập dợt nhưng bà bầu đừng nên vội thất vọng, vì từ các cơn co thắt rời rạc và yếu ớt, tử cung của bạn đang chuẩn bị cho các cơn co thắt mạnh rất cần thiết cho việc chuyển dạ. Chuyển dạ giả cũng báo cho các bà mẹ tương lai biết trước rằng cơn chuyển dạ thật đã sắp đến, và chị em cũng sẽ không phải chờ đợi quá lâu để được chào đón bé yêu của mình.