Khi đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ không tìm được que tránh thai trên cánh tay bà mẹ này nên đã tiến hành chụp CT vùng ngực và phát hiện sự thật kinh hoàng.
Cấy que là biện pháp tránh thai ngày càng được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn vì hiệu quả cao, thủ thuật đơn giản và hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, đã có những trường hợp que cấy tránh thai "chạy" trong cơ thể, gây ra biến chứng nguy hiểm.
Gần đây, các bác sĩ tại bệnh viện Viana do Castelo (thuộc thành phố Porto, Bồ Đào Nha) đã báo cáo một trường hợp que cấy tránh thai "đi lạc" lên phổi.
Theo đó, người phụ nữ 32 tuổi đã cấy que tránh thai trong suốt 8 năm qua. Gần đây, cô bị chảy máu "vùng kín" liên tục trong vòng 3 tháng nên đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi nghe bệnh nhân trình bày đã cấy que tránh thai, bác sĩ kiểm tra dưới cánh tay tại vị trí cấy que nhưng không sờ thấy dụng cụ này nên lập tức tiến hành chụp CT để tìm.
Kết quả cho thấy chiếc que tránh thai đang nằm ở dưới phổi trái của bà mẹ này. Các bác sĩ cho rằng que cấy đã di chuyển theo tĩnh mạch rồi chui vào hệ thống động mạch phổi. Tuy nhiên, hiện tượng ra máu "vùng kín" có thể không phải do sự cố này mà đơn giản là cô bị rối loạn kinh nguyệt sau khi que tránh thai hết tác dụng.
Kết quả chụp CT cho thấy chiếc que tránh thai nằm ngay dưới phổi của bệnh nhân.
Sau khi phát hiện, người phụ nữ này đã được phẫu thuật lấy que ra khỏi cơ thể và về nhà sau 4 ngày theo dõi. Hiện sức khỏe của cô đã ổn định.
Năm ngoái, một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra tại Anh. Theo đó, bà mẹ Deborah Louise đã cấy que tránh thai từ năm 2015 nhưng sau đó nó đã "chạy" khắp cơ thể cô, đi qua cả tim. Sau nhiều lần chụp X quang và siêu âm nhưng không thể xác định vị trí của nó, đến tháng 8/2017 các bác sĩ mới có thể phát hiện chiếc que tránh thai đang nằm tắc tại động mạch phổi bên phải của cô thông qua chụp CT.
Deborah cũng cho biết cô là 1 trong 12 trường hợp trên thế giới và trường hợp đầu tiên ở Anh được ghi nhận tình trạng que tránh thai "chạy" đến cơ quan nội tạng và được loại bỏ thành công. Tuy nhiên, những trường hợp que tránh thai lệch ra khỏi vị trí ban đầu sau khi cấy ghép thì không hề ít.