Bí quyết xử lý bệnh tiểu đường thai kì

Ngày 14/04/2013 15:00 PM (GMT+7)

Với mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường thì việc mang thai sẽ cần phải cẩn trọng.

7 bí quyết dưới đây vừa được các chuyên gia tạp chí y học Heath (Mỹ) công bố giúp chị em “sống chung” với căn bệnh này khi mang thai.

1. Kiểm soát đường huyết trước khi mang thai

Trước khi mang thai phụ nữ nên làm tốt công tác chuẩn bị: Trước tiên là loại bỏ các thói quen bất lợi như hút thuốc lá, uống rượu; giảm cân (nếu béo phì hay dư thừa trọng lượng); đi khám bác sĩ để được tư vấn về sức khỏe; bổ sung thêm vitamin và nếu đang mắc bệnh tiểu đường thì phải dùng thuốc đưa đường huyết về ngưỡng hợp lý.

Riêng người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có rủi ro mắc hội chứng PCOS rất lớn (hội chứng buồng trứng đa nang) làm cho cơ thể khó thụ thai; trong trường hợp này có thể dùng thuốc kích thích rụng trứng như clomid và serophene.

2. Nên khám bệnh thường xuyên

Nhóm phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường nên đi khám bác sĩ với tần suất nhiều gấp 3 lần so với những người không bị bệnh. Vì vậy, trước khi mang thai, nhóm người này phải làm tốt công tác “tổ chức” như tìm kiếm bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, bác sĩ phụ khoa để giúp bản thân khám bệnh và xử lý những biến chứng khi cần.

Ngoài việc tăng tần suất khám bệnh, phụ nữ mang thai cần phải làm nhiều phép xét nghiệm như siêu âm, kiểm tra đường huyết, xét nghiệm nước tiểu... Bên cạnh đó cũng cần mua bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác có ích trong giai đoạn thai kỳ và sinh con.

3. Nên dùng thuốc uống hay thuốc tiêm?

Cho đến nay chưa có lý do để nói rằng thuốc tiểu đường dạng viên như metformin là an toàn hay không an toàn cho phụ nữ thai kỳ, nhưng thuốc uống lại tiện hơn. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 không nên dùng thuốc.

Thuốc tiêm insulin tuy lích kích nhưng lại có tác dụng duy trì đường huyết trong giai đoạn trước hoặc trong khi mang thai. Tốt nhất, nên tư vấn bác sĩ loại thuốc thích hợp dùng cho người tiểu đường đang mang thai.

Bí quyết xử lý bệnh tiểu đường thai kì - 1
Bà bầu bị tiểu đường cần khám bệnh thường xuyên. (ảnh minh họa)

4. Ăn uống và dùng thuốc khi mang thai

Thông thường, bác sĩ khuyến cáo phải tiêm insulin trước khi ăn để giúp insulin phát huy tác dụng, nhưng điều này lại làm cho chứng ốm nghén gia tăng. Vì thế, ngay sau khi ngủ dậy phụ nữ có thể ăn vặt.

Tùy loại insulin mà thời gian từ khi tiêm đến khi phải ăn là khác nhau. Thông thường thời điểm phải ăn là khi insulin bắt đầu có tác dụng. Ví dụ, với insulin thường là 20 - 30 phút, insulin mixtard cũng là 30 phút, insulin bán chậm (lente, NPH, insulatard...) là 60 phút. Nếu ăn muộn hơn thì nguy cơ bị hạ đường huyết rất cao.

Riêng trường hợp nôn nghén nhiều có thể dùng thuốc zofran sẽ giảm bệnh, tuy nhiên trước khi dùng thuốc nên tư vấn kỹ bác sĩ.

5. Duy trì đường huyết ổn định trong suốt giai đoạn thai kỳ

Trong giai đoạn thai kỳ, nên duy trì mức đường huyết ở ngưỡng kiểm soát. Đây là công việc không mấy dễ dàng nhưng có thể đạt được bằng cách ăn uống, dùng thuốc, vận động và luôn mang theo máy đo đường huyết bên người.

Theo khuyến cáo thì cứ mỗi giờ nên đo đường huyết 1 lần, trường hợp mệt mỏi có thể đo mau hơn. Nếu cần có thể tư vấn bác sĩ ngay lập tức để đưa đường huyết về ngưỡng kiểm soát.

6. Bổ sung món ăn carb tức thì

Nếu thuộc nhóm người phải lệ thuộc vào insulin thì phải đề phòng chứng tụt đường huyết. Nguyên nhân của chứng tụt đường huyết có thể là do tiêm quá nhiều insulin, hoặc tiêm không đúng thời gian quy định, ăn không đủ cơ số thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu insulin cần thiết cho cơ thể.

Để khắc phục, nên mang theo viên glucose bên mình hoặc gel glucose để xử lý tình trạng đường huyết tụt. Nếu phương pháp trên không hiệu quả thì nên mang theo hộp nước hoa quả 100% hoặc chất bột carb để khi cần uống ngay, hoặc cũng có thể dùng kẹo để làm tăng đường huyết.

7. Tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh

Nên tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ, chồng, con, anh chị em trong nhà… Từ lời khuyên, kinh nghiệm cho đến cách ăn uống, nhất là những người đã trải qua trường hợp tương tự.

Ví dụ chị, mẹ hoặc em gái đã mắc bệnh tiểu đường mang thai thành công. Ngoài ra có thể tư vấn bác sĩ chuyên môn, bạn bè, qua sách báo hoặc tham khảo thông tin trên Internet.   

Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường.